10 đặc sản bản địa trong chăn nuôi Việt Nam
- Thứ năm - 24/11/2016 03:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Gà Đông Tảo
Nguồn gốc của gà Đông Tảo thuộc xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Gà to con, dáng hình bệ vệ, thân hình to, da đỏ, đầu oai vệ, cặp chân sù sì. Cặp chân gà trống to và bao quanh chân ở phía trước là một lớp vảy da sắp xếp không theo hàng, phần còn lại (3/4 diện tích) da sùi giống bề mặt trái dâu tằm ăn, bốn ngón chân xòe ra, chia ngón rõ nét, bàn chân dày, cân đối nên gà bước đi vững chắc. Gà Đông Tảo càng già càng quý, thịt có mùi vị thơm ngon đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại gà nào. Gà Đông Tảo có thể xem là đặc sản bản địa đứng đầu ở Việt Nam.
Gà H’Mông
Gà H’Mông hay còn gọi là gà Mông, gà Mông đen hay gà Mèo là một giống gà nội địa của Việt Nam có nguồn gốc ở miền núi phía Bắc, được dân tộc H’Mông nuôi thả quảng canh. Gà H’Mông là giống quý hiếm, có đặc điểm là thịt đen, xương đen, hàm lượng mỡ trong thịt ít, thịt chắc và thơm ngon vào bậc nhất trong các giống gà ở Việt Nam hiện nay. Và là con đặc sản của vùng Tây Bắc. Đây là đối tượng dễ nuôi, có giá trị dinh dưỡng cao và được thị trường ưa chuộng, vì vậy trong những năm gần đây đã có nhiều mô hình nuôi gà H’Mông mang lại năng suất, hiệu quả cao, giúp nhiều hộ dân vùng núi thoát nghèo.
Gà đồi Yên Thế
Gà đồi Yên Thế là một giống bản địa của Việt Nam ở vùng Yên Thế thuộc Bắc Giang. Đây là giống gà lai tạo của địa phương được nuôi theo hình thức chăn thả ở đồi, các giống gà này gọi chung với thương hiệu sản phẩm là gà đồi Yên Thế. Từ năm 2006, huyện Yên Thế đã dấy lên phong trào chăn nuôi gà đồi giống địa phương dưới tán cây rừng và cây ăn quả. Năm 2011, gà đồi Yên Thế của tỉnh Bắc Giang là thương hiệu vật nuôi đầu tiên của Việt Nam được cấp Chứng nhận độc quyền nhãn hiệu. Sản phẩm “Gà đồi Yên Thế” cũng đã đạt Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng năm 2015. Giống gà Yên Thế có ngoại hình đẹp, chất lượng thịt gà thơm ngon rất đặc trưng và đã trở thành vật nuôi giúp nông dân Bắc Giang thoát nghèo.
Gà Hồ
Gà Hồ là một giống gà quý ở Việt Nam, nuôi sống chủ yếu ở làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một trong những linh vật của Việt Nam. Giống gà này tương truyền có lịch sử hơn 600 năm, từng được chọn làm sản vật tiến vua. Gà trống có dáng to, dài, trọng lượng lên đến 6 - 7 kg. Gà mái thường có 3 màu lông: đất thó (trắng, xanh), vỏ quả nhãn chín và màu sẻ (giống lông chim sẻ); trọng lượng 4 - 5 kg. Giá gà Hồ thương phẩm thường dao động 350.000 - 500.000 đồng/kg. Thông thường, gà càng to giá bán càng đắt.
Cừu Phan Rang
Là giống cừu có nguồn gốc Phan Rang, Ninh Thuận, có thể coi là giống cừu duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Giống cừu này được hình thành hơn 100 năm, trải qua những điều kiện khí hậu nắng nóng gần như quanh năm, dưới sự tác động của chọn lọc tự nhiên và nhân tạo, giống cừu Phan Rang đã thích nghi cao với điều kiện sinh thái của Ninh Thuận. Lông cừu có giá trị thẩm mỹ cao, được dùng làm khăn choàng cổ, áo lạnh, chăn…, chủ yếu được xuất khẩu sang các nước châu Âu. Ngoài ra thịt cừu là loại thực phẩm đặc sản, có chất lượng cao được chế biến thành những món ăn ngon miệng hợp khẩu vị của nhiều tầng lớp nhân dân.
Lợn Mán
Lợn Mán là giống lợn nhỏ con được lai giữa lợn nhà và lợn rừng xuất phát từ miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Chúng là một trong những giống lợn nội địa của Việt Nam. Đặc trưng của lợn Mán là da dày, đen, nhiều nạc, lớp mỡ mỏng, lợn có trọng lượng 10 - 15 kg/con. Mặc dù nhỏ con nhưng chúng có chất lượng thịt thơm ngon, săn chắc và được ưa chuộng do nguồn gốc cũng như phương thức nuôi thả vườn. Lợn vốn là đặc sản của các tỉnh vùng đồi núi. Thịt lợn Mán có giá đắt gấp đôi, gấp ba thịt lợn nhà. Giá thịt dao động 300.000 - 400.000 đồng/kg tùy từng phần thịt khác nhau.
Lợn Mường Lay
Lợn Mường Lay hay còn gọi là lợn đen Mường Lay hay lợn đen 14 vú là một giống lợn nội địa của Việt Nam có nguồn gốc từ huyện Mường Lay thuộc tỉnh Điện Biên. Chúng có ngoại hình đặc trưng là màu lông đen tuyền, lưng thẳng, có 14 vú, có 4 - 6 đốm trắng ở đầu chân, trán, đuôi. Lợn có khả năng thích nghi tốt với môi trường nuôi, khả năng kháng bệnh cao, sử dụng tốt thức ăn giàu xơ, nghèo dinh dưỡng, thịt thơm ngon… đặc biệt phù hợp điều kiện chăn nuôi nông hộ. Lợn Mường Lay có thịt săn chắc, thơm và ngọt, được coi là thực phẩm sạch nên được nhiều người ưa chuộng
Vịt cỏ Vân Đình
Là giống vịt cỏ bản địa được chăn thả theo hình thức truyền thống trên các đồng chiêm của huyện Ứng Hòa, Vân Đình, Hà Nội. Vịt cỏ Vân Đình có đặc điểm là nhỏ con, lông cánh dài, màu cà kem, thớ thịt dày, thơm, xương nhỏ. Vịt có năng suất thấp, lớn chậm và trọng lượng thấp, mỗi con chỉ khoảng 1,5 - 1,8 kg, vịt nuôi 70 ngày mới được xuất chuồng. Vịt cỏ Vân Đình đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, vốn xưa nay được kinh doanh không những ở Vân Đình, mà còn là món ẩm thực Hà thành đã có trong thực đơn của rất nhiều nhà hàng khắp trong Nam ngoài Bắc.
Vịt Cổ Lũng
Vịt Cổ Lũng hay còn gọi là vịt Quốc Thành, là giống vịt nhà bản địa có xuất xứ ở địa bàn xã Cổ Lũng thuộc huyện Bá Thước, Thanh Hóa. Vịt Cổ Lũng có cổ rụt, chân nhỏ lùn, ngắn, cổ và đầu thường có lông khoang, lông mướt, con trống có lông đuôi xoăn, và có lông cổ xanh ánh biếc. Vịt Cổ Lũng là giống vịt quý hiếm, đã có hơn trăm năm nay, con giống di truyền có từ lâu đời, được các thế hệ người Bá Thước gìn giữ, phát triển. Vịt Cổ Lũng được công nhận là một giống vật nuôi nội địa được phép sản xuất, kinh doanh, lưu hành trong lãnh thổ Việt Nam. Hiện, vịt nuôi chủ yếu tập trung ở 5 xã như Cổ Lũng, Lũng Niêm, Lũng Cao, Thành Lâm và Thành Sơn.
Mật ong Cát Bà
Là thương hiệu nổi tiếng của sản phẩm mật ong “nội” ở huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Mật ong Cát Bà có màu vàng đậm, đặc sánh, vị thơm, có giá trị dinh dưỡng cao; được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận thương hiệu từ năm 2008, là sản phẩm đặc trưng của huyện đảo được gắn nhãn hiệu chứng nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà do Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ. Nghề nuôi ong lấy mật ở Cát Hải được hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước và phát triển nhanh trong những năm gần đây. Hiện nay, Cát Hải có 5 câu lạc bộ nuôi ong tại 6 xã với trên 300 hộ nuôi; quy mô từ hàng chục đến hàng trăm đàn ong/hộ. Các xã nuôi ong phổ biến là Xuân Đám, Gia Luận, Trân Châu, Việt Hải..
Nguồn: nguoichannuoi.vn