100.000 tỷ đồng nông nghiệp công nghệ cao

100.000 tỷ đồng nông nghiệp công nghệ cao
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đang khẩn trương phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN rà soát, xây dựng tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cân đối nguồn vốn với lãi suất phù hợp, cho vay ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường để doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

ãi suất có thể thấp hơn 7%/năm

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao sử dụng nguồn vốn của các ngân hàng thương mại, không có sự hỗ trợ lãi suất từ ngân sách. Các đối tượng, tiêu chí như thế nào là công nghệ cao trong nông nghiệp cần phải chờ Bộ NN-PTNT hướng dẫn. Ngân hàng sẵn sàng dành nguồn vốn lớn để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã làm việc với các ngân hàng thương mại, cam kết dành nguồn vốn khoảng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao với lãi suất phù hợp.

“Tôi lưu ý là lãi suất phù hợp chứ không phải là hỗ trợ lãi suất thông qua tái cấp vốn hay ngân sách bù lỗ lãi suất”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói. Hiện nay, theo Nghị định 55 của Chính phủ, đối tượng đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được vay tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp nhất 7%/năm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đối với gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các ngân hàng thương mại sẽ cho vay với mức lãi suất ưu đãi phù hợp, có thể thấp hơn cả mức 7%/năm.

Ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, các ngân hàng thương mại sẽ dành một phần vốn ưu đãi để cho vay đối tượng đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao với điều kiện là các dự án được vay phải có hiệu quả, có khả năng trả nợ. Thứ hai là phải có tiêu chí xác định thế nào là công nghệ cao, chẳng hạn như sản xuất công nghệ cao đối với doanh nghiệp, đối với hợp tác xã, đối với hộ sản xuất như thế nào, phải định nghĩa rõ thì mới có cơ sở và hướng để triển khai.

Ưu tiên các dự án

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho biết sẵn sàng dành nguồn vốn ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao. Từ cuối năm 2016, Agribank đã triển khai gói tín dụng cho nông nghiệp sạch với nguồn vốn 50.000 tỷ đồng. Các đối tượng vay vốn theo gói tín dụng này được Agribank giảm lãi suất cho vay 0,5% - 1,5%/năm.

Lãnh đạo Agribank cho biết, không chỉ đơn thuần cho vay nông nghiệp sạch, Agribank đặc biệt ưu tiên các dự án nông nghiệp công nghệ cao, coi đây là định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, là lối thoát cho tín dụng tam nông hiện nay và cả trong tương lai.

Trên thực tế, Agribank đã triển khai mô hình cho vay thí điểm chuỗi liên kết, mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, như mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi heo (Hà Nam, Đồng Nai…), mía (Khánh Hòa), bắp (Sơn La)… và bước đầu các mô hình này đã tạo được sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân.

Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực LienVietPostBank cho biết, hưởng ứng kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong khi chờ các bộ, ngành có các tiêu chí cụ thể về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, LienVietPostBank quyết định dành gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với các ưu đãi về lãi suất (thấp hơn lãi suất thị trường 0,5% - 1%/năm), thời hạn vay vốn đến 10 năm tùy thuộc từng loại cây trồng, ân hạn 5 năm.

Ngoài ra, ngân hàng còn hỗ trợ tiền tư vấn kỹ thuật công nghệ cao cho các hộ nông dân vay vốn với các ưu đãi phù hợp khác. “LienVietPostBank hưởng ứng được ngay lập tức chủ trương này là vì chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc tài trợ phát triển mắc ca và tái canh cây cà phê, rau sạch ở Tây Nguyên. Trong 5 năm tới, LienVietPostBank có thể giải ngân ít nhất 10.000 tỷ đồng cho gói tín dụng ưu đãi này”, TS Nguyễn Đức Hưởng khẳng định.

 

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN-MT chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai nhằm tạo điều kiện cho tổ chức kinh tế thuê đất đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bổ sung cơ chế sử dụng đất trong quá trình tích tụ phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thủ tướng cũng giao Bộ KH-ĐT chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (xong trong tháng 3-2017) cho phù hợp với quá trình tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp; giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu xử lý, sớm báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp.

Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, xử lý kiến nghị về cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, điện…) phục vụ sản xuất khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chỉ đạo bộ, ngành liên quan có văn bản hướng dẫn cụ thể. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao NHNN xem xét chỉ đạo, khuyến khích các ngân hàng thương mại nghiên cứu dành một gói tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng bằng nguồn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp, các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường. Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; có chính sách tín dụng trung hạn cho đầu tư nông nghiệp; nghiên cứu hướng dẫn bộ thủ tục mẫu thật gọn nhẹ, thuận lợi về giao dịch vốn đối với các dự án nông nghiệp.
 


Theo LÂM NGUYÊN-HÀM YÊN/ Saigondautu