5 giải pháp đẩy mạnh tích tụ đất đai cho phát triển nông nghiệp

5 giải pháp đẩy mạnh tích tụ đất đai cho phát triển nông nghiệp
Để thúc đẩy việc tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất 5 nhóm phương thức và giải pháp.
Cần cơ chế thúc đẩy phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch. Ảnh: Internet.

Năm giải pháp được Bộ Tài nguyên Môi trường (TN&MT) đề xuất  bao gồm: Dồn điền, đổi thửa (chuyển đổi đất nông nghiệp); thuê đất nông nghiệp của người đang sử dụng đất, phương thức liên kết, hợp tác với người sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất. 

Trong đó, với giải pháp dồn điền, đổi thửa (phương thức tập trung đất thông qua việc chuyển đổi đất nông nghiệp giữa các hộ gia đình, cá nhân), Bộ TN&MT đề xuất các giải pháp để thực hiện gồm: sửa đổi Luật Đất đai theo hướng cho phép chuyển đổi đất nông nghiệp theo hướng cho phép hộ gia đình, cá nhân không sinh sống trên cùng một địa bàn xã, phường, thị trấn được chuyển đổi đất nông nghiệp.

Sửa đổi, bổ sung quy định hướng dẫn trình tự, thủ tục dồn điền, đổi thửa, đo đạc, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau khi dồn điền, đổi thửa;

Xây dựng cơ chế thúc đẩy việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, gồm: cơ chế hỗ trợ kinh phí để đo đạc, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa; trách nhiệm của UBND các cấp, cơ quan chuyên môn trong việc thực hiện dồn điền, đổi thửa.

Thứ hai, phương thức thuê đất nông nghiệp của người đang sử dụng đất xuất phát từ nhu cầu giữa người sử dụng đất và người có nhu cầu thuê quyền sử dụng đất thông qua hợp đồng thuê đất theo hình thức trả tiền thuê do các bên tự thỏa thuận.

Để thực hiện phương thức này, theo Bộ TN&MT, cần xây dựng cơ chế để thành lập DN 100% vốn nhà nước (trên cơ sở chuyển đổi từ mô hình Tổ chức phát triển quỹ đất) hoặc ngân hàng đất đai để chủ động tạo quỹ đất nông nghiệp để cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu thuê.

Đề xuất cơ chế thúc đẩy phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch.

Giải pháp thứ ba là phương thức liên kết, hợp tác với người sử dụng đất, Bộ này cho rằng cần xây dựng cơ chế lập quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp theo hướng hình thành khu vực chuyên canh sản xuất quy mô lớn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; Xây dựng cơ chế hỗ trợ về thuế thu nhập DN, chính sách tiếp cận tín dụng... đối với DN.

Với giải pháp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, Bộ TN&MT cho rằng cần nghiên cứu hoàn thiện quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân, điều kiện nhận chuyển nhượng một số loại đất nông nghiệp sau khi có ý kiến kết luận của Bộ Chính trị về nội dung này; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đăng ký biến động đất đai;

Bên cạnh đó, xây dựng đồng bộ các chính sách như miễn thuế thu nhập, phí, lệ phí khi chuyển quyền đối với nông dân; chính sách thuế lũy tiến đối với đất nông nghiệp bị bỏ hoang hóa để đảm bảo đất đai được sử dụng hiệu quả và ngăn chặn được tình trạng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để đầu cơ, không vì mục đích sản xuất;

Với giải pháp nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, Bộ TN&MT đề xuất cần xây dựng chính sách bảo vệ nông dân như bảo toàn tỷ lệ vốn góp trong DN, hỗ trợ pháp lý khi DN giải thể, phá sản; xây dựng chính sách hỗ trợ DN nhận góp vốn bằng các chính sách thuế, phí, lệ phí.    

Theo Báo Hải Quan