5 năm tái cơ cấu nông nghiệp: Liên kết chuỗi - “con át chủ bài”

5 năm tái cơ cấu nông nghiệp: Liên kết chuỗi - “con át chủ bài”
Để tái cơ cấu (TCC) nền nông nghiệp theo hướng hiện đại và phát triển bền vững, yêu cầu đặt ra cho các bộ, ngành là phải xây dựng được chuỗi liên kết, từ đó tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng, có sức cạnh tranh… Sau 5 năm, những kết quả đạt được rất khả quan.

Vì sao phải liên kết chuỗi?

Thách thức lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay là làm sao tăng giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp nhưng vẫn cắt giảm được chi phí sản xuất. Và mọi lời giải cho “bài toán” đó đều đi đến một con đường: Phải liên kết với nhau để sản xuất và cùng hưởng lợi.  

 5 nam tai co cau nong nghiep: lien ket chuoi - “con at chu bai” hinh anh 1

Từ khi vào tổ nhóm liên kết nuôi gà, nông dân xã Minh Quán (Trấn Yên, Yên Bái) không phải lo đầu ra của sản phẩm. Ảnh: T.L

"Có hai vấn đề khó nhất trong liên kết chuỗi là xây dựng vùng nguyên liệu lớn, ổn định và nhận thức của người tham gia HTX cũng như người trong HTX. Người tham gia HTX vẫn còn tư tưởng vào thì sẽ được Nhà nước cho cái gì, người trong HTX khi liên kết với doanh nghiệp cũng chỉ nghĩ đến doanh nghiệp cho cái gì. Do đó, để thay đổi tư tưởng này, quan trọng nhất vẫn là ý thức của giám đốc, hội đồng quản trị HTX”.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT
Trần Thanh Nam

Theo Bộ NNPTNT, đến nay cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng thành công 746 điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, trong đó 382 chuỗi đã được giám sát, xác nhận sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi.

Bộ cũng đẩy mạnh các mô hình sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm; phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn theo định hướng nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, chủ lực địa phương.

Năm 2017 có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhiều mô hình về liên kết với hợp tác xã, hộ nông dân tổ chức chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, quy mô lớn. Điển hình như: Tập đoàn Vingroup triển khai chương trình liên kết với 1.000 hợp tác xã; Tập đoàn Dabaco triển khai nhân rộng mô hình sản xuất chuỗi giá trị 3F; Công ty cổ phần Hùng Nhơn đầu tư hệ thống trang trại theo tiêu chuẩn Global GAP; Công ty Sanha triển khai chương trình liên kết sản xuất chuỗi sản phẩm thịt gà an toàn; Công ty Ba Huân đầu tư nhà máy xử lý trứng sạch... 

Liên kết tạo sức mạnh

Vài năm trở lại đây, chăn nuôi gia cầm tại xã Minh Quán, huyện Trấn Yên (Yên Bái) phát triển khá mạnh. Hiện toàn xã có tới 30 hộ chăn nuôi gà quy mô lớn với số lượng từ 3.000 đến hơn 10.000 con/lứa.

Điều đáng nói là các hộ chăn nuôi đã liên kết với nhau tạo thành một nhóm hoạt động hỗ trợ lẫn nhau trong chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Gia đình anh Đào Thanh Hoàng ở thôn 8 là một trong những “mắt xích” của chuỗi liên kết này. Từ một nông dân "trắng" kiến thức và kinh nghiệm nuôi gà, giờ đây anh Hoàng đã trở thành ông chủ của trang trại gà lên tới 8.000 con.

Anh Hoàng chia sẻ: "Tham gia vào nhóm liên kết, các thành viên không chỉ giúp nhau về kỹ thuật mà trong cả quá trình nuôi gà đến xuất bán đều giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau. Nhờ đó, việc chăn nuôi của các hộ thành viên đều diễn ra thuận lợi”.

Nhóm liên kết chăn nuôi gà ở Minh Quán hiện có 26 hộ thành viên với gần 40 trang trại, nhiều hộ có từ 2-3 trang trại. Riêng năm 2017, các hộ trong nhóm đã xuất bán khoảng gần 500 tấn gà thịt, thu về lợi nhuận gần chục tỷ đồng.

Thực hiện chủ trương TCC nông nghiệp, UBND tỉnh Bạc Liêu đã khuyến khích nông dân thành lập các HTX, tổ hợp tác (THT), xây dựng cánh đồng mẫu lớn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó đã có gần 8.000ha cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa, quy mô cánh đồng từ 100ha trở lên.

Ông Nguyễn Văn Đáng (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình) có 3,5ha đất sản xuất lúa. Công ty Quốc tế Gia đầu tư lúa giống và hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho ông (mua bằng giá thị trường, cộng thêm tiền công 2.000 đồng/giạ). Ông Đáng bày tỏ: “Lúc đầu tôi và một số nông dân cũng lo lắng. Song sau khi thu hoạch, giống lúa Nàng Hoa 9 cho năng suất đến 8 tấn/ha, cá biệt có nơi hơn 10 tấn/ha, sản phẩm được Công ty Quốc tế Gia bao tiêu toàn bộ”.

Ông Lương Ngọc Lân - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Thực hiện giá trị chuỗi liên kết, ngành nông nghiệp tỉnh đang kêu gọi các công ty, doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu nông sản cho các HTX, THT và nông dân nhằm đảm bảo đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm và từng bước khắc phục tình trạng trúng mùa rớt giá”.

Ia Pa (Gia Lai) là huyện còn nhiều khó khăn nhưng có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp hàng hóa. Vì vậy, huyện có chủ trương ưu tiên phát triển 4 cây (mía, sắn, thuốc lá, lúa) và 2 con (bò, lợn). Đối với cây mía, việc liên kết với Công ty Thành Thành Công xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy đã mang lại kết quả khả quan.

Để có quỹ đất đủ lớn, đảm bảo liền vùng liền mảnh, Công ty Thành Thành Công đã hợp tác chặt chẽ với 26 hộ dân dồn đổi ruộng từ 92 mảnh xuống còn 11 mảnh (tương đương 94ha) để thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa trong canh tác mía. Các hộ được công ty hỗ trợ giống, vật tư, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, nhờ vậy lợi nhuận từ trồng mía tăng vọt.

Điều đáng ghi nhận là từ mô hình liên kết ban đầu giữa 4 nhóm hộ nông dân với Công ty Thành Thành Công, diện tích 24,6ha, đến nay, trên địa bàn huyện Ia Pa đã có 71 nhóm liên kết trồng mía với diện tích 300ha và 220 hộ.

Chưa hết khó khăn

Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong việc xây dựng chuỗi liên kết và tiêu thụ nông sản sạch, nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận công tác này còn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ NNPTNT, hoạt động kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm an toàn được đánh giá là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Long An cho biết: Hơn 2 năm nay, UBND tỉnh Long An đã triển khai Đề án xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi còn gặp nhiều khó khăn ở khâu phân phối, lưu thông, quảng bá ra thị trường. Việc bố trí điểm bán rau an toàn ở chợ còn gặp khó khăn, địa điểm không thuận lợi nên người tiêu dùng tiếp cận chưa nhiều. Thậm chí, rau an toàn được kiểm soát theo chuỗi, theo tiêu chuẩn VietGAP còn bị thương lái đánh đồng với rau không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn. Dưới góc độ của HTX, bà Nguyễn Thị Ánh Lan - Giám đốc HTX Thủy sản Tương Lai (TP.HCM) cho hay, do có quy mô nhỏ, sản lượng khoảng 250-300 tấn/năm nên HTX khó tham gia các kênh phân phối lớn, vẫn lệ thuộc vào thương lái, tự phân phối nhỏ lẻ, làm cho HTX khó phát triển lớn hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám, trong bối cảnh ngành nông nghiệp ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường khu vực và quốc tế, việc đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản không chỉ lấy lại niềm tin của người tiêu dùng mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt với nông sản của nước ngoài ngay tại thị trường nội địa.

T.L



Theo Tố Loan/ Dân Việt