63 “nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014”: Những ông chủ “mát tay”
- Thứ tư - 01/10/2014 03:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông chủ của chiếc máy nạo sắn
Anh Hà Kim Tới, khu 8, xã Võ Lao, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) chính là người đã sáng chế ra chiếc máy nạo sắn, đang được nông dân nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước sử dụng. Chiếc máy nạo sắn này chỉ có giá 1 triệu đồng, một người làm trong 1 giờ có thể nạo được 800-1.000kg sắn tươi (bằng công suất 10 người làm thủ công), với đủ các loại sợi kích cỡ to nhỏ khác nhau tùy vào loại dao nạo lắp đặt. Máy nạo sắn của anh đã đạt nhiều giải thưởng, trong đó có giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Thọ năm 2013…
Người Mông nuôi bò giỏi
Tin Hoàng Văn Dính được bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014” khiến bà con các dân tộc Mông, Dao ở thôn Lũng Vai, xã Cần Nông, huyện Thông Nông (Cao Bằng) rất phấn khởi.
Năm 2006, khi mới 20 tuổi, Dính đã được bầu làm Phó Chủ tịch Hội ND xã, trưởng xóm, thôn đội trưởng kiêm y tá thôn Lũng Vai. Năm 2012, anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ thôn Lũng Vai. Dù ở cương vị nào, Dính vẫn tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào cùng với lực lượng biên phòng tham gia tuần tra, bảo vệ đường biên, chống các hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, chống tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy, gian lận thương mại, hoạt động tôn giáo trái phép…
Gia đình Dính còn là điển hình trong phát triển chăn nuôi bò sinh sản ở địa phương. Trong 3 năm qua (2012-2014), gia đình anh đều đạt giải “Hộ chăn nuôi bò nhiều nhất” huyện Thông Nông.
“Vua bơ” đất Tây Nguyên
Vốn quê ở Nghệ An, 16 tuổi anh Trịnh Xuân Mười “trốn” nhà vào xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) với hy vọng thoát nghèo từ miền đất màu mỡ này. Ban đầu anh xin làm thuê cho các chủ vựa cà phê, chủ trại bơ. Sau khi đã dành dụm được chút vốn, anh quay sang thu mua quả bơ về bán lại cho các thương lái. Thấy các trang trại bơ cho thu nhập cao, Mười mạnh dạn dồn hết số tiền mua đất trồng bơ, đồng thời mày mò tập lai ghép các loại bơ để tìm ra giống bơ có chất lượng thơm, ngậy, cho năng suất cao.
Sau hơn 20 năm trồng bơ, đến nay anh đã trở thành chủ trại bơ lớn nhất Tây Nguyên với những giống bơ tốt nhất. Với 10.000m2 vườn ươm bơ giống và 30.000m2 diện tích trồng bơ thu chồi và quả, hàng năm đã đem về cho gia đình anh doanh thu hơn 7 tỷ đồng.
“Người trồng tiêu giỏi nhất thế giới”
Đó là danh hiệu do Hiệp hội Trồng tiêu quốc tế tặng cho ông Nguyễn Bá Thịnh ở xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Năm 1996, ông Thịnh đưa cả gia đình từ Thanh Hóa vào Bình Phước lập nghiệp. Gom góp hết số tiền dành dụm bấy lâu ông mua 1ha đất trồng cà phê. Mấy năm sau cà phê mất giá, ông phá cà phê để trồng tiêu. Năm 2002, tiêu lại mất giá, ND trong vùng đồng loạt phá tiêu để trồng cao su, ông Thịnh vẫn kiên trì với cây tiêu. Hiện nay, trên diện tích 3,5ha ông Thịnh trồng 6.500 trụ hồ tiêu, trong đó có 4.000 trụ đang cho thu hoạch với sản lượng 10 tấn tiêu khô/năm, với giá 200.000 đồng/kg, gia đình ông có khoản thu 2 tỷ đồng mỗi năm.
Chắp cánh cho thương hiệu chiếu cói
Năm 2010, lần đầu tiên, chị Nguyễn Thị Kim Phương ở thôn Phú Tân 1, xã An Cư, huyện Tuy An (Phú Yên), mua 2 máy dệt chiếu về sản xuất thử nghiệm đã tạo bước ngoặt cho làng nghề dệt chiếu Phú Tân 1. Sản phẩm đạt chất lượng, được thị trường ưa chuộng, đầu năm 2011, gia đình chị Phương đã đầu tư hơn 850 triệu đồng mua thêm 11 máy dệt chiếu, 3 máy may bìa, thành lập tổ hợp sản xuất chiếu cói. Ngoài sản xuất, gia đình chị còn là đại lý bao tiêu tất cả các sản phẩm của các hộ sản xuất chiếu tại địa phương. Cơ sở sản xuất của chị còn tạo công ăn việc làm cho 42 lao động địa phương, giúp mọi người xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
“Gã khùng” trồng rừng
Sinh ra trong một gia đình đông anh em ở xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, học hết lớp 10, ông Lê Tuấn Phát phải nghỉ học, đi làm công nhân cho Xí nghiệp mộc Quảng Ngãi. Năm 1994, xí nghiệp này giải thể, ông Phát quyết định vay mượn 10 cây vàng mua lại xưởng gỗ. Năm 2003, ông quyết định sang lại 3,6ha đất dưới chân núi Vom để trực tiếp trồng rừng. Lúc đó ai cũng bảo ông “khùng”. Bên cạnh trồng rừng, ông Phát còn tham gia sản xuất, chế biến gỗ và làm tôn xà gồ. Đến nay, tổng thu nhập hằng năm của ông Phát đạt 6,5 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng.
Bí quyết kiếm tiền tỷ của ông chủ vườn hoa
Với diện tích đất sản xuất 1,5 ha, ông Vũ Đình Phúc (phường 7, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) mạnh dạn đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao như: Nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới pét, trồng các loại hoa chất lượng cao (cát tường, cẩm chướng) và xen vụ một số loại rau (bó xôi, lô lô). Đầu tư bài bản nên không khó để gia đình ông có tổng thu nhập hơn 3 tỷ đồng mỗi năm, trừ chi phí thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Không chỉ làm ăn giỏi, ông Phúc còn chế tạo được máy sản xuất phân vi sinh từ rác thải trồng rau, hoa. Sáng chế này được Hội Cơ khí VN tặng bằng khen và Hội NDVN trao Giải Khuyến khích giải pháp sáng tạo “Máy xay chế phẩm hữu cơ nông nghiệp”.
Tỷ phú đồi rừng
Năm 2014 này, gia đình ông Đặng Văn Sinh ở thôn Đồng Huống, xã Liên Hòa, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) ước có tổng doanh thu đạt hơn 3 tỷ đồng từ kinh tế trang trại đồi rừng, trong đó đáng kể nhất là từ chăn nuôi gà thả vườn, nuôi ong lấy mật; trồng cam, bưởi, hồng không hạt và cây lâm nghiệp. Ông Sinh cho biết: Trước đây, gia đình ông chỉ trồng các loại cây màu như sắn, ngô, đậu, lạc trên diện tích đất đồi rừng. Năm 1991, qua tìm hiểu và học hỏi, ông Sinh chuyển dần sang trồng cam các loại, hồng không hạt. Kinh tế khá giả, ông còn giúp cho các hộ nghèo vay không lãi 100 triệu đồng; hỗ trợ những người có hoàn cảnh neo đơn, khuyết tật. Ông Sinh và gia đình vừa hiến hơn 1.800m2 đất phục vụ cho xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Kiếm hàng chục tỷ đồng từ “buôn” rau
Vốn xuất thân từ nghề trồng rau, khoảng năm 2004-2005, anh Tăng Xuân Trường ở thôn Phúc Tân, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc (Hải Dương) cất công vào các tỉnh miền Nam, rồi sang cả Trung Quốc tìm hiểu và mở thị trường buôn bán rau. Có mối bán hàng, anh Trường về vận động nhiều hộ dân trong xã cho thuê đất để trồng rau, rồi đứng ra cung ứng vật tư, phân bón, cây giống, hạt giống và tổ chức hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và thu mua lại rau, củ, quả cho bà con. Đến nay, anh Trường đang làm chủ 1.000m2 nhà xưởng sơ chế, bảo quản; 2 xe bảo ôn, 2 xe ô tô lạnh; 4 xe tải và 2 xe giao dịch. Năm 2014, anh Trường ước tính tiêu thụ 11.500 tấn rau, củ, quả các loại cho ND tỉnh Hải Dương, doanh thu không dưới 60 tỷ đồng.