8/13 tỉnh, thành ở ĐBSCL bị mặn xâm nhập sâu
- Chủ nhật - 12/01/2020 08:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 10/1, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp là Trưởng đoàn, kiểm tra công tác phòng chống hạn mặn tại Bạc Liêu.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác Bộ NN-PTNT kiểm tra công tác phòng chống hạn mặn tại các tỉnh ĐBSCL. |
Qua chuyến kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, cho biết: Năm nay, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sẽ đến sớm hơn. Theo đánh tổng thể hạn mặn sẽ cao hơn so với năm 2015 - 2016, có 10/13 tỉnh của ĐBSCL bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn. Trong đó, 3 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu là chịu ảnh hưởng lớn nhất.
“Sau chuyến khảo sát tôi đánh giá cao và khẳng định sự chủ động trong tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn của các địa phương trong việc tích trữ nước, thay đổi cơ cấu chỉ đạo sản xuất. Mặc dù vẫn có thiệt hại, nhưng thiệt hại ở mức thấp nhất, so với thiệt hại của năm 2015 -2106 còn thấp hơn nhiều”, ông Hiệp cho biết.
Sau đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cùng với đoàn công tác đã đến kiểm tra tiến độ xây dựng Công trình cống âu thuyền Ninh Quới, thuộc xã Ninh Quới A (H. Hồng Dân, T. Bạc Liêu).
Tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Tại ĐBSCL Bộ NN-PTNT đầu tư xây dựng 19 công trình trọng điểm, chống xâm nhập mặn. Hiện nay, đã có 2/3 công trình đã vượt tiến độ và đã đưa vào phục vụ cho mùa hạn mặn 2019 - 2020. Trong đó, có 16 công trình hoàn thành sớm tiến độ từ 8 - 14 tháng (ví dụ như cống âu thuyền Ninh Quới vượt tiến độ 14 tháng).
Kiểm tra tiến độ công trình cống âu thuyền Ninh Quới. |
Những công trình mới đưa vào khai thác đã thấy được sự hiệu quả, qua khảo sát thực tế các công trình này hổ trợ trực tiếp cho khoảng 50.000 - 60.000 ha, vùng ảnh hưởng gần 30.000 ha đã được điều hòa mặn, ngọt.
Theo nhận định của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: “Hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, biến đổi khí hậu… với vùng ĐBSCL sẽ ngày càng khóc liệt và diễn biến phức tạp. Chính vì thế chúng ta cần có những giải pháp tổng thể kể cả công trình, phi công trình. Trong đó, những giải pháp công trình cần phải làm nhanh, đẩy nhanh, đặc biệt cần có sự liên kết các vùng, liên kết vùng để phát huy được hiệu quả tốt nhất”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đã đề xuất một số giải pháp ngăn mặn, ngọt như: Giải pháp chuyển nước ngọt từ Kiên Giang (từ Sông Cái Lớn, Cái Bé) về Cà Mau; Hay giải pháp nạo vét các dòng sông, sông kênh đẩy mặn ra biển; Các công trình làm ra các hồ lớn tích trữ nước ngọt trong 3 tháng cao điểm từ tháng 1 - 3…
|
Báo cáo với đoàn công tác, ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Hiện nay, mức nước trên trục Quản Lộ - Phụng Hiệp đang ở cao trình + 0,20 mét, mực nước vùng ngọt đang hạ thấp ở cao trình + 0,00 mét (do hiện nay ba con nông dân đang bơm tát trữ nước lên đồng ở các tỉnh ĐBSCL do thông tin về hạn mặn thường xuyên phát trên các phương tiện thông tin đại chúng). Riêng khu vực phía Bắc Hồng Dân, độ mặn khu vực sản xuất lúa tôm hiện ở mức 10/00 (hiện vẫn đủ nước ngọt cho 3.000ha lúa trên đất tôm dự kiến thu hoạch vào giữa tháng 2/2020).
Tại ĐBSCL Bộ NN-PTNT đầu tư xây dựng 19 công trình trọng điểm, chống xâm nhập mặn. |
So với mùa khô năm 2015-2016, mùa khô năm 2019-2020 có đặc điểm như sau: Về thời tiết, dự báo diễn biến bình thường, không gay gắt bằng mùa khô 2015-2016; về nguồn nước ngọt, dự báo sẽ thiếu tương đương mùa khô 2015-2016. Do đó, dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có khả năng tương đương mùa khô 2015-2016.