Agribank dành 50.000 tỷ đồng cho vay sản xuất nông nghiệp sạch
- Thứ sáu - 03/03/2017 04:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Khánh cho biết Agribank xây dựng những sản phẩm dịch vụ rất đa dạng, phong phú và luôn được đổi mới, cải tiến phù hợp với môi trường, điều kiện và dân trí khu vực nông thôn; Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng, tập trung cho vay, đảm bảo an toàn, hiệu quả vốn tín dụng đầu tư.
Gần 300.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp
Nỗ lực của Agribank cũng được thể hiện khá rõ. Từ 11 xã được chọn thí điểm mô hình nông thôn mới, với dư nợ ban đầu 336 tỷ đồng và 8.293 khách hàng; sau 5 năm, Agribank đã cho vay xây dựng nông thôn mới đến 8.985 xã trên tổng số 9.001 xã trong cả nước.
“Dư nợ cho vay gần 280.000 tỷ đồng, trên 2,5 triệu khách hàng; khẳng định vị trí hàng đầu hệ thống Tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc triển khai chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020” - ông Khánh cho biết.
Hoạt động tín dụng trong năm 2016 có thể coi là một năm đặc biệt khó khăn bởi sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiên tai, sự cố môi trường biển, đầu ra của sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn trong chuỗi giá trị toàn cầu khi hội nhập ngày càng sâu rộng…
Khách hàng là các hộ nông dân đến giao dịch vay tiền tại Agribank. ảnh: Đàm Duy
“Tuy nhiên, thông qua triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ đề xuất chủ trương chính sách đến khâu tổ chức thực hiện, hoạt động tín dụng của Agribank vẫn đạt mục tiêu, chất lượng đề ra, đưa ngân hàng tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư tín dụng và cung cấp các dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân” - ông Khánh nhấn mạnh.
Trong năm 2016, Agribank triển khai 7 chương trình tín dụng và 2 chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững. Agribank đi đầu, chủ lực trong cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Cho vay xây dựng nông thôn mới; Cho vay chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, cá tra và tôm; Cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và Thông tư 06/2009/TT-NHNN; Cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; Cho vay tái canh cà phê; Cho vay chuỗi liên kết và nông nghiệp công nghệ cao…
“Kể cả trong giai đoạn khó khăn của thời kỳ tái cơ cấu vừa qua, mỗi năm bằng tài chính của Ngân hàng, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với 8 đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp”. |
Tuy là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được Agribank ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1- 1,5%.
“Kể cả trong giai đoạn khó khăn của thời kỳ tái cơ cấu vừa qua, mỗi năm bằng tài chính của ngân hàng, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với 8 đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp” - ông Khánh nhấn mạnh.
Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, Agribank đã triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi, hỗ trợ khách hàng như: Chương trình cho vay ưu đãi lãi suất bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng xuất khẩu; Cho vay ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ; Chương trình dành 15.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp quan hệ tín dụng với Agribank; chương trình tín dụng ưu đãi đầu tư cho “Nông nghiệp sạch” với quy mô tài trợ vốn 50.000 tỷ đồng và hàng loạt các chính sách hỗ trợ ngư dân, hộ sản xuất, doanh nghiệp chịu thiệt hại và bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung.
“Đặc biệt, thông qua gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với khách hàng vay vốn là doanh nghiệp, hợp tác xã, Liên hiệp HTX, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn”, ông Khanh cho biết.
Nguồn vốn của Agribank đã và đang góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, tăng thu nhập cho khách hàng, ổn định các vấn đề kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn Việt Nam, cùng ngành Ngân hàng có nhiều đóng góp tích cực đối với quá trình phát triển nền kinh tế đất nước.
Cần thêm cơ chế hỗ trợ cho người dân vay vốn
Tuy nhiên, là ngân hàng cho vay chính cho lĩnh vực nông nghiệp, ông Khánh kiến nghị cần thêm sự hỗ trợ cho người nông dân. Cụ thể:
1. Quan tâm triển khai có hiệu quả nội dung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. 5 năm qua chúng ta làm chưa được nhiều, người nông dân vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của kinh tế hộ, sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp, giá thành cao, không thương hiệu và chưa thoát khỏi điệp khúc “được mùa rớt giá”. Với phương thức sản xuất hiện nay đã làm cho chi phí vốn tăng cao và hoạt động của ngân hàng trở nên quá tải. Mỗi cán bộ tín dụng Agribank hiện nay đang phải phục vụ từ 500 đến 1000 hộ nông dân vay vốn và có nơi còn cao hơn.
2. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ, tuyên truyền quảng cáo để tạo thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm ngay chính ở thị trường trong nước.
3. Phát triển và mở rộng chính sách bảo hiểm cho nông nghiệp và nông thôn, trong đó có bảo hiểm tín dụng. Nông nghiệp là lĩnh vực có rủi ro thiên tai bất khả kháng cao, trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay, Nhà nước cần hiện diện trong lĩnh vực tái bảo hiểm các khoản vay lớn để hỗ trợ người dân mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, cây trồng vật nuôi tạo điều kiện cho người nông dân.
4. Mở rộng chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo trong nông nghiệp nông thôn, bởi thực tế tài sản trên đất nông nghiệp (như nhà xưởng sản xuất hay các hạng mục công trình ao cá) theo Luật Đất đai không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu; Tài sản có giá trị như vườn cao su, hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả lâu năm, công trình, nhà ở nông thôn… phần lớn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Xử lý tài sản thế chấp khó khăn, không có giá trị nhiều trong việc thu hồi vốn khi khoản vay gặp rủi ro…
5. Tách bạch rõ ràng giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại. Khi thực hiện nhiệm vụ chính sách các TCTD cũng cần được hưởng những ưu đãi của chính sách như các đơn vị sản xuất, kinh doanh như: tạo nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách giảm lãi suất, chính sách thuế…
6. Tạo điều kiện cho Agribank triển khai dự án ngân hàng lưu động để tăng năng lực tiếp cận phục vụ khách hàng trên địa bàn nông thôn, tiết giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng.