An Bình bừng sáng lòng dân

An Bình bừng sáng lòng dân
Trước sức bật của nông thôn mới, Chi bộ ấp An Bình (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) liên tục ra nghị quyết. Ban điều hành ấp và các chi hội, đoàn thể ra sức vận động người dân trong ấp kiên cố hóa những con đường, xóa nhà tạm, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập... Sự chỉ đạo, phối hợp nhịp nhàng giữa chi bộ và ban điều hành ấp, các chi hội, đoàn thể đã thúc đẩy ấp An Bình đổi thay.

Cán bộ, đảng viên ấp An Bình thăm vườn rau của giáo dân trong ấp.
Cán bộ, đảng viên ấp An Bình thăm vườn rau của giáo dân trong ấp.

Bà Vũ Thị Cậy, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp An Bình, cho hay người dân ấp An Bình nhận xét rất thỏa đáng: “Bí thư Chi bộ ấp Phan Văn Bá, Trưởng ấp Nguyễn Văn Hùng giỏi vận động làm đường, nhưng đường muốn thành hình phải cần thêm sức dân”.

* Nghị quyết từ lòng dân

“Ý Đảng, lòng dân là một”, Bí thư Chi bộ ấp An Bình Phan Thanh Bá rất hãnh diện với biệt danh “ông bí thư” mà giáo dân ấp An Bình quen miệng gọi khi ông đến thăm nhà. Còn Trưởng ấp Nguyễn Văn Hùng, Phó trưởng ấp Nguyễn Hoài Phong, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Vũ Thị Cậy... thật xứng đáng là cầu nối giữa đạo và đời. Các ông, các bà đi đến đâu, kêu gọi gì cũng được giáo dân trong ấp đồng thuận, các chức sắc tôn giáo hưởng ứng. Nhờ đó, nghị quyết của chi bộ ấp do Bí thư Chi bộ ấp Phan Văn Bá ban hành mới thực sự đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực chứ không nằm trên giấy.

Năm 2008, Văn phòng ấp An Bình xuống cấp đến mức cán bộ và người dân trong ấp không dám vào họp; khi cần phát động phong trào phải đến UBND xã, mượn nhà dân, hoặc kéo nhau ra ngoài đường tổ chức. Lúc bấy giờ, chi bộ ấp do ông Phan Văn Bá làm bí thư, sau khi tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên trong ấp đã ra nghị quyết xây mới văn phòng ấp theo hình thức 50% kinh phí do dân đóng góp, số còn lại xã và huyện hỗ trợ.

Văn phòng ấp được làm mới khang trang với kinh phí 430 triệu đồng, có 2 phòng làm việc, hội trường và nhà vệ sinh. Từ đó chi bộ ấp lại có nghị quyết: “Tất cả cán bộ ấp phải ra văn phòng trực, giải quyết công việc cho dân”. Ông Bá giải thích lý do chi bộ ấp có nghị quyết này vì dân đã góp tiền xây văn phòng cho cán bộ, đảng viên làm việc, đương nhiên cán bộ, đảng viên trong ấp phải có trách nhiệm với dân.

Cán bộ, đảng viên ấp An Bình chung niềm vui với học sinh, thầy cô giáo trên con đường mới mở.
Cán bộ, đảng viên ấp An Bình chung niềm vui với học sinh, thầy cô giáo trên con đường mới mở.

Phụ cấp các chức danh chi hội, đoàn thể, ban ấp thì người có, người không, nhưng theo nghị quyết của chi bộ ấp, mỗi buổi sáng trong tuần, cán bộ, đảng viên có trọng trách đều phải có mặt tại văn phòng ấp từ 7 giờ 30 đến 11 giờ để giải quyết công việc. Riêng Bí thư Chi bộ ấp An Bình thì thường xuyên có mặt tại văn phòng ấp để động viên, theo dõi cán bộ, đảng viên làm đúng nghị quyết hay không.

Công việc ấp đã vào nếp, cán bộ, đảng viên ấp ngày nào cũng gặp nhau nên quen việc, quen người, hiểu nhau và gần dân hơn. Bí thư Chi bộ ấp Phan Văn Bá lại nảy ra sáng kiến tổ chức các đoàn đi thăm, nắm dân tình xem người dân kỳ vọng gì để chi bộ có nghị quyết chỉ đạo ban ấp, đoàn thể triển khai. Càng đi thăm, nắm dân tình và tâm tư cán bộ, đảng viên, Bí thư Chi bộ ấp Phan Văn Bá cảm nhận được nhiều việc cần phải làm để ấp An Bình phát triển, như: làm đường giao thông; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; vay vốn sản xuất... Sau những chuyến đi như vậy, văn phòng ấp lại sáng đèn để mọi người họp, bàn thảo sôi nổi và chi bộ ấp lại có nghị quyết mới.

Nghị quyết của Chi bộ ấp An Bình ban hành chỉ vài tháng thì con đường mà Bí thư chi bộ ấp Phan Văn Bá, Trưởng ấp Hùng hay Trưởng ban công tác Mặt trận Trần Công Lập (nay đã nghỉ) dẫn đoàn đi khảo sát từ lầy lội, khuyết sâu như lòng suối..., đã nhanh chóng được bê tông hóa từ 100% sức dân.

* Sức mạnh đoàn kết

Ấp An Bình có trên 10 ngàn dân, với 98% người dân trong ấp là giáo dân. Trưởng ấp Hùng và nhiều cán bộ ấp khác rất có uy tín trong giáo dân. Còn Bí thư chi bộ ấp vốn là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện nghỉ hưu, được Đảng ủy xã điều về ấp An Bình phụ trách. “Chúng tôi coi như anh em trong nhà. Gặp khó về khâu chủ trương, quan điểm thì có bí thư chi bộ ấp tháo gỡ. Còn về mối quan hệ với giáo xứ, giáo dân và chức sắc tôn giáo, đã có trưởng ấp lo” - bà Cậy nói.

Thương, hiểu và cảm thông với những cán bộ ấp làm việc tích cực, nhiệt huyết nhưng thù lao không có, 2 ông Phan Văn Bá và Nguyễn Văn Hùng mạnh dạn đề xuất kết nạp Đảng cho họ, cử đi học đại học, trung cấp chính trị. Đảng ủy xã và đảng viên trong chi bộ ấp ủng hộ, 3 cán bộ ấp là giáo dân đã được kết nạp Đảng, đi học chuyên môn và chính trị để tạo nguồn cho xã, ấp.

Kinh phí xã, huyện hỗ trợ cho ấp hoạt động hạn hẹp, bí thư chi bộ ấp và trưởng ấp tạo nguồn bằng cách làm việc thật tốt để lấy phần thưởng từ các phong trào do xã, huyện, tỉnh khen thưởng để làm quỹ chung, nên tiền lúc nào cũng rủng rỉnh. Riêng tiền vận động dân đóng góp để lo cho dân mỗi năm cũng trên 50 triệu đồng, ấp không bao giờ đụng đến một đồng.

Từ một ấp khó khăn, dưới sự chỉ đạo của bí thư chi bộ ấp, sự lăn xả vì dân của đội ngũ cán bộ ấp, ấp An Bình liên tục giữ vững “Ấp Văn hóa mới”, rồi các tiêu chí nông thôn mới (nay là nông thôn mới nâng cao). Với trên 5 tỷ đồng do dân đóng góp và trên 400 triệu đồng do ngân sách hỗ trợ, ấp An Bình đã kiên cố được trên 98% đường giao thông nông thôn, thật sự làm thay đổi bộ mặt của ấp.

Những lần dẫn đoàn xuống dân, 2 ông Phan Văn Bá và Nguyễn Văn Hùng rất tự hào khi nghe giáo dân tâm sự rằng dân ấp An Bình khấm khá, phát triển như hôm nay là nhờ sự đoàn kết, chung sức lo cho dân của cán bộ, đảng viên trong ấp. Cán bộ ấp càng nhiệt huyết, hành động vì dân thì dân không ngại chung sức cùng ấp lo việc chung hay lo cho những người khó khăn, cơ nhỡ.

Chiếc mũ cối “bộ đội Cụ Hồ” sậm màu bao năm qua vẫn theo cùng Bí thư chi bộ ấp Phan Văn Bá hết công trình này đến công trình khác trong ấp. Mỗi nghị quyết chi bộ ấp ban hành, thêm một công trình được hiện thực từ trang giấy. Nay bước sang tuổi 71, Bí thư Chi bộ ấp Phan Văn Bá vẫn nhiệt huyết bàn thảo với cán bộ, đảng viên trong ấp để kiến tạo thêm những công trình mới theo nguyện vọng của dân. “Đường, nhà dân làm xong, nếu hư thì phải sửa. Ấp đã phát triển, đời sống người dân ổn định thì càng phát triển hơn nữa…” - ông Bá nói.

Tác giả bài viết: Đoàn Phú

Nguồn tin: www.baodongnai.com.vn