An Giang: An Châu đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng
- Thứ ba - 24/03/2020 05:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong thời gian qua, chính quyền thị trấn An Châu đã không ngừng phối hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích và hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các loại hình sản xuất mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị trấn là 628,5 ha có đê bao khép kín. Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn thị trấn có 63,1 ha đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng rau màu và cây ăn trái. Trong đó, diện tích trồng rau màu là 42,9 ha (gồm: hoa, sen, dưa leo, ớt, mướp); diện tích cây ăn trái là 20,2 ha (gồm: xoài; dừa, chanh, sầu riêng, ổi, bưởi). Hàng năm, diện tích chuyển đổi cây trồng từ nền đất lúa sang trồng cây màu, cây ăn trái trên địa bàn đều tăng, góp phần đa dạng thêm sản phẩm nông nghiệp địa phương, đem lại hiệu quả ổn định hơn so với trồng lúa và tăng giá trị thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác.
Trong các mô hình chuyển đổi hiệu quả thời gian qua trên địa bàn thị trấn, tiêu biểu như mô hình trồng hoa giống và hoa chậu diện tích 3 ha của hộ ông Phan Minh Mẫn - ấp Hòa Phú 3, thị trấn An Châu. Mô hình đem lại thu nhập bình quân từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng mỗi năm, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nông dân địa phương, đặc biệt bước đầu đã hình thành địa điểm tham quan “thôn dã” bởi vẻ đẹp của nhiều loại hoa tạo nên sắc màu, thu hút nhiều người đến tham quan, chụp ảnh. Ngoài ra, với hệ thống nhà lưới hơn 0,2 ha có thể trồng được nhiều loại hoa kiểng, hoa ít gặp sâu bệnh, phát triển đồng đều, đạt chất lượng về màu sắc, năng suất hoa cũng tăng. Hay mô hình trồng sầu riêng xen chanh tứ quý tại hộ ông Nguyễn Văn Tính - ngụ ấp Hòa Phú 2 vừa có thể tận dụng được quỹ đất, tăng thu nhập từ 3 đến 4 lần so với trồng lúa. Với 400 gốc chanh/0,5 ha, bình quân mỗi vụ thu được 15 tấn quả, sau khi trừ đi chi phí, nông dân thu lãi từ 120 - 140 triệu đồng. Một mô hình gần đây trên địa bàn thị trấn không thể không kể đến đó là mô hình luân canh 2 lúa - 1 mè của nông dân ấp Hòa Phú 1 với hơn 8,0 ha/10 hộ, bình quân 1,0 ha mè lãi từ 40 - 43 triệu đồng, lợi nhuận cao gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa. Mô hình không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp cải tạo đồng ruộng, ngăn chặn một số dịch bệnh so với sản xuất liên tục 3 vụ lúa truyền thống.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái và rau màu trên địa bàn thị trấn vẫn còn gặp không ít khó khăn như: Đa số nông dân còn chạy theo lợi nhuận trước mắt, sản xuất không theo quy hoạch, canh tác nhỏ lẻ gây khó khăn trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp. Chuyển đổi từ đất lúa sang cây ăn trái tuy phát triển nhưng do chi phí đầu tư ban đầu lớn nên người dân không có vốn đầu tư, từ đó mô hình chưa phát triển mạnh và nhân rộng ở địa phương. Cùng với đó là yếu tố thời tiết bất thường, giá vật tư, phân bón, công lao động tăng cao, trong khi đó giá bán nông sản bấp bênh, làm cho nông dân chưa mạnh dạn đầu tư vào mô hình mới…
Khó khăn là vậy, nhưng để thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa có hiệu quả, giúp nông dân làm giàu từ sản xuất nông nghiệp và góp phần vào sự phát triển của nền nông nghiệp nói riêng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thị trấn An Châu nói chung, trong thời gian tới, thị trấn An Châu tiếp tục rà soát chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế từng tiểu vùng trên địa bàn thị trấn và nhu cầu thị trường. Đồng thời khuyến khích sản xuất theo quy hoạch để có nguồn nguyên liệu tập trung, đủ sức hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp về liên kết tiêu thụ. Thực hiện nhân rộng, khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển mô hình hoa kiểng quanh năm, gắn với vườn cây ăn trái để kết hợp tạo mới loại hình sinh thái theo hướng “homestay” ở địa bàn. Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quy trình sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Xây dựng hệ thống nhà màng, tưới phun, tưới ẩm,… phù hợp với từng loại cây trồng nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản. Bên cạnh đó, thành lập các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, câu lạc bộ khuyến nông,… giữa nông dân với nông dân, trong đó bao gồm đa dạng các loại hình (cung ứng vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, vốn sản xuất, đầu ra cho sản phẩm) và tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng phục vụ phát triển các tiểu vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái, rau màu có gắn kết với doanh nghiệp tiêu thụ, vận chuyển sản phẩm và tham quan vườn sản xuất….
Với nhiều giải pháp trong thời gian tới, hy vọng rằng thị trấn An Châu sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái và rau màu trên địa bàn. Để từ đó, mang lại nhiều mô hình chuyển đổi hiệu quả với năng suất, lợi nhuận kinh tế ổn định, tăng thêm thu nhập cho người nông dân, góp phần chung vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.
Minh Thiện
Đài Truyền thanh huyện Châu Thành- An Giang/ http://www.khuyennongvn.gov.vn/