An Giang: Hoạt động khuyến nông với sự phát triển của ngành hàng lúa gạo
- Thứ hai - 13/01/2020 03:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Để thực hiện mục tiêu trên, giúp nông dân tiếp cận các thông tin, tiến bộ kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất có hiệu quả, năm 2019 Trung tâm Khuyến nông An Giang đã triển khai một số hoạt động khuyến nông về ngành hàng lúa gạo, cụ thể đã tổ chức: họp củng cố phân hội giống tại các huyện, thị; tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ kỹ thuật và nông dân về chuỗi giá trị lúa gạo (thông tin về các tiêu chuẩn chất lượng lúa gạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, tầm quan trọng mối liên kết doanh nghiệp - nông dân trong chuỗi giá trị lúa gạo, vai trò của lúa giống trong chuỗi liên kết/chuỗi giá trị lúa gạo….); các mô hình trình diễn giống lúa mới có triển vọng; mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa;….
Kết quả đã chọn một số giống lúa, nếp có triển vọng, có tiềm năng năng suất để khuyến cáo trong sản xuất: OM375, OM429, Lộc Trời 1, Lộc Trời 2, OM20, OM368 (nếp)… Mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa (giảm giống, phân, ứng dụng cơ giới hóa,…) cho kết quả lợi nhuận cao hơn mô hình đối chứng từ 2,5 triệu - 6,7 triệu đồng/ha, giúp nông dân tiếp cận, gắn kết doanh nghiệp tiêu thụ ổn định lúa giống và lúa thương phẩm. Truyền thống sản xuất lúa giống của các tổ, cơ sở nhân giống từ nhiều năm qua, đến nay vẫn duy trì. Hiện năm 2019 toàn tỉnh có 150 tổ, cơ sở sản xuất lúa giống, trong đó có 22 tổ hoạt động mạnh; với diện tích nhân giống lúa từ 25 nghìn đến gần 30 nghìn ha/năm, sản lượng từ 175 - 186 nghìn tấn/năm, có khả năng cung cấp trên 90% nhu cầu về giống xác nhận phục vụ sản xuất lúa thương phẩm trong tỉnh.
Bên cạnh thuận lợi, trong sản xuất lúa giống, các cơ sở, nông dân cũng gặp khó khăn về việc lưu thông lúa giống, bao bì nhãn mác khi tiêu thụ thị trường. Nguyên nhân chính do công ty, tập đoàn lớn có thế mạnh về tài chính đã mua bản quyền, độc quyền một giống lúa chủ lực hiện thị trường đang ưa chuộng. Đây là chủ đề được phần lớn đại biểu là cơ sở kinh doanh, nông dân tổ giống quan tâm, thảo luận sôi nổi tại Hội nghị sơ kết hoạt động khuyến nông về ngành hàng lúa gạo được Trung tâm Khuyến nông An Giang tổ chức vào 19/12/2019 và cũng đề xuất với lãnh đạo ngành Nông nghiệp có hướng can thiệp với doanh nghiệp đã mua bản quyền để cơ sở, tổ giống được chia sẻ, nhượng tác quyền giống nhằm cung cấp nguồn giống tốt nhân giống phục vụ sản xuất.
Từ nhiều năm qua, ngành nông nghiệp đã triển khai các giải pháp kỹ thuật giúp nông dân ứng dụng, đến nay năng suất lúa ở mức khá cao (gần như không tăng được nữa). Tuy nhiên, giá lúa không ổn định nên lợi nhuận chưa cao. Với hiện trạng, nông dân sử dụng lượng lúa giống gieo sạ vẫn còn ở mức khá cao, trung bình 15 kg/1.000 m2, năm 2019, thực hiện dự án khuyến nông Trung ương, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai hỗ trợ chi phí (50%) cho tổ nhóm nông dân mua 01 bộ gồm máy cấy, máy gieo và khay để gieo hạt, thực hiện dịch vụ cấy lúa cho nông dân; trình diễn thiết bị sạ lúa theo cụm,… nhằm giúp nông dân giảm lượng hạt giống, từ đó giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí sản xuất.
Nông dân Trần Văn Xuân, xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên cho biết sạ máy mang lại hiệu quả cao hơn so với sạ theo cách truyền thống, dễ kiểm soát cỏ dại, giảm lượng giống còn 7-8 kg/1.000m2, lúa ít đổ ngã, năng suất lại cao hơn.
Bà Huỳnh Đào Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang cho rằng vấn đề đặt ra làm sao sản xuất phải giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng nông dân mới đạt lợi nhuận cao. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch về giống với mong muốn tìm các giống mới có tiềm năng, năng suất cao để thay thế các giống có chiều hướng thoái hóa và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới cũng như tiếp tục triển khai ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa. Bà Huỳnh Đào Nguyên cũng thông tin thêm: Năm 2020 Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm 2 bộ thiết bị máy cấy từ dự án khuyến nông Trung ương và đề xuất chương trình, dự án để triển khai ứng dụng thiết bị sạ lúa theo cụm vào sản xuất lúa tại các địa phương với hy vọng nông dân sẽ áp dụng và nhân rộng để giảm lượng giống gieo sạ cũng như giảm chi phí đầu vào, tăng chất lượng sản phẩm, cạnh tranh được thị trường.
Tại buổi hội nghị, ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang đánh giá thời gian qua, công tác khuyến nông đã có nhiều đóng góp tích cực trong thực hiện Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp về ngành hàng lúa gạo, đã tìm được các giống có năng suất cao, chất lượng, thay thế cho các giống có chiều hướng đi xuống. Thời gian tới Khuyến nông tỉnh cần nỗ lực hơn nữa để thực hiện tốt các chương trình, dự án nhằm tăng giá trị sản xuất, trong đó ngành hàng lúa gạo. Khuyến nông phải duy trì phát triển để An Giang là nơi cung cấp lúa giống chủ lực cho nông dân trong và ngoài tỉnh, tién tới xuất khẩu lúa gạo ra thị trường quốc tế.
Trang Nghiêm
Trung tâm Khuyến nông An Giang/ http://www.khuyennongvn.gov.vn/