An Giang: Nông dân làm giàu từ mô hình tổ hợp tác

Trong những năm gần đây, hiệu quả của phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi với mô hình hợp tác xã nông nghiệp, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, đã thực sự góp phần tạo nền tảng để xây dựng, phát triển nông thôn mới ở An Giang theo hướng bền vững.
Lãnh đạo HĐND tỉnh An Giang cho biết, từ phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả và đa dạng, trong đó nổi bật là mô hình tổ hợp tác nông nghiệp.

Điển hình như mô hình chuyên canh sản xuất lúa giống của các tổ hợp tác sản xuất lúa giống Phú Nông, xã Hòa Bình, huyện Châu Thành; tổ hợp tác sản xuất lúa giống Bình Tây, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn; tổ hợp tác sản xuất giống An Đông, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên…

Được biết Tổ hợp tác sản xuất lúa giống Phú Nông mỗi năm cung ứng gần 100 tấn lúa giống cho các đại lý bán lúa giống cho địa phương và các tỉnh lân cận: Đồng Tháp, Trà Vinh, Hậu Giang, Cần Thơ.

Lúa giống được bán với giá khá cao và ổn định từ 9.000 đồng/ kg đến 10.000 đồng/ kg (tùy giống lúa), chủ yếu là các giống lúa cho năng suất và chất lượng cao như: OM 4900, OM 6976, OM 576, OM 4218 sau khi trừ mọi chi phí mỗi nông dân trong tổ có lãi từ 2.500 đồng/kg – 3000 đồng /kg, cao hơn nhiều so với sản xuất lúa bình thường.

Ngoài ra nông dân còn bán lúa giống tươi cho các công ty với giá từ 5.300 đồng – 5.700 đồng/ kg, sau khi trừ mọi chi phí còn có lởi từ 13 triệu đồng – 17 triệu đồng /ha.

Tổ hợp tác sản xuất lúa giống Phú Hữu, huyện An Phú có gần 50 hộ nông dân tham gia canh tác mỗi hộ từ 50000 mét vuông đến 3 ha,. Sản xuất bình quân 200 tấn lúa giống các loại/vụ.

Những năm gần đây, Tổ hợp tác sản xuất lúa giống Phú Hữu đã đầu tư hệ thống canh tác, cải tiến các giải pháp kỹ thuật theo yêu cầu sản xuất lúa nguyên chủng và giống lúa xác nhận của Công ty Giống cây trồng Phú Hưng, với giá bán theo hợp đồng cao hơn giá thị trường từ 500 đồng đến 700 đồng, đem lại lợi nhuận cao cho nông dân.




Mô hình tổ hợp tác sản xuất lúa giống và lúa theo chuẩn GLOBAL GAP đem lại lợi nhuận cao đã và đang được nhân rộng ở An Giang

Ngoài các tổ hợp tác chuyên canh các loại lúa giống, tỉnh An Giang cũng đã hình thành các tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao theo mô hình tiêu chuẩn GLOBAL GAP.

Đó là Tổ sản xuất lúa Jamine với gần chục thành viên ở ấp Bình Chơn, xã Bình Chánh, huyện Châu Phú và Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp Tân Tiến, xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, canh tác trên hàng chục ha.

Hai tổ hợp tác này đã được Công ty TNHH SGS Việt Nam đánh giá cao về chất lượng sản phẩm và cấp giấy chứng nhận.

Ưu điểm nổi bất của những mô sản xuất hình này là nguyên liệu được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, thuận lợi cho các công ty xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Chính vì thế, những năm qua, người nông dân không còn lo ngại về tình trạng “được mùa rớt giá”, bởi đã có Công ty TNHH ADC mua toàn bộ lúa nguyên liệu đạt chuẩn GLOBAL GAP, với giá cao hơn thị trường cùng thời điểm là 10% và cam kết thực hiện hợp đồng lâu dài, bền vững.

Từ những mô hình kể trên đã đem lại cho người nông dân tham gia vào các hợp tác xã sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao tăng lợi nhuận, nhanh chóng xóa nghèo và vươn lên làm giàu.


Lương Định/ Báo Dân Sinh