Bàn cách để người nghèo tiếp cận nguồn tài chính đa dạng
- Thứ năm - 28/09/2017 10:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đây là ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy tiếp cận tài chính tại Việt Nam” do Học viện Ngân hàng phối hợp với Viện Chiến lược Ngân hàng và Vụ Hợp tác quốc tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) tổ chức vào ngày 28/9 tại Hà Nội.
Vẫn còn nhiều khoảng trống trong tiếp cận vốn
Theo TS. Bùi Tín Nghị, Giám đốc Học viện Ngân hàng, thực tiễn nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng minh việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế. Hơn nữa, tiếp cận tài chính rộng rãi sẽ giúp các dòng vốn chính thức được sử dụng với độ an toàn cao hơn, giúp các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức hạn chế hiểu biết về tài chính tránh được những rủi ro.
Vì thế, với 70% dân số sống ở vùng nông thôn với tỷ lệ nghèo còn tương đối cao, các chuyên gia cho rằng vẫn còn khoảng trống cho phát triển tài chính chính thức trong dân cư, đặc biệt tại khu vực nông thôn ở nước ta.
Nhận thức được vấn đề này, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã xây dựng nhiều chương trình hành động nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, tài chính toàn diện.
Bà Lê Phương Lan, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) cho hay, các cơ quan quản lý, Chính phủ và NHNN đã ban hành nhiều chương trình hành động như: Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô; đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng; chính sách hỗ trợ phát triển tín dụng DN nông nghiệp, DN nhỏ và vừa; chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên, hộ gia đình vùng khó khăn…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thực trạng của tài chính toàn diện vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Tiêu biểu như hệ thống tài chính của Việt Nam vẫn đặt gánh nặng lên hệ thống ngân hàng; thị trường vốn chưa phát triển song đang lớn mạnh; cơ sở hạ tầng đã cải thiện nhưng vẫn ở mức phát triển thấp; người dân vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt…
Đại diện ngân hàng chiếm phần lớn thị phần tài chính vi mô, ông Phan Cử Nhân, Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết, sự thành công của NHCSXH là nhờ việc cung cấp các dịch vụ và sản phẩm tài chính đa dạng, có chất lượng, lãi suất hợp lý, thuận tiện đến những khách hàng bên lề, không được hoặc ít được các ngân hàng thương mại ở Việt Nam phục vụ.
NHCSXH là được Chính phủ thành lập vào năm 2003, tính đến 30/5/2017, tổng nguồn vốn của ngân hàng đạt hơn 176.000 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt hơn 164.000 tỷ đồng với hơn 6,9 triệu khách hàng trong đó gần 80% khách hàng hiện đang sinh sống tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và khu vực miền núi.
Tuy nhiên, do phần lớn khách hàng ở khu vực xa xôi, khó khăn, thu nhập từ các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng thu nhập của NHCSXH.
Điều này có nghĩa NHCSXH vẫn chưa đi theo kịp xu hướng phát triển của tài chính vi mô trên toàn thế giới. Để cải thiện tình hình trên, thông qua những kinh nghiệm thành công từ một số quốc gia trong khu vực, NHCSXH hiện đang triển khai dự án ngân hàng trên nền tảng điện thoại điện động để cải thiện khả năng tiếp cận tài chính ở Việt Nam.
Giải pháp để tiếp cận dễ dàng, sử dụng hiệu quả tiền vay
Bà Lê Phương Lan, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) nhấn mạnh, mục tiêu về tài chính toàn diện mà các cơ quan quản lý cần thực hiện là phải đảm bảo tất cả người dân được tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính cơ bản tuận tiện, phù hợp nhu cầu với chi phí hợp lý, được cung ứng bởi các tổ chức tài chính chính thức…
Về vấn đề này, theo ông Vũ Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính (NHNN), các cơ quan quản lý cần thúc đẩy phổ cập tài chính đồng thời với việc thúc đẩy an toàn, ổn định tài chính.
Muốn vậy, cần có sự phối hợp của các cơ quan liên quan, với vai trò dẫn dắt của Chính phủ, đảm bảo môi trường pháp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại. Các văn bản pháp lý khi được xây dựng cần bám sát tiêu chí mà việc phổ cập tài chính mang lại, thuận tiện nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn, yên tâm cho người dân, doanh nghiệp (DN) sử dụng.
Tuy nhiên, ông Vũ Việt Hùng cho rằng, mức lãi suất mà các tổ chức tài chính cung cấp không cần phải ở mức thấp nhất. Theo kinh nghiệp quốc tế, các tổ chức tài chính nên ở mức độ mang tính cạnh tranh cao, để tạo sự bền vững trong hoạt động của các tổ chức tài chính.
Về vấn đề tăng tính thuận lợi trong tiếp cận, các chuyên gia đều nhấn mạnh về các phương pháp mở rộng khả năng tiếp cận tài chính, như ứng dụng tài chính số, tài chính vi mô… Điều này càng trở lên cấp thiết hơn đối với kinh tế Việt Nam khi nhu cầu vốn ngày càng cao trong dân chúng và DN, trong khi tỷ lệ nợ xấu tại các tổ chức tài chính vi mô, ngân hàng chính sách xã hội ở mức thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực thông thường khác.
Còn ông Phan Cử Nhân, Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết, sau 15 năm hoạt động, NHCSXH đã mở rộng mạng lưới đến tất cả các xã, với 63 chi nhánh tỉnh, 629 phòng giao dịch huyện, gần 11.000 Điểm giao dịch xã và gần 200.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Để đáp ứng cho dân nghèo ở vùng sâu vùng xa, ông Nhân cho biết NHCSXH lập hàng vạn điểm giao dịch xã, tại đó, ngân hàng công khai các chính sách thủ tục, lãi suất…Tại mỗi điểm có các Tổ giao dịch tối thiểu 3 người thực hiện đầy đủ các khâu công việc, nghiệp vụ, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận vay vốn cũng như nộp trả lãi, gốc…Phương tiện giao dịch của cán bộ với người dân có thể là ô tô, xe máy, hoặc thậm chí thuyền máy ở các điểm nhiều sông nước.
Ngoài ra, ngân hàng này thiết kế nhiều sản phẩm đa dạng cho người dân có thu nhập thấp. Hiện tại, NHCSXH đang cung cấp gần 30 chương trình cho vay phục vụ các đối tượng và nhu cầu khác nhau như cho vay người nghèo, người cận nghèo, người mới thoát nghèo, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay xuất khẩu lao động…
Ngoài các sản phẩm tín dụng, sản phẩm tiết kiệm cũng được thiết kế riêng cho những người nghèo và đối tượng chính sách. Đó là Sản phẩm tiết kiệm cho người nghèo tham gia vào các tổ. Các Tổ trưởng nhận tiền gửi từ các thành viên trong tổ, thường là những món tiền rất nhỏ, sau đó hằng tháng hoặc hằng quý nộp cho cán bộ NHCSXH tại Điểm giao dịch xã vào ngày giao dịch xã theo quy định. Các thành viên có thể dùng tiền tiết kiệm để trả nợ, trả lãi cho NHCSXH hoặc rút ra khi cần thiết.
Từ năm 2016, NHCSXH triển khai nhận tiền tiết kiệm dân cư tại Điểm giao dịch xã, bất kỳ người dân nào đủ năng lực dân sự đều có thể chọn gửi tiền tại Điểm giao dịch xã của NHCSXH thay vì phải đi đến các trụ sở ngân hàng xa nơi họ sinh sống. Sản phẩm đem lại sự tiện lợi cho khách hàng sinh sống ở xa trung tâm đô thị.
“Quan trọng là việc tiếp cận khách hàng tài chính vi mô ở Việt Nam cần đi kèm với hỗ trợ sử dụng vốn thông qua giáo dục tài chính, tuy nhiên, hạn chế về ngân sách khiến cho giáo dục tài chính dành cho khách hàng hiện nay mới chỉ ở mức tối thiểu” - ông Phan Cử Nhân chia sẻ.
Huy Thắng/baochinhphu.vn