Bắc Giang: Trở thành tỷ phú cam lòng vàng nhờ sách báo, truyền hình

Bắc Giang: Trở thành tỷ phú cam lòng vàng nhờ sách báo, truyền hình
Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên nhiều cây bị bệnh chết. Không nản, ông Hà vừa tìm hiểu thêm kỹ thuật chăm sóc cây cam lòng vàng qua sách báo, ti vi, vừa đi học hỏi ở các hộ đã trồng trước.

Ông Hà bên vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGap.

Những tháng năm cơ cực

Hơn 14 năm trước, ông Trần Duy Hà (Trường Sinh, xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) cùng cả gia đình vẫn phải lo ăn từng bữa. Cuộc sống lúc bây giờ dựa hoàn toàn vào vườn vải thiều, nhưng nghịch cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” khiến gia đình ông nhiều phen khóc dở mếu dở.

“Thu nhập không ổn định, đời sống của gia đình bấp bênh, con cái muốn đi học cũng không có tiền, thậm chí đôi lúc muốn mua cho con cái quần áo mới cũng không dám. Gia đình luôn đối diện với nguy cơ nghèo bền vững khiến tôi luôn đau đáu làm gì, trồng cây gì ngay trên chính quê hương, đồng đất của mình để thoát cảnh đó. Sau rất nhiều trăn trở, tôi quyết định mua 150 cây giống cam lòng vàng về trồng thử nghiệm thay thế diện tích vải thiều kém chất lượng đang có”- ông Hà kể lại.

Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên nhiều cây bị bệnh chết, “gia đình liên tục bị “đi trên dây” vì những quyết định liều lĩnh của tôi”- ông Hà chia sẻ. Thế nhưng, ông vẫn quyết tâm trồng bằng được giống cam này.

“Tôi đã đọc không biết bao nhiêu sách báo để tìm hiểu thêm kỹ thuật chăm sóc cây cam lòng vàng. Các chương trình hướng dẫn trồng, chăm sóc cam trên truyền hình tôi cũng không bỏ sót. Ngoài ra, tôi cũng học hỏi thêm ở các hộ đã trồng trước đó, tôi đã tìm ra nguyên nhân vì sao cam hay bệnh chết” - ông Hà nói.

Bài học được người nông dân huyện miền núi tỉnh Bắc Giang này đưa ra là hạn chế việc cuốc xới gốc cam mà chủ yếu thực hiện bón phân trên bề mặt sau đó tưới nước nhẹ. Cùng đó, việc chăm sóc cây cam lòng vàng cũng khá cầu kỳ như phân bón phải tùy theo độ tuổi từng cây; cây cần được giữ ẩm thường xuyên nhưng không được để úng...

Tỷ phú cam

Chỉ sau 3 năm tập trung chăm sóc, vườn cam lòng vàng nhà ông Hà đã cho thu hoạch với chất lượng quả khá tốt. Là người nắm bắt khá tốt nhu cầu của thị trường cũng như các kỹ thuật chăm sóc, ông Hà nhận thấy giống cam này có thể sinh trưởng phát triển tốt trên đất đồi Lục Ngạn. Trong khi đó, giống cam này mọng nước, vị ngọt thanh được nhiều thương lái đặt mua ngay từ khi còn xanh quả. Ông Hà quyết định mở rộng thêm diện tích trồng cam.

Đến nay, diện tích cam lòng vàng của gia đình ông Hà đã đạt hơn 1ha với hơn 1,1 nghìn cây. Bình quân mỗi năm, ông Hà thu hoạch từ 30 đến 35 tấn quả/năm, thu về khoảng 1 tỷ đồng. Không chỉ vậy, cách đây 5 năm, gia đình ông đầu tư mở rộng thêm 1 mẫu trồng cam đường Canh. Mỗi năm, vườn cam cho thu khoảng 300 triệu đồng.

Đặc biệt, trong vụ cam năm 2017, được sự hỗ trợ của cán bộ trạm khuyến nông huyện, gia đình ông Hà đã thực hiện mô hình sản xuất cam lòng vàng theo tiêu chuẩn VietGAP. Quá trình chăm sóc vườn cam như: Bón phân, tưới nước, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... đều được ghi chép cẩn thận trong sổ nhật ký. Hàng ngày, ông cũng không quên cập nhật các kiến thức, kỹ thuật mới đối với việc chăm sóc loại cây này. Đồng thời theo dõi tin tức thị trường nông sản trong khu vực cũng như trên cả nước.

Không những vậy, ông còn sử dụng thuốc trừ sâu thảo dược thay thế thuốc hóa học nhằm bảo đảm an toàn cho người chăm sóc và sử dụng sản phẩm. Đầu tháng 11, mô hình trồng cam lòng vàng của gia đình ông Hà được nghiệm thu, đánh giá đạt tiêu chuẩn theo quy trình VietGAP. Việc được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho vườn cam lòng vàng sẽ giúp ông Hà thuận lợi hơn trong tiếp cận các khách hàng khó tính như siêu thị, khách sạn.

Tương lai không xa, những quả cam trồng theo tiêu chuẩn VietGap của gia đình ông Hà có thể được xuất khẩu ra nước ngoài. Điều này một lần nữa, khẳng định chất lượng nông sản Việt không hề thua kém dưới những bàn tay chăm chỉ, ham học hỏi của những người nông dân Việt. 

Tác giả bài viết: Huyền Anh

Nguồn tin: infonet.vn