Bạc Liêu: Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Bạc Liêu: Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa
Nhằm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng các biện pháp cơ giới phù hợp trong sản xuất lúa trên cánh đồng lớn, qua đó giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất và chất lượng lúa, Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu đã triển khai thực hiện mô hình “Sản xuất lúa theo SRI và cơ giới hóa khâu cấy, bón phân, phun thuốc”.

 

 

Mô hình thuộc dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa”, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì, thực hiện tại Hợp tác xã Quyết Tiến, ấp Mỹ 1, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.. Dự án được triển khai thực hiện trong vụ Hè Thu 2019 với 03 hợp phần: (1) Xây dựng cánh đồng lớn 72ha/45 hộ tham gia; (2) Cơ giới hóa hỗ trợ 01 máy cấy hiệu DUO 60 (giá trị 170 triệu đồng/máy, mức hỗ trợ 60 triệu đồng/máy), 10 bình phun động cơ HOKAIDO (giá trị 4,5 triệu đồng/bình, mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/bình); (3) Mô hình liên kết với 50 hộ tham gia.

Trước khi thực hiện, các hộ tham gia mô hình được tập huấn những tiến bộ kỹ thuật về giống, canh tác theo SRI như: làm đất, vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, trục bừa đất bằng phẳng; quản lý nước theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách hợp lý, hiệu quả và an toàn, chỉ sử dụng thuốc hoá học khi thật cần thiết; sử dụng giống lúa RVT cấp xác nhận với lượng giống 50kg/ha làm mạ sân, thời gian của mạ từ 11-12 ngày tuổi được cấy bằng máy, mật độ cấy 30cm x 16cm, 3-5 tép/bụi.

Sau nhiều nỗ lực triển khai và hướng dẫn nông dân thực hiện theo đúng yêu cầu đề ra, dự án đã đạt được kết quả khả quan:

+ Về xây dựng cánh đồng lớn quy mô 72 ha: Giống lúa RVT sinh trưởng và phát triển tốt, lúa cứng cây, không bị đỗ ngã, số hạt/bông và tỷ lệ hạt chắc/bông của ruộng cấy cao hơn so với phương pháp sạ thông thường. Năng suất đạt 5,6 – 6 tấn/ha, cao hơn 300 kg/ha so với sạ. Bên cạnh đó giảm lượng lúa giống 104 kg/ha; giảm 16 kg N tương đương 35 kg ure/ha, 10,7 kg P2O5 tương đương 67 kg super lân/ha, 6 kg K2O tương đương 10 kg KCl/ha, đồng thời giảm 01 lần thuốc trừ sâu và 2 lần thuốc trừ bệnh so với bên ngoài mô hình. Tổng lợi nhuận đạt 12.026.000 đồng, tăng thêm 3.350.000 đồng/ha so với ngoài mô hình.

+ Về cơ giới hóa: Năng suất hoạt động của máy cấy 03 ha/ngày với giá dịch vụ cấy trọn gói là 5.000.000 đồng/ha, chi phí 3.790.000 đồng/ha, lợi nhuận 1.210.000 đồng/ha, dự kiến sẽ hoàn vốn sau 03 vụ lúa. Bình phun động cơ năng suất hoạt động 5 ha/ngày, chủ yếu là dùng cho ruộng nhà, chưa tổ chức làm dịch vụ. Thông qua áp dụng cơ giới hóa đã nâng cao được hiệu suất lao động từ máy cấy so với lúa cấy tay bình thường 15 – 20 lần, bình phun động cơ 5 lần.

+ Về mô hình liên kết: Đã thành lập Nhóm Liên kết sản xuất và Tiêu thụ sản phẩm lúa ấp Mỹ 1, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long. Quy chế nhóm liên kết được Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Phú Đông ban hành và đưa vào hoạt động, đã liên kết các hộ nông dân trong mô hình thống nhất thực hiện 01 giống lúa, vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất theo yêu cầu kỹ thuật của dự án. Nhóm đã thành lập được chuỗi liên kết giữa người dân với người dân và người dân với doanh nghiệp thu mua, thông qua việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Hợp tác xã Thanh Sơn, bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa của mô hình với giá 5.500 đồng/kg.

Từ kết quả đạt được, nông dân tham gia dự án rất hài lòng khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất, việc cấy máy sử dụng mạ sân giúp bà con nông dân yên tâm về chất lượng mạ và chủ động được thời vụ gieo cấy. Bên cạnh tăng năng suất, chất lượng lúa, dự án còn góp phần quan trọng vào việc củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã; người dân Bạc Liêu đã tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật và phương pháp mới trong sản xuất lúa thông qua các lớp tập huấn, đào tạo ngoài mô hình, các cuộc tham quan - hội thảo, các bản tin thời sự về mô hình. Thành công đó sẽ góp phần nhân rộng diện tích cánh đồng lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa tại các địa phương khác trong tỉnh.

Theo PV/khuyennongvn