Cùng công tác ở ngành nông nghiệp nên 2 vợ chồng chị Tô Thị Thu (Bắc Ninh) đều đam mê sản xuất rau sạch, và được rất nhiều trường học, người dân đón nhận.
Chị Tô Thị Thu, dốc Đặng, phường Vạn An, T.p Bắc Ninh, cho biết, chồng chị công tác ở Ban An toàn Thực phẩm tỉnh Bắc Ninh, bản thân chị cũng công tác trong nghành nông nghiệp, do vậy, cả 2 vợ chồng đều đam mê sản xuất rau sạch.
Thu hái đỗ nhập cho cửa hàng, trường học
Khởi đầu, cách đây 2 năm, chị Thu thuê 6.000 m2 đất ở phường Vạn An, để sản xuất rau hữu cơ, song, do công việc bận rộn, không chuyên tâm canh tác được, nên mới đạt khoảng 80% hữu cơ. Do vậy, chị đang chuyển sang làm rau VietGAP; dự kiến sang năm 2020, sẽ canh tác rau hữu cơ hoàn toàn.
Hiện, vườn rau của chị có các loại rau cải, cải bắp, rau ngót, mồng tơi; các loại rau thơm; dưa chuột, đậu đỗ các loại; bí xanh, bí đỏ, cà chua...
Theo đó, bình quân các loại rau có giá từ 20 – 30.000/kg, đã có trên 20 cơ sở thu mua rau thường xuyên cho chị, bao gồm các trường mầm non, cửa hàng thực phẩm sạch và người dân các vùng lân cận.
Ngoài ra, gia đình chị Thu cũng có 2 cửa hàng thực phẩm sạch, chuyên bán các sản phẩm hữu cơ và VietGAP, mỗi ngày tiêu thụ bình quân 3 tạ rau/ 1 cửa hàng.
Theo đó, chị Thu còn có khu chăn nuôi lợn hữu cơ, song, do dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa dứt, nên chị chưa tái đàn.
Canh tác rau đúng quy trình, có sổ nhật ký đồng ruộng .
Điều may mắn của chị Thu là, đầu ra đang rộng mở, cung chưa đủ cầu, có người dân ở gần ruộng rau của chị, do nhà có máy kiểm tra nhanh, nên khi mới mua rau của chị đã đem ra thử. Sau khi thấy an toàn mới quyết định mua thường xuyên, không phải ra ngoài nữa.
“Trước mắt, để quản lý khu sản xuất rau VietGAP và 2 cửa hàng, gia đình phải thuê thường xuyên 7 nhân công (chưa kể 2 vợ chồng phải phụ việc ngoài giờ), với mức lương 5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, trong đó có một người quản lý chính, trông coi khu sản xuất và các cửa hàng, được trả lương 9 triệu đồng/tháng” – chị Thu cho biết.