Bài 3: Dũng cảm đối diện và xử lý vấn đề
- Chủ nhật - 02/10/2016 11:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nếu không muốn lỡ nhịp tương lai
“Lúc khởi nghiệp, tôi chỉ có hai bàn tay trắng, sự hỗ trợ của xã hội gần như không có gì. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cản được sự khao khát khởi nghiệp của tôi” - đó là suy nghĩ của anh Ngô Trung Long, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì (Hà Nội).
Trại lợn - một trong nhiều con vật nuôi tại mô hình VAC của anh Ngô Trung Long, thị Trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì – Hà Nội
Từ bỏ nghề kim khí, anh Long quyết định trở về quê khởi nghiệp bằng mô hình trang trại VAC và nuôi giun quế. Anh phải liên kết, thuê đất của các hộ nông dân ở Ba Vì để canh tác, đảm bảo đầu vào sản phẩm. Anh Long chia sẻ: " Khởi nghiệp là khó khăn, khởi nghiệp trong nông nghiệp lại khó gấp đôi, đầu tư lợi nhuận thấp, rủi ro cao. Tuy nhiên, rủi ro không ngăn cản được khát khao khởi nghiệp nông nghiệp trong tôi".
Rõ ràng, nếu không muốn lỡ nhịp trong tương lai, không có cách nào khác, các bạn trẻ buộc phải chú trọng và đầu tư đáng kể vào lĩnh vực chọn khởi nghiệp. Quả ngọt không dễ hái nhưng không thể vì thế mà không trồng cây!. Thực tế, ở các nước phát triển, việc khởi nghiệp thất bại là điều bình thường, thậm chí lấy làm vinh dự. Vì khi thất bại, người ta mới học được nhiều kinh nghiệm quý báu mà người dễ thành công chưa chắc có được.
TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện Trưởng Viện Chính sách Chiến lược Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định: “Nông nghiệp là mảnh đất tiềm năng để khởi nghiệp. Cùng với các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước, việc lựa chọn những phương thức kinh doanh hợp lý và sáng tạo tìm ra những hướng đi mới có thể giúp các bạn trẻ đứng vững và phát triển trong lĩnh vực này”.
Trên thực tế, nhiều mô hình, cách làm mới đã được các bạn trẻ xây dựng và phát triển, tìm chỗ đứng trong thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Chẳng hạn như mô hình trang trại VAC của anh Ngô Trung Long (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội) hay mô hình trang trại trồng nấm ăn và nấm dược của chị Nguyễn Thị Thùy Linh, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh. Hà Nội; Mô hình trại gà thương phẩm, gà thịt và vườn cây ăn quả của chị Lê Thị Tư, xã Phú Cát (Quốc Oai – Hà Nội)…
Phải làm và dám dấn thân
Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp hoặc đang “nuôi” ý tưởng khởi nghiệp nghề nông đã đặt câu hỏi: “Muốn khởi nghiệp nghề nông, nhưng thiếu vốn lẫn kinh nghiệm”.
Theo các chuyên gia, đó là chuyện bình thường của người mới khởi nghiệp. TS Nguyễn Xuân Sơn mách nước: “Nếu các bạn không có vốn, không có đất thì nên đầu tư vào phần đầu hoặc phần cuối của nông nghiệp, phần cung cấp vật tư buôn bán hỗ trợ, tham gia liên kết với người sản xuất vật tư, phân phối vật tư: giống, phân, thuốc, máy móc. Hoặc đầu tư chế biến buôn bán phân phối nông sản”.
Còn ông Nguyễn Lâm Viên- Tổng Giám đốc Công ty Vinamit lại cho rằng, chưa có kinh nghiệm, phải đi học, tìm thầy giỏi, lớp học để học kinh nghiệm làm doanh nghiệp. Phải học tới nơi tới chốn, chọn đúng người dạy.
“Còn chuyện vốn? Lúc khởi nghiệp, tôi chỉ hai bàn tay trắng và không có sự hỗ trợ của xã hội. Tuy nhiên, điều đó không cản được khao khát khởi nghiệp của chúng ta. Nếu không có vốn, các bạn hãy đi làm, đi bán hàng để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi dưỡng ước mơ của mình. Xã hội cần nhiều người bán hàng. Dù bán những thứ không liên quan tới dự án khởi nghiệp, nhưng nó tích lũy vốn sống, giá trị cho bạn. Lấy ngắn nuôi dài là nguyên tắc cho những ai ít vốn mà muốn khởi nghiệp. Điều quan trọng nữa là, các bạn phải biết dấn thân. Hãy dũng cảm đối diện và xử lý vấn đề. Làm doanh nghiệp thì có nhiều khó khăn hơn làm chuyện khác, nên nếu không dám làm, không dấn thân, sợ thất bại thì tuyệt nhiên không thể thành công”.
Theo ông Nguyễn Khắc Minh Trí, sáng lập Công ty Mimosa Tech, chuyên cung cấp các giải pháp ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, khi khởi nghiệp nông nghiệp, người sáng lập phải chấp nhận thực tế rằng, doanh thu trong thời gian đầu là thấp, sau đó mới dần đi lên. Tuy nhiên, trong thời gian khó khăn, phải biết phát triển các mối quan hệ. Tốt nhất, hãy có một dự án với kế hoạch phát triển khả thi và sản phẩm tốt để tìm nhà đầu tư. Khi có người đi cùng mới làm lớn được. Còn không chỉ kinh doanh nhỏ và nhiều hạn chế.
Chúng ta có thể lấy tấm gương của ông Đỗ Văn Dũng- một doanh nhân trăn trở với trái thanh long được mùa mất giá của Bình Thuận đã gồng mình vay mượn, thế chấp cầm cố ngân hàng 20 tỷ đồng để nhập máy móc về làm thanh long sấy khô. Ông Dũng cho biết: “Phải dấn thân, phải làm mới biết được kết quả. Để làm ra miếng thanh long sấy đầu tiên thành công, tôi phải thử nghiệm hơn chục tấn thanh long tươi. Mấy tháng trời mất ăn, mất ngủ mới ra được sản phẩm, giờ lại lo thị trường tiêu thụ. Dù có khó khăn, khi khởi nghiệp với ngành này phải mạnh dạn tiến tới”.
Rõ ràng, nền nông nghiệp Việt Nam luôn có nhiều tiềm năng và triển vọng. Tuy nhiên, để các sản phẩm nông nghiệp sống được và phát triển phải đi vào thị trường ngách nhỏ. Đó là những sản phẩm hữu cơ, áp dụng công nghệ cao trong trồng trọt và chế biến. Xu hướng, tầm nhìn của người làm doanh nghiệp nông nghiệp là phải khác.
Theo Tuổi trẻ Thủ đô