Bài 3: Mùa vàng trên đồng đất khô cằn
- Thứ năm - 26/03/2020 23:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trăn trở, tìm tòi, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị và ông Võ Văn Hưng, lúc ấy là Giám đốc Sở NN-PTNT tìm đến nhà máy sản xuất phân bón Ong Biển (tại Bà Rịa- Vũng Tàu) và ngỏ lời mời Cty Đại Nam về làm nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, trước hết là luá gạo hữu cơ.
Ông Võ Văn Hưng nhớ lại: “Trước yếu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng tôi xác định: thị trường là mệnh lệnh của sản xuất. Vì vậy, để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản, phải tổ chức lại sản xuất và chuyển mạnh theo hướng chất lượng, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng; trên cơ sở phát huy các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Quảng Trị.
Tập trung phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất hữu cơ, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy sản xuất thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV vào sản xuất. Thế nên, chuyển đổi mô hình sang làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch là bắt buộc, không còn con đường lựa chọn nào khác”.
Còn với Tổng Giám đốc Trần Đại Nam khi quyết định về Quảng Trị liên kết với nông dân làm chuỗi sản xuất lúa gạo hữu cơ, bạn bè đều ngăn cản và nói ở cánh đồng “chết” ấy, ở nơi đất đai bạc màu ấy làm gạo sạch còn khó huống chi là gạo hữu cơ…
Và rồi, vượt lên khó khăn, bươn bả trước thời gian, sau 5 vụ lúa, người nông dân Quảng Trị đã khẳng định thành công của gạo hữu cơ.
“Thuyết phục được DN đã khó, thuyết phục được người nông dân còn khó hơn gấp nhiều lần. Cán bộ khuyến nông, các giám đốc HTX cùng DN đã mất rất nhiều công sức để vận động người dân tham gia. Thành công dù mới chỉ là ban đầu nhưng cũng nói lên được cái hữu duyên… nông nghiệp giữa doanh nghiệp với nhà nông”, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, chia sẻ.
Cho những mùa vàng
Chúng tôi về xã Vĩnh Thuỷ (huyện Vĩnh Linh - Quảng Trị), khi cánh đồng đang vào vụ gặt. Lúa chín vàng trải đều rập rờn trong tiếng máy gặt chạy lúc xa, lúc gần.
Ông Trần Văn Hải - Giám đốc HTX Đức Xá (xã Vĩnh Thủy) nói như khoe: “Đây đã là vụ thứ 6 bà con nông dân làm lúa hữu cơ. 5 vụ trước đều thành công hơn mong đợi, lúa năng suất cao, giá thu mua ổn định, thu hoạch xong bà con lãi lớn”.
Ông Hải nhớ lại, hồi mới nghe đến mô hình “lúa hữu cơ”, những người đầu đã hai thứ tóc như ông còn chẳng hiểu gì, hoang mang vô cùng. Các xã viên trong HTX của ông cũng vậy. Tất cả họ từ trước đến nay đều quen trồng lúa đến kỳ thì phải bón phân hoá học, phun thuốc trừ cỏ, trừ sâu vài lần mà nhiều khi còn bị mất mùa, thậm chí có năm mất trắng. Giờ bảo làm lúa mà không phun thuốc, rồi “nhất cử nhất động” phải theo DN, chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn nên nông dân cũng “bực” lắm.
Có người còn nói xa xả: “Tui làm ruộng từ khi còn con nít. Nay lên lão rồi, kinh nghiệm cũng chứa đầy ba bồ thóc chứ có nói hơi mô. Ai đời, sâu bệnh mà không phun thuốc, cỏ mọc mà không phun thuốc… thì có mà sẩy cẳng (sẩy chân)”.
Vận động rồi cũng có một số hộ dân đồng ý làm thử với lời “thề” trên bờ ruộng: mất mùa cứ đến nhà Giám đốc HTX lấy thóc về ăn. Sau vài vụ, nhiều người đưa tay xin được làm thật luôn chứ không làm thử nữa.
Ở HTX Đức Xá có 5 tổ đội tương ứng với 5 cánh đồng. Bây giờ đã có đến 4 đội làm lúa gạo hữu cơ. Những cánh đồng trước đây dù có bỏ bao công sức cũng chỉ bén năng suất cao nhất tầm 60 tạ/ha. “Bây giờ, nhiều vụ liên tiếp khi làm lúa hữu cơ, nông dân vác cuốc ra thăm đồng trước khi gặt là đã biết chắc trong tay có được năng suất trên 70 tạ/ha rồi”- ông Hải hồ hởi chuyện trò.
Khi trao đổi với ông Cao Đình Lập, một xã viên tham gia mô hình làm lúa hữu cơ tại xã Vĩnh Thuỷ (huyện Vĩnh Linh) thì ông nói chắc: “Chơi kiểu gì cũng có… lãi”. Vì theo ông Hải, sau 5 vụ thu hoạch, chưa vụ nào gia đình ông bị mất mùa. Các vụ sau cho năng suất luôn cao hơn vụ trước bởi càng làm càng có nhiều kinh nghiệm. “Hai vụ đầu tiên, gia đình chỉ làm hơn mẫu ruộng thôi. Khi thu hoạch, “tiền tươi thóc thật” trên bờ ruộng, trừ tiền phân, giống, ông lãi khoảng 40 triệu đồng. Vụ vừa nhà làm lên 3 mẫu, lãi hơn 100 triệu đồng giữa ruộng”- ông Lập vỗ hai bàn tay đánh “bộp” một phát to tướng để kết thúc câu chuyện.
Chúng tôi cũng đã trở lại xã Gio Mỹ (huyện Gio Linh) để nghe bà con nông dân nói chuyện mùa vàng. Anh Nguyễn Giang, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Thị (HTX Phước Thị), bảo trước đây vận động mãi mới được, bây giờ thì bà con tự nguyện lắm rồi. “Từ ban đầu mới gần 20 ha diện tích. Bây giờ, chúng tôi đã có gần 50ha làm lúa gạo hữu cơ. “Chúng tôi có tăng diện tích nhưng cũng phải căn cơ làm đúng lộ trình chứ không thể vội vàng tăng đột ngột được”- anh Nguyễn Giang bộc bạch.
Các nông dân Nguyễn Tài Xử, Nguyễn Văn Nhất (ở Gio Mỹ) cũng đều có hơn 2 mẫu ruộng (hơn 1ha) làm lúa hữu cơ. Mấy niên vụ liền được mùa, được giá, thóc đưa tiền nhận tại ruộng nên phấn khởi lắm. Ông Xử không giấu được niềm vui: “Đến bữa chừ mới thấy được làm nông có sướng. Trước thì mùa vụ bấp bênh, ruộng khô cằn nên có cố cũng không khá lên được. Nay thì khác, mùa màng cứ bội thu. Xong gặt là tiền dằn túi biết ngay lãi được “mấy trự” (mấy đồng). Mong làm sao có nhiều doanh nghiệp đến với nông dân như vậy”.
Tại huyện Hải Lăng, lúa hữu cơ cũng được đứng vững và mang nhiều niềm vui đến cho nông dân. Ông Nguyễn Trung Trực Giám đốc HTX Đại An Khê (xã Hải Thượng) cho biết dù địa thế vùng bán sơn địa, nhưng từ khi làm lúa hữu cơ, thu nhập của bà con xã viên luôn cao và ổn định. “Cứ cấy 1ha lúa ,người dân lãi năm, bảy chục triệu đồng, nhà nào càng cấy nhiều lãi càng lớn. Trải qua 5 vụ, đến nay có thể khẳng định trồng lúa hữu cơ ở đây rất thành công”- ông Trực định như vậy.