Bài 5: Trái ngọt dâng cho đời
- Chủ nhật - 29/03/2020 09:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Huyện Hải Lăng được xem như là “thủ phủ” của tỉnh Quảng Trị trong việc chuyển đổi phương thức canh tác truyền thống sang mô hình canh tác hữu cơ trên diện tích trồng cam.
Theo ông Võ Văn Hưng (nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Quảng Trị), xuất phát từ thực tiễn, tiềm năng lợi thế của vùng gò đồi, ngành nông nghiệp đã định hướng cam là một trong 6 cây trồng chủ lực của tỉnh.
“Ngành đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất cam hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ, chế phẩm sinh học vào nâng cao năng suất, chất lượng cây cam Quảng Trị, hỗ trợ nông dân chứng nhận vùng sản xuất đảm bảo ATTP và xây dựng nhãn hiệu tập thể, truy xuất nguồn gốc. Cây cam đang hứa hẹn sẽ trở thành một trong những sản phẩm hữu cơ chủ lực của tỉnh”, ông Hưng nói.
Qua hơn 2 năm triển khai, Hải Lăng đã có gần 10ha cam canh tác hữu cơ theo công nghệ Obi - Ong Biển. Theo ông Phạm Đình Lợi, Quyền Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, trên tinh thần chỉ đạo của Sở Nông nghiệp- PTNT, huyện đã khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác. Trong đó, cây cam được người dân lựa chọn và chuyển đổi từ trồng cam thông thường sang trồng cam hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao. “Chúng tôi đã ký hợp tác liên kết với Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic) để sử dụng phân bón hữu cơ Ong Biển; đăng kí mẫu mã, chất lượng sản phẩm theo chuỗi VietGAP cho cây cam”- ông Lợi nói thêm.
Chúng tôi về xã Hải Phú (huyện Hải Lăng) khi vụ cam hữu cơ đã thu hoạch xong và bà con đang chăm sóc cam theo quy trình hữu cơ. Ông Văn Ngọc Ánh, Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện toàn xã có gần 60 ha trồng cam tập trung theo tiêu chuẩn hữu cơ. Trong đó, diện tích cam hữu cơ được thực hiện ở vùng đồi K4, thôn Long Hưng khoảng 38 ha. “Theo kế hoạch, đến năm 2025, Hải Phú chúng tôi xây dựng được trên 200 ha cam hữu cơ tập trung để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con”.- ông Ánh nói.
Cũng theo ông Ánh, vụ cam vừa thu hoạch xong có năng suất cao nên bà con rất phấn khởi. Mỗi góc cam cho thu hoạch từ 60-80 quả (năng suất khoảng 30-35 tấn/ha), giá bán tại vườn khoảng 25 ngàn đồng/kg. Nếu như cũng vườn cam đó, trước đây, trồng thông thường thì chỉ đạt năng suất từ 15-20 tấn/ha và giá bán chỉ khoảng 7-10 ngàn đồng/kg. “Như vậy, nếu trồng cam hữu cơ, nông dân có thu nhập khoảng 750 triệu đồng/ha, trừ chi phí cho lãi 300 - 350 triệu đồng/ha (cao hơn sản xuất cam truyền thống 50 - 100 triệu đồng/ha). Không chỉ cao về lợi nhuận mà còn hướng đến sản xuất một nền nông nghiệp bền vững, đảm bảo môi trường”, ông Ánh nói thêm.
Sau thành công mô hình cam hữu cơ sạch ở vùng đồi huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã có định hướng mở rộng diện tích cam hữu cơ. Tỉnh cũng đã chỉ đạo huyện Hải Lăng tiếp tục chú trọng, nhân rộng sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, đặc biệt là chuyển đổi diện tích để trồng một số loại cây ăn quả theo hướng hữu cơ organic như bưởi, cam, chanh leo… UBND tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho huyện và nông dân canh tác hữu cơ organic; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, liên kết đầu ra cho sản phẩm.
Người trồng cam lãi lớn…
Đến vùng đồi K4, thôn Long Phú (xã Hải Phú), ai cũng thấy ngỡ ngàng trước màu xanh đậm đàcủa những vười cam hàng nối hàng.
Ở đây, có khoảng 16 hộ trồng cam tập trung với tổng diện tích khoảng 38 ha. Qua vài vụ cam hữu cơ, đời sống kinh tế của người dân tăng lên rõ nét. Nhiều nhà cao tầng, nhiều phương tiện sinh hoạt đắt tiền đã có ở đây.
Chúng tôi đã được ông Trần Ngọc Nhơn dẫn đi thăm vườn cam rộng hơn 3ha của gia đình. Ông Nhơn cũng là một trong những người đầu tiên lên khai khẩn vùng đồi K4 này. Đến nay, trang trại của ông trồng giống Vân Du và Xã Đoài, được du nhập từ vùng chuyên canh cam Vinh (Nghệ An) nổi tiếng. Ông Nhơn cho biết: “Nhiều gia đình lên đây mở trang trại trồng cam. Nhờ canh tác theo hữu cơ nên tăng năng suất lẫn giá trị kinh tế. 1ha cam gia đình tôi thu nhập một vụ khoảng 500 triệu đồng. Nhiều gia đình trồng sau học hỏi được nhiều kinh nghiệm nên thu nhập cao hơn. Hầu hết, những gia đình trồng cam hữu cơ đã vươn lên khá giả”, ông Nhơn chia sẻ.
Gia đình anh Trần Kim Phúng cũng có hơn 1ha diện tích trồng cam hữu cơ và chỉ sử dụng phân bón hữu cơ theo công nghệ Obi - Ong Biển.
Quá trình trồng, chăm sóc cam, anh Phúng thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ Cty và tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng, thuốc trừ cỏ…Nhờ vậy, vụ cam vừa qua, vườn cam của gia đình anh năng suất lẫn chất lượng vượt trội hơn những vụ trước.
Anh Phúng cho hay: “So với trồng cam theo phương thức tự nhiên thì trồng cam theo hướng hữu cơ có nhiều ưu điểm. Sau khi tôi sử dụng loại phân bón hữu cơ theo công nghệ Obi - Ong Biển thì cây phát triển rất tốt, lá dày, bóng, không có bệnh, ít sâu bệnh. So vụ này với vụ trước, năng suất vườn cam tăng thêm khoảng 7 tấn. Với giá bán khoảng 30 triệu đòng/tấn thì thu nhập đã tăng thêm khoảng 200 triệu đồng. Đó là thế mạnh củalượng thâm canh này”.
Anh Phúng cũng cho biết thêm, do thị trường rất ưa chuộng loại cam hữu cơ nên thương lái đến tận vườn thu mua với giá cao. Gia đình không phải việc tiêu thụ sản phẩm. “Gia đình đang mở rộng diện tích trồng cam hữu cơ Obi - Ong Biển để tăng thêm thu nhập cao”, anh Phúng hồ hởi nói.
Từ hiệu quả vượt trội của vườn cam gia đình anh Phúng, nhiều hộ gia đình khác cũng đang học hỏi và áp dụng theo hướng hữu cơ Obi - Ong Biển để có thu nhập cao hơn.