Bài học bảo vệ chủ quyền biển đảo từ Hùng binh Hoàng Sa năm nào…
- Thứ tư - 24/02/2016 19:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thực thi quyền làm chủ đất nước
Đặt chân đến Lý Sơn, tôi đã rất ngạc nhiên với những hòn núi lửa nhô lên từ đại dương kiến tạo nên vùng đất này. Mặc dù là một hòn đảo xa đất liền, nhưng những di chỉ khảo cổ cho thấy lịch sử nơi đây luôn liền mạch và từ xa xưa người Việt đã sinh sống và làm chủ biển đảo, đại dương.
Những di tích trên đảo gắn với lịch sử bảo vệ chủ quyền đất nước trên Biển Đông, với những ngôi đình, những nhà thờ họ - nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý và những câu chuyện khơi gợi lòng yêu nước thiết tha, cũng như sự hy sinh lớn lao của các thế hệ nơi đây.
Các lão ngư thổi ốc tu trong Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa - Ảnh: Đăng Lâm
Sử liệu cho thấy, hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa xác lập chủ quyền thực thụ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục trong nhiều thế kỷ, ít nhất là từ cuối thế kỷ 16. Sự quản lý của nhà nước đối với một vùng đất, vùng biển chỉ thực sự có ý nghĩa khi bên cạnh người dân có mặt ở đó để sinh sống, làm ăn, còn có cả quân đội để bảo vệ người dân, và để khẳng định một trong những quyền thiêng liêng nhất của một quốc gia, đó là quyền làm chủ lãnh thổ, lãnh hải. Những con người cụ thể, những chuyến đi được tổ chức công phu, đều đặn và được sử sách ghi nhận đầy đủ.
Trong suốt ba thế kỷ, cứ vào tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch, Hải đội Hoàng Sa lại xuất quân ra đi để bảo vệ, cai quản Hoàng Sa và đến tháng 8 âm lịch mới trở về cửa Eo (nay là cửa Thuận An thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế). Nếu nói rằng những đoàn quân này đi khai thác sản vật quý thì cũng không sai, nhưng nếu chỉ đơn giản như vậy có lẽ họ không cần thiết phải đi thời gian quá dài, mà thực tế, việc tuần tra trên biển để bảo vệ chủ quyền mới là nhiệm vụ chính. Sáu tháng lênh đênh trên biển chính là thời gian họ quản lý hải phận của đất nước và thu lượm sản vật chỉ là một phần công việc.
Vua Minh Mạng phê chuẩn trong bản tấu của Bộ Công ngày 12/2/1836 rằng: "Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4,5 thước, rộng năm tấc, dày một tấc làm cột mốc". Người dân cũng lưu giữ tờ công lệnh của quan tỉnh Quảng Ngãi cấp cho ông Đặng Văn Siểm và ông Dương Văn Định, ghi rõ ngày 15/4, năm Minh Mạng thứ 15 (1834), phái đội thuyền 3 chiếc ra canh giữ đảo Hoàng Sa. Họ Lê ở Bình Thạnh (Tuy Phong, Bình Thuận) hiện còn lưu giữ 7 bằng sắc, trong đó có 2 sắc phong của vua Tự Đức và 5 sắc chỉ của Tuần vũ Bình Thuận và Khánh Hòa từ thế kỷ 19, phong chức và giao nhiệm vụ cho hai anh em ông Lê Non và Lê Văn Châm chỉ huy và điều động lính thủy làm nhiệm vụ giữ gìn hải phận vùng biển đảo từ Khánh Hòa đến Bình Thuận.
Các vua nhà Nguyễn đã truy phong cho Cai đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là "Thượng đẳng thần" và người lính Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là những "Hùng binh Hoàng Sa". Điều đó cho thấy, triều đình đã đánh giá rất cao công lao bảo vệ chủ quyền trên biển của những người bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Bởi thời phong kiến, việc sắc phong thần được thực hiện rất nghiêm ngặt và chỉ xét cho những ai có công lao lớn với đất nước.
Ra đi không hẹn ngày về…
Ngày nay, người dân đảo Lý Sơn vẫn giữ các lễ tế vào tháng 2 và tháng 3 âm lịch. Lễ tế ở Âm linh tự hay đình làng An Vĩnh hiện vẫn theo phong tục cũ.
Ngày 20/2 âm lịch, Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa được tổ chức. Lễ vật gồm: trầu, rượu, hoa quả, thịt, cá, gạo, muối, mắm, nếp nổ, bánh khô…; trong đó, đặc biệt là chiếc thuyền tre có đế làm bằng thân cây chuối gắn đầy đủ buồm, cờ, phướn; hình nộm (hình nhân thế mạng) bằng khung tre dán giấy ngũ sắc và linh vị của những người trong họ tộc đã hy sinh khi đi lính Hoàng Sa. Lễ này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Thả thuyền ra biển tại Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa của ngư dân Quảng Ngãi - Ảnh: Lê Văn Chương
Trong đội quân "cảm tử" năm xưa, có rất nhiều trường hợp tự nguyện. Khi ra đi, họ đã xác định sự hy sinh nhưng vẫn quyết xả thân vì đất nước. Phủ biên tạp lục, quyển 2 của Lê Quý Đôn đã ghi chép về đội Bắc Hải: "Họ Nguyễn còn thiết lập đội Bắc Hải. Đội này không định trước bao nhiêu suất. Hoặc chọn người thôn Tứ Chính thuộc phủ Bình Thuận, hoặc chọn người làng Cảnh Dương, lấy những người tình nguyện bổ sung vào đội Bắc Hải. Ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi và chỉ thị sai phái đội ấy đi làm nhiệm vụ".
Ngày nay, khi ra Lý Sơn, hầu như ai cũng được người dân nơi đây dẫn đi xem những ngôi mộ gió. Những ngôi mộ "đặc trưng" của đảo, không hài cốt, chỉ có tên họ được đắp lên bằng cát. Tùy theo vị trí chức vụ mà đắp mộ lớn hay nhỏ. Các ngôi mộ này nằm trong khu dân cư và được thờ phụng năm này qua năm khác.
Không được phép lơi lỏng
Lịch sử Việt Nam có những giai đoạn biến động, triều nọ thay thế triều kia, nhưng việc quản lý Hoàng Sa diễn ra liên tục và việc binh lính ra Hoàng Sa luôn được tiếp nối nhau, bất chấp những thay đổi về chính trị.
Nhà thờ họ Võ tại xã An Vinh, huyện Lý Sơn, còn lưu giữ chỉ thị ngày 14 tháng 2 năm Thái Đức thứ 9 (1786), triều Tây Sơn, của Thái phó Tổng lý quản binh dân Thượng tướng công chỉ thị cho cai đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa.
Bộ Công năm Minh Mạng thứ 19 (1838) tâu: Nay tiếp nhận tờ tư của Quảng Ngãi trình bày rằng vâng mệnh đi xem xét bốn chiếc thuyền đi Hoàng Sa. Giờ Mão ngày 3 tháng này (thuyền) đã nhổ neo ra khơi tại tấn Sa Kỳ. Tấn này hiện đã hộ tống thuyền qua biển ổn thỏa.
Vậy (bộ xin) tấu trình đầy đủ.
Thần Hoàng Văn Sự vâng mệnh soạn thảo.
Thần Hà Duy Phiên, thần Phạm Thế Trung vâng mệnh đọc duyệt.
An Nam đại quốc họa đồ do Giám mục người Pháp Louis Taberd vẽ năm 1838 khẳng định Hoàng Sa thuộc về Việt Nam (bản gốc đang được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Pháp)
Thời nhà Nguyễn, việc đi bảo vệ Hoàng Sa được triều đình trực tiếp chỉ đạo, cho thấy nhà nước quan tâm đến chủ quyền rất sát sao. Quan điểm các triều đại là thống nhất, rất rõ ràng. Nếu năm nào hoãn việc đi Hoàng Sa thì lập tức có văn bản nói rõ lý do, quyết không bị đứt quãng về việc quản lý. Châu bản ngày 28 tháng 12 xuất xứ từ Bộ Công năm Thiệu Trị thứ 7 - 1847 viết: Bộ Công tâu:
Chiểu theo lệ, xứ Hoàng Sa là bờ cõi trên biển của nước ta, hàng năm có phái binh thuyền đến thăm dò để thuộc lộ trình trên biển. Ngày tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 5 - 1845, vâng theo lời huấn thị: năm Thiệu Trị thứ 6 - 1846, hoãn việc phái binh thuyền (đi khảo sát), đến năm sau phúc trình lại hãy tuân mệnh.
Ngày tháng giêng năm nay, bộ thần đã phúc trình đầy đủ, được Châu phê: Đình (dừng lại).
Đầu xuân, đã đến kỳ đi khảo sát. Điều cần thiết là phải chuẩn bị đầy đủ trước. Nhưng xét thời gian này việc công quá bận rộn, xin dừng việc đi khảo sát đầu xuân năm nay, đợi năm sau phúc trình lại. Vậy xin tấu trình đợi chỉ, (để) chiểu theo thi hành. Vậy xin tấu trình.
Thần Nguyễn Hữu Độ phụng mệnh khảo.
Thần Nguyễn Trực phụng mệnh soạn thảo.
Thần Nguyễn Văn Điển, thần Trương Quốc Dụng, thần Nguyễn Đình Hưng phụng mệnh duyệt.
Như vậy, dù có việc bận rộn, tạm dừng đi khảo sát trong một thời gian ngắn, thì các bộ cũng làm công văn khẳng định rằng "xứ Hoàng Sa là bờ cõi trên biển của nước ta, hàng năm có phái binh thuyền đến thăm dò để thuộc lộ trình trên biển" để cho thấy việc quản lý Hoàng Sa, Trường Sa không bao giờ ngơi nghỉ.
Ngày nay, việc người dân tổ chức các lễ hội tưởng nhớ những hùng binh Hoàng Sa và các vị Thưởng đẳng thần cho thấy bảo vệ Hoàng Sa đã trở thành một nét văn hóa của người dân biển miền Trung nói chung và người dân Lý Sơn nói riêng. Những phong tục này tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu đất nước và sự ghi nhận công lao của tiền nhân trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước. Đồng thời, giáo dục con người hôm nay không quên công lao tổ tiên và không ngừng bồi đắp tình yêu đất nước cũng như ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc Việt Nam.
>> Người dân nơi đây kể lại với tôi rằng, trước khi đi, đôi khi những chiến binh của hải đội Hoàng Sa được làm lễ "tế sống", vì sợ rằng người ra đi có thể không bao giờ trở về. Còn những người lính của hải đội, họ đi với một tinh thần quyết tử. Chính bởi vậy, các chiến sĩ của hải đội đều được thờ phụng trong các đình đền như những vị anh hùng. |