Bài học từ việc ứng dụng khoa học công nghệ phát triển sản xuất vùng dân tộc thiểu số

Bài học từ việc ứng dụng khoa học công nghệ phát triển sản xuất vùng dân tộc thiểu số
Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất, nhiều cá nhân, doanh nghiệp vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã khởi nghiệp thành công. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, việc ứng dụng KHCN vào phát triển sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang gặp nhiều rào cản cần tháo gỡ.
mnxp_11a
Giàng A Dạy bên vườn ươm cây giống rau theo công nghệ Israel. Ảnh do nhân vật cung cấp

Những điểm sáng

Bắt đầu từ con số 0, Nguyễn Cẩm Tú, người Dao, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Việt Tú, bà chủ của thung lũng hoa Bắc Hà nổi tiếng, mất 8 năm để đạt được thành quả như ngày hôm nay.

Cẩm Tú có lẽ là người DTTS đầu tiên ở miền Bắc dám làm và đã thành công với mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Người phụ nữ này chọn giống địa lan cao cấp làm cây mũi nhọn, sản phẩm chính của thung lũng hoa Bắc Hà rộng hơn 5ha, tại xã Thải Giảng Phố, với hơn 200 loài lan khác nhau nở hoa quanh năm. Thung lũng hoa Bắc Hà mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng ngàn chậu hoa lan, mang lại doanh thu khoảng 10 tỉ đồng. Cẩm Tú cũng tận dụng cảnh quan thiên nhiên, địa thế, vẻ đẹp của thung lũng hoa Bắc Hà để khai thác và cung cấp các dịch vụ du lịch sinh thái.

Chị chia sẻ: “Tôi chọn cây địa lan vì giá trị kinh tế cao. 1ha cây hoa lan có thể cho giá trị hàng chục tỉ một năm nên đầu tư tương đối tốn kém. Anh phải đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết như phải có hệ thống nhà kính tự động, hệ thống tưới tiêu... Quá trình chăm sóc lan cũng kỹ lưỡng hơn các cây khác. Tôi đã mời chuyên gia Hàn Quốc sang tận nơi hướng dẫn công nghệ cấy mô trong nhà kính và một chuyên gia Trung Quốc chuyển giao công nghệ chăm cây. Trong lần đầu tiên triển khai trồng đại trà, chúng tôi đã thất bại do không làm đúng kỹ thuật. Từ thất bại đó, tôi rút ra rằng, điều quan trọng nhất để ứng dụng KHCN thành công là phải tuân thủ triệt để những công nghệ được chuyển giao”.

Với quyết tâm thay đổi phương thức canh tác lạc hậu ở quê hương mình, chàng trai Giàng A Dạy, ở xã Mường Bon, huyện Mộc Châu, Sơn La đã đăng ký đi tu nghiệp sinh ở I-xra-en trong 2 năm. Dạy tâm sự: “I-xra-en đã giải đáp được nhiều thắc mắc trong tôi. Tôi đã học và ứng dụng được rất nhiều công nghệ của I-xra-en vào sản xuất trang trại của tôi, như công nghệ tưới nước nhỏ giọt, kiểm soát dịch bệnh, sản xuất nông sản sạch, sử dụng máy móc công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp. Đó là những điểm mới chưa từng có trong tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân quê tôi”.

 Ở quy mô rộng hơn, có thể lấy tỉnh Cao Bằng là một ví dụ thành công về nghiên cứu KHCN gắn với các mô hình sản xuất nâng cao chuỗi giá trị, liên kết 4 nhà... Từ kết quả nghiên cứu của Đề tài “Xây dựng mô hình trồng thâm canh và chế biến chè xanh chất lượng cao Nguyên Bình”, hiện nay, diện tích chè chất lượng cao của tỉnh Cao Bằng đã mở rộng gần 100ha. Nhiều hộ nông dân vùng DTTS đã nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống từ sản xuất chè.

Bên cạnh đó, Cao Bằng cũng triển khai nhiều dự án ứng dụng KHCN trong chăn nuôi, phát triển cây ăn quả. Điển hình là Đề tài “Phục tráng giống cam quýt Hòa An”, “Ứng dụng vi ghép đỉnh sinh trưởng để phục tráng bảo tồn và phát triển giống quýt đặc sản Trà Lĩnh”. Hai đề tài này được ứng dụng vào sản xuất hàng hóa, diện tích trồng giống quýt của đồng bào các dân tộc mở rộng đến trên 100ha tại huyện Trà Lĩnh với giá bán quýt hiện nay 25-30.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 50.000 đồng/kg. Nhờ đó, nhiều gia đình có thu nhập từ vài chục triệu đến 1 tỉ đồng.

Ông Hoàng Văn Dương, xã Quang Hán, vùng có diện tích trồng quýt lớn nhất ở huyện Trà Lĩnh cho biết: “Từ trước đến nay, chưa có cây nào cho thu nhập cao và bền vững như cây quýt. Các hộ trồng quýt thường thu được khoảng 200-300 triệu đồng mỗi năm. Gia đình tôi trồng hơn 1ha quýt, mỗi năm thu được khoảng 1 tỉ đồng”. Giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần các loại cây lương thực – thực phẩm truyền thống đã tạo động lực để xã Quang Hán chuyển diện tích đất rẫy, ruộng bậc thang khô cằn sang trồng cây ăn quả, chủ yếu là quýt. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương này tăng từ 18 triệu/ha năm 2010 lên hơn 30 triệu/ha năm 2017.

gqcb_11b
Người dân Trà Lĩnh thu hoạch quýt. Ảnh: N.Thành

Cần có chính sách đặc thù về chuyển giao công nghệ vùng DTTS

Theo Ủy ban Dân tộc, việc triển khai ứng dụng tiến bộ KHCN tại vùng DTTS và miền núi được thực hiện qua Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2017; Chương trình KHCN 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Theo báo cáo của Bộ KHCN, đến năm 2017, nước ta đã triển khai 317 dự án tại 61 tỉnh, thành phố, chuyển giao 2.364 lượt công nghệ và xây dựng được 1.042 mô hình sản xuất ứng dụng KHCN vào sản xuất. Qua triển khai thực hiện, các mô hình ứng dụng KHCN có hiệu quả thiết thực đến phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Tuy đạt được nhiều kết quả tốt, nhưng việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN, mô hình sản xuất nông nghiệp cao ở vùng DTTS vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, mô hình sản xuất chưa thực sự bền vững. Mô hình sản xuất có hiệu quả còn ít, chưa hình thành được các mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân. Chưa có chính sách đặc thù về ứng dụng và chuyển giao KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng DTTS.

Theo bà Luân Thị Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn đầu tư phát triển khoa học công nghệ Cao Bằng, hoạt động ứng dụng KHCN vào sản xuất tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp không ít khó khăn. Đó là nhận thức của người dân về việc tham gia áp dụng các kết quả nghiên cứu KHCN còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng ỷ lại trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ gây khó cho việc ứng dụng KHCN. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong lĩnh vực KHCN và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa chặt chẽ và đồng bộ. Liên kết 4 nhà còn gặp nhiều khó khăn. Cơ chế chính sách chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết.

Thực tế cho thấy, để hoạt động KHCN phát huy hiệu quả thiết thực phục vụ sản xuất cho vùng DTTS thì việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân phải gắn với thực tiễn sản xuất. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng KHCN phù hợp với điều kiện tự nhiên, thế mạnh của từng vùng DTTS. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư.

Bích Nguyên/ Biên Phòng