Bài toán việc làm cho lao động sau khi về nước
- Thứ năm - 19/05/2016 04:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giám đốc HTX Nước mắm Thiên Phú - Ngô Trung Trực là một trong số ít những người gặt hái được thành công sau khi xuất khẩu lao động (XKLĐ) trở về quê hương.
Sau 11 năm XKLĐ trở về, nhờ chịu khó học hỏi, hiện ông Ngô Trung Trực đã trở thành Chủ nhiệm HTX Nước mắm Thiên Phú, giải quyết việc làm cho 12 lao động và mỗi năm sản xuất cho thị trường 32.000 lít nước mắm.
Sau 11 năm làm việc tại Hàn Quốc và Đài Loan, ông Trực về nước mở xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ bằng nguồn vốn tích lũy. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, “đứa con tinh thần” đầu tiên buộc phải đóng cửa. Qua tìm hiểu, nắm bắt thị trường, ông cùng một số người mạnh dạn thành lập HTX Nước mắm Thiên Phú. Đến nay, mỗi năm, HTX cung cấp cho thị trường 32.000 lít nước mắm, được đăng ký bảo hộ thương hiệu Lạch Kèn và giải quyết việc làm cho 12 lao động.
Trong khi đó, anh Hoàng Văn Thái (Cương Gián, Nghi Xuân) từng có 4 năm sinh sống và gắn bó với công việc xây dựng tại xứ sở chuột túi Australia. Công việc này mang lại nguồn thu nhập “trong mơ” với mức dao động từ 3.000-4.000 USD/tháng. Vậy nhưng, anh Thái lại mạo hiểm từ bỏ để trở về Việt Nam. Sau 2 năm đầu ròng rã khắp nơi nhận công trình xây dựng, nắm thời cơ tỉnh chủ trương đầu tư nuôi tôm trên cát tại Cương Gián, anh vay vốn thành lập Công ty Thái Nguyên chuyên xây dựng công trình và nuôi tôm.
Với những kiến thức được đào tạo khá chuyên nghiệp cùng trải nghiệm thực tế, không khó để người đàn ông trẻ tuổi thực hiện giấc mơ làm chủ cuộc đời. Hiện doanh nghiệp (DN) của anh giải quyết việc làm cho 10 lao động với thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng (xây dựng) và 4-5 triệu đồng/tháng (nuôi tôm). Giám đốc Thái dự định, sắp tới sẽ mở rộng thêm 2 ha nuôi tôm nhằm phát triển sản xuất và đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
Cũng là người trưởng thành từ XKLĐ, anh Dương Kim Sơn - Phó Giám đốc Công ty CP Thiên Long chuyên về xây dựng (phường Nguyễn Du - TP Hà Tĩnh) từng dày công tìm hiểu phương thức tổ chức, sản xuất trong nước. Khi đã tích lũy được kinh nghiệm, anh chung vốn cùng bạn bè thành lập DN. Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của đội ngũ đứng đầu, Công ty Thiên Long hiện giải quyết việc làm cho khoảng 40 lao động với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.
Hành trình của những người con xa xứ khi trở về quê hương lập nghiệp không phải ai cũng thành công như ông Ngô Trung Trực, anh Hoàng Văn Thái hay Dương Kim Sơn mà đa phần họ luôn gặp rào cản lớn khi không tìm được nghề tương tự ở quê nhà hoặc có nhưng máy móc, công nghệ khác biệt nên không thể áp dụng.
Theo thống kê từ Sở LĐ-TB&XH, hiện Hà Tĩnh có gần 20.000 lao động đang làm việc tại hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với chu kỳ ngắn hạn (khoảng 3 năm cho 1 hợp đồng), trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có từ 6.000-6.500 lao động xuất khẩu sang thị trường các nước với ngành nghề chủ yếu là cơ khí, chế tạo máy, xây dựng, giúp việc gia đình… Với những ưu thế về tác phong công nghiệp, có trình độ ngoại ngữ nhất định và trải qua thời gian đào tạo tại các quốc gia tiên tiến, người từng đi XKLĐ được đánh giá là nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ cao. Song trên thực tế, “chỉ 10% trong số họ có cơ hội tìm việc làm trên quê hương. Phần lớn những người con xa xứ tìm cách trở lại đất khách” - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và XKLĐ (thuộc Công ty CP Phát triển công nghiệp xây lắp và Thương mại Hà Tĩnh) Lê Đức Thắng cho hay.
Để phát huy nguồn nhân lực chất lượng, Sở LĐ-TB&XH đã tích cực tuyên truyền, thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và tìm việc làm cho người có nhu cầu. Chính quyền các địa phương cũng đã triển khai nhiều giải pháp giúp đỡ người XKLĐ sau khi về nước như: bảo đảm cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, kết nối DN... “Chúng tôi đã chủ động mở các phiên giao dịch, khảo sát nhu cầu về vị trí công việc, thời gian, chế độ ưu đãi của DN để kết nối thông tin với người lao động”, ông Nguyễn Tiến Hòa - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh khẳng định.
Để khắc phục tình trạng lãng phí lao động chất lượng cao, ngay khi có kế hoạch đưa người đi làm việc ở nước ngoài, các ngành chức năng, DN xuất khẩu và địa phương cần phối hợp thiết lập hệ thống dữ liệu quản lý thông tin về trình độ, nghề nghiệp, thị trường lao động; xây dựng phương án cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho các DN khi người lao động hết hạn hợp đồng về nước. Với mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xuất khẩu và tạo nhiều cơ hội việc làm cho lao động về nước, ngành lao động cần tập trung hướng đến những thị trường thu nhập cao, phù hợp với nhiều lĩnh vực sản xuất, chế tạo trong tỉnh. Quan trọng hơn, với những lợi thế về vốn, kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, người lao động nên linh hoạt, chủ động trong tiếp cận thông tin để phát huy thế mạnh, tạo dựng nghề nghiệp ổn định ngay trên quê hương.
Theo Thùy Dương/baohatinh.vn