Bàn biện pháp lâu dài để "giải cứu" ngành chăn nuôi lợn

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN)
Ngày 4/5, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Chăn nuôi tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp kỹ thuật, quản lý để giảm giá thành thịt lợn ngang với các nước trên thế giới.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết để ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng phát triển bền vững cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để giảm giá thành sản xuất; đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi-tiêu thụ sản phẩm.

Trao đổi ý kiến tại hội nghị, các đại biểu cũng đã chỉ ra những mặt được và chưa được cũng như những khó khăn bất cập trong chăn nuôi thời gian qua, đặc biệt là tình trạng giá lợn "lao dốc" không phanh vừa qua.

Nguyên nhân một phần do chăn nuôi ở Hà Nội còn nhỏ lẻ, phân tán, số lợn nái ngoại cho năng suất, chất lượng cao còn ít.

Trong khi đó, theo dõi, quản lý giống tại các cơ sở chăn nuôi sản xuất giống chưa được coi trọng; việc kiểm soát nguồn thức ăn, thuốc thú y còn khó khăn; tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh còn chưa chủ động; người chăn nuôi còn thiếu kỹ năng phân tích thị trường, lập kế hoạch sản xuất và hạch toán hiệu quả kinh tế.

Đặc biệt, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong chăn nuôi còn hạn chế cùng thói quen chăn nuôi theo tâm lý thị trường khiến tình trạng "được mùa mất giá" xảy ra thường xuyên.

Tính đến tháng 10/2016, cả nước có 27,75 triệu con lợn, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước tính đạt 3,48 triệu tấn. Riêng thành phố Hà Nội có tổng đàn trên 1,8 triệu con, năng suất chăn nuôi lợn nái đạt bình quân 20,3 con cai sữa/nái/năm.

Ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hợp tác xã Xuân Phú (Đồng Nai), cho biết hiện nay tư duy trong chăn nuôi còn lạc hậu, chất lượng giống còn thấp so với thế giới, nên năng suất không cao. Bên cạnh đó, thông tin đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế dẫn đến tình trạng thua lỗ trong chăn nuôi.

[Giải cứu ngành chăn nuôi lợn: Doanh nghiệp chấp nhận không lãi]

Để khắc phục những hạn chế này, theo ông Danh cần giảm đàn lợn nái, không nhập lợn hậu bị, duy trì tiêm vắc xin cho đàn lợn, tránh tình trạng lợn rớt giá người chăn nuôi bỏ đói và không chăm sóc dẫn đến nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh.

Đặc biệt, cần thay đổi tư duy trong chăn nuôi của các chủ trang trại, áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật để đưa ra hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi lợn.

Ông Phạm Văn Quý, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ nông nghiệp An Phú (Hà Nội), nhận định ngành chăn nuôi hiện nay đang trong giai đoạn khó khăn nhất. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra để giải cứu ngành chăn nuôi song để tồn tại, người chăn nuôi buộc phải có các giải pháp căn cơ hơn để tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm.

Theo ông Quý, giá thành sản phẩm chăn nuôi phụ thuộc vào chi phí đầu tư, chi phí trả trước, chi phí giống, công nghệ chăn nuôi, giá đầu vào, quản lý, phân công lao động. Bởi vậy, đối với các cơ sở chăn nuôi, chủ trang trại phải đặc biệt chú trọng khâu giống, không sử dụng con giống không rõ nguồn gốc, ứng dụng khoa học công nghệ vào khâu giống cũng như chăn nuôi thương phẩm nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm...

Từ thực trạng công tác sản xuất giống lợn đã phân tích, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đưa ra định hướng phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn thành phố với năm nội dung chính. Theo đó, phải tổ chức tái cơ cấu ngành chăn nuôi, trong đó chăn nuôi lợn tập trung vào sản xuất con giống chất lượng cao cung cấp cho các trại chăn nuôi, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm thịt lợn, đầu tư con giống tốt, tăng tỷ lệ sử dụng giống lợn ngoại, lợn lai hướng nạc.

Một điều quan trọng trong định hướng phát triển là phải hình thành các khu chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ; phát triển trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong các khâu chăn nuôi.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung phát triển đàn lợn nái ông bà tại một số doanh nghiệp, hợp tác xã có cơ sở vật chất tốt và duy trì đàn lợn thịt thường xuyên với số lượng 1,5 triệu con, loại bỏ đàn lợn nái chất lượng kém, duy trì đàn lợn nái bố mẹ thường xuyên khoảng 160.000-180.000 con.

Để nâng cao chất lượng đàn lợn nái, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đề xuất tập trung xây dựng một số cơ sở chăn nuôi, sản xuất giống lợn theo hình tháp bốn cấp; phát triển chăn nuôi theo quy hoạch; thành lập Liên hợp tác xã chăn nuôi lợn./.
Tác giả: Mai Linh
Nguồn: 
vietnamplus.vn