Bao giờ phim Việt ra rạp Hàn Quốc?

Đó là câu hỏi được không ít khách mời đến từ Việt Nam đặt ra tại hội nghị Mạng lưới kết nối công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Hàn Quốc diễn ra trong 3 ngày từ 14 đến 16-6 tại TPHCM.
Sắc đẹp ngàn cân, dự án làm lại từ bộ phim Hàn Quốc đình đám một thời
Kết nối giao thương
Vào năm ngoái, hai bản quyền của phim Hàn Quốc đã được ký hợp đồng, nhiều dự án sản xuất phim Việt Nam - Hàn Quốc đã được thảo luận và đạt được một số hiệu quả khá tích cực. Cục Điện ảnh Việt Nam và Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc cũng ký kết bản ghi nhớ (MOU) về giao lưu và hợp tác giữa công nghiệp điện ảnh Việt Nam và Hàn Quốc. MOU 2017 hứa hẹn sẽ có tác động tích cực nhằm tiến tới một nền công nghiệp điện ảnh Việt - Hàn.
Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị năm nay, ông Đỗ Duy Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh nhấn mạnh, ngoài việc là diễn đàn chia sẻ hợp tác, kinh nghiệm, những cuộc gặp gỡ giữa đại diện hai nước sẽ giúp tương lai hợp tác giữa hai nền điện ảnh có thêm nhiều bước phát triển. Trong thời gian diễn ra sự kiện, các cuộc gặp gỡ, kết nối giao thương 1:1 giữa các công ty sản xuất phim Việt - Hàn nhằm thúc đẩy lĩnh vực sản xuất, đầu tư, phân phối, mở ra nhiều cơ hội cho cả hai bên.    
Chia sẻ tại hội nghị, bà Vũ Thị Hồng Nga, Phó Chánh Văn phòng Cục Điện ảnh lấy một dẫn chứng sống động về việc hợp tác điện ảnh giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Theo đó, từ năm 2014 - 2017, phía CJ E&M đã sản xuất 10 bộ phim tại Việt Nam trong đó Em là bà nội của anh cán mốc hơn 4 triệu USD doanh thu, từng là phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại trước khi bị Em chưa 18 soán ngôi mới đây. Phía Hàn Quốc hiện cũng đang nắm giữ thị phần lớn về mảng rạp chiếu phim tại Việt Nam với tổng số 418/628 phòng chiếu; 56.000/gần 95.000 ghế ngồi. Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) cũng hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ kỹ thuật; tổ chức Liên hoan Việt Nam, ngày phim Việt Nam tại Hàn Quốc và ngược lại...  
Một trong những dự án hợp tác Việt - Hàn đang nhận được nhiều sự chú ý, đó là việc làm lại phiên bản Sắc đẹp ngàn cân của Hàn. Theo đại diện của ShowBT  - đơn vị phối hợp sản xuất phía Hàn Quốc, phiên bản Việt của phim là dự án được đầu tư chỉn chu. Một công ty trang điểm hàng đầu Hàn Quốc đã được đưa về Việt Nam để hỗ trợ cho dự án. Phần âm nhạc cũng được hai bên bàn thảo chi tiết. “Theo tôi, việc hợp tác giữa các công ty từ hai quốc gia phải xây dựng dựa trên sự am hiểu các yếu tố văn hóa, trong đó có sự tin tưởng cộng sự, tôn trọng văn hóa Việt Nam”, đại diện ShowBT chia sẻ. Trước đó, bà Lê Minh Tâm, Giám đốc Công ty Kỷ Nguyên Sáng, đơn vị thực hiện bộ phim Khát vọng Thăng Long cũng chia sẻ, thành công của phim có sự đóng góp không nhỏ từ phía Hàn Quốc - đơn vị đã hỗ trợ êkíp thực hiện toàn bộ phần kỹ xảo.  
Giấc mơ phim Việt tại Hàn
Một trong những chủ đề nóng nhất được trao đổi tại diễn đàn hợp tác công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Hàn Quốc là tương lai việc sản xuất phim giữa hai nước. Bà Trần Vân Anh, Phó Giám đốc Công ty Thanh Long đặt câu hỏi: Đến khi nào và tiêu chí gì để phim Việt có cơ hội ra rạp tại Hàn Quốc. Ông Lee Sang Seok, Giám đốc phụ trách Ban Chiến lược tương lai của KOFIC cho biết, trước hết các đối tác Việt Nam cần liên lạc với các đơn vị hợp tác tại Hàn Quốc để tìm hiểu liệu khán giả Hàn có muốn xem bộ phim đó. “Nếu phim Việt muốn được chiếu tại Hàn Quốc, hãy tạo một con đường cho người Hàn yêu mến phim của các bạn. Mà muốn họ yêu mến, hãy tạo cho họ sự hiểu biết thông qua nhiều hình thức như: Ngày phim Việt tại Seoul, tham gia Liên hoan phim quốc tế Busan... Theo tôi, chúng ta đang thực hiện mục tiêu sơ khởi để đưa phim Việt Nam đến Hàn Quốc”. Ông cũng nhấn mạnh việc khảo sát thị hiếu, độ tuổi khán giả sẽ giúp tạo ra những kịch bản phù hợp. Hiện, ý định hợp tác sản xuất phim với Việt Nam của KOFIC đã được hình thành và đang có một dự án được thai nghén.  
Đồng tình với quan điểm đó, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho rằng, đó là việc làm khó khăn và cần con đường dài. Anh chia sẻ: “Tôi nghĩ chúng ta nên bắt đầu từ lĩnh vực phim truyền hình. Khán giả Việt quen với thời trang, văn hóa Hàn từ phim truyền hình sau đó phim điện ảnh mới bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam. Chúng ta đang có thuận lợi khi có sự trợ giúp từ phía Hàn Quốc, nhưng nếu không bắt đầu thì không thể đến đích, mà khởi nguồn là bắt đầu từ kịch bản”. Theo bà Ji Sook Yoon, đại diện Lotte Cinema, dù hiện tại phim Việt hầu như không được trình chiếu tại Hàn Quốc nhưng chúng ta hoàn toàn có thể hợp tác sản xuất để hiện thực hóa ước mơ đó. 
Một thực tế là hiện nay đang có rất nhiều phim ăn khách tại Hàn Quốc được Việt Nam mua bản quyền chuyển thể. Ở thế ngược lại, đại diện ShowBT chia sẻ: “Nếu Việt Nam có kịch bản xuất sắc, chúng tôi hoàn toàn có thể mua, làm lại và trình chiếu tại Hàn Quốc”. Thông tin gần đây nhất, bộ phim Em chưa 18 đang được các nhà làm phim Hàn Quốc thương thảo mua lại bản quyền và nếu thành công, sẽ là tín hiệu lạc quan. Ở khía cạnh này, bà Lê Minh Tâm đặt câu hỏi, tại sao Việt Nam - Hàn Quốc không cùng bắt tay xây dựng kịch bản phù hợp, cùng đầu tư sản xuất. “Chúng ta hiện đang thiếu kịch bản mới, hay. Nếu chỉ thực hiện các bộ phim remake (phim làm lại) như hiện nay, cũng đến lúc khán giả thấy chán. Việc hợp tác với các công ty Hàn Quốc để 2 bên cùng trao đổi sẽ giúp có những kịch bản tốt”, bà Minh Tâm nhấn mạnh.

Theo VĂN TUẤN/http://www.sggp.org.vn