Bảo hiểm nông nghiệp nên tập trung vào sản xuất hàng hóa
- Thứ năm - 11/01/2018 03:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Luật sư Thái Văn Cách, chuyên gia bảo hiểm, cho rằng để đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghệp nông thôn theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, cần có các chính sách thiết thực và hiệu quả để hỗ trợ phát triển BHNN.
Tuy nhiên, nếu tiếp tục chính sách BHNN theo kiểu hỗ trợ toàn bộ hoặc phần lớn phí, nhất là đối với cây lúa như thời gian qua kết quả thu được khá hạn chế và không khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa. Vì vậy cần xác đinh lại mục tiêu hỗ trợ phí BHNN, mà bước đầu là cho sản xuất nông sản hàng hóa.
Ông Cách đề xuất đối với cây lúa cần mạnh dạn thay đổi chính sách. Cụ thể, không nên tiếp tục hỗ trợ toàn bộ phí bảo hiểm cho những hộ nông dân không đủ khả năng sản xuất lúa hàng hóa do diện tích đất được giao của những hộ này rất ít, dù hộ đó là hộ nghèo, cận nghèo hay hộ thường.
Bên cạnh đó, Nhà nước coi việc hỗ trợ một phần phí bảo hiểm cho các hộ sản xuất lúa hàng hóa trên cơ sở định lượng số héc ta sản xuất lúa, năng suất lúa/héc ta, coi đây là một phần trong chính sách bảo hộ sản xuất lúa phục vụ xuất khẩu. Hộ sản xuất lúa được tính phí bảo hiểm vào giá thành khi Nhà nước mua lúa để xuất khẩu hay dự trữ quốc gia. Với tỷ lệ phí thấp lại được hỗ trợ một phần, sẽ thu hút các hộ sản xuất lúa hàng hóa mua BHNN.
Ngoài ra, nên thay đổi thủ tục mua bảo hiểm, chủ hợp đồng bảo hiểm phải là chủ hộ gia đình, công ty bảo hiểm khi bồi thường tổn thất phải trả tiền trực tiếp cho chủ hộ gia đình mua bảo hiểm, không thông qua trung gian. Nhà nước chỉ định cơ quan có thẩm quyền về thống kê sản lượng, giá lúa tại mỗi địa phương, có thể là cấp huyện, công bố thông tin sau mỗi mùa vụ làm cơ sở để từng hộ có thể mua bảo hiểm.
Tháng 10 năm ngoái Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp với hai chính sách về thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp để tạo cơ sở pháp lý tiếp tục triển khai, phát huy được các kết quả tích cực và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian thí điểm. |
Theo Thùy Dung/thesaigontimes.vn