Bảo hiểm nông nghiệp sẽ theo cơ chế mới
- Thứ sáu - 09/06/2017 04:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bảo hiểm nông nghiệp nhìn chung có mức độ rủi ro cao
Theo đó, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần phí bảo hiểm cho hộ nghèo, người được bảo hiểm cần đóng góp một phần phí bảo hiểm để tăng trách nhiệm kiểm soát rủi ro khi tham gia bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm tự cân đối tài chính, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh.
Đó là nội dung đáng chú ý trong dự thảo nghị định mới về bảo hiểm nông nghiệp đang được lấy ý kiến các doanh nghiệp cũng như các bên liên quan để trình cơ quan chức năng, dự kiến triển khai từ năm 2018.
Nghị định trên được kỳ vọng sẽ xử lý bất cập của một số quy định chính sách trong thời gian thực hiện thí điểm nhằm mang lại giải pháp tốt nhất cho cả người tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm.
Hạn chế tình trạng có bảo hiểm nên “liều”
Theo các chuyên gia trong ngành, để bảo hiểm nông nghiệp có thể “đi đường dài” với người nông dân, ý thức tuân thủ điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tiêu chuẩn vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường của người tham gia bảo hiểm là rất quan trọng.
Thực tế, đã xảy ra tình trạng có bảo hiểm nên nhiều người dân mới thả tôm trái vụ. Nếu không có bảo hiểm, họ sẽ “treo” ao, “phơi” ao đúng theo quy trình.
“Người mua bảo hiểm nông nghiệp phải thực hiện nghiêm túc theo những điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, tiêu chuẩn vệ sinh thú y bảo vệ môi trường, bảo vệ thực vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành để tránh những thắc mắc, khiếu nại đã từng xảy ra ở một số địa phương trong thời gian triển khai thí điểm (doanh nghiệp không cấp đơn bảo hiểm vì người mua không thực hiện đúng quy trình nuôi trồng).
Bảo hiểm nông nghiệp rủi ro rất lớn, do vậy việc thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ nuôi trồng thủy hải sản cũng sẽ là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm và chấp nhận bồi thường bảo hiểm khi rủi ro xảy ra”, một chuyên gia bảo hiểm nói.
Đánh giá các rủi ro do thiên tai: Cần cụ thể hơn
Về nguyên tắc bảo hiểm thực hiện bồi thường bảo hiểm cho người được bảo hiểm, dự thảo Nghị định nêu rõ phải đảm bảo các điều kiện: có xảy ra sự kiện bảo hiểm và không thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm; trường hợp bảo hiểm theo chỉ số (index) hoặc tham số (parametric), các chỉ số, tham số này phải được công bố hoặc xác nhận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cơ quan chuyên môn thuộc danh mục được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố theo quy định tại Nghị định này; người được bảo hiểm có hồ sơ bồi thường bảo hiểm đầy đủ và hợp lệ theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trong trường hợp có hành vi gian lận bảo hiểm theo quy định tại Bộ luật Hình sự.
Góp ý về nguyên tắc bồi thường bảo hiểm, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị, điều kiện, điều khoản bảo hiểm, trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường bảo hiểm được thực hiện trước hết theo hợp đồng bảo hiểm do các bên thỏa thuận, trong Nghị định không nên quy định cứng nhắc.
Đối với việc đánh giá các rủi ro do thiên tai: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy và các loại rủi ro thiên tai khác, các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị, cần quy định khái niệm cụ thể hoặc quy định dẫn chiếu theo quy định pháp luật liên quan, hoặc theo xác định cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương xác nhận.
Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền áp dụng chế tài bồi thường bảo hiểm trong trường hợp tổn thất xảy ra do nguyên nhân trực tiếp từ việc bên mua bảo hiểm, hoặc người được bảo hiểm không tuân thủ các quy định quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh động vật (trên cạn và thủy sản) và bảo vệ thực vật đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp và các quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thuỷ sản do cơ quan chức năng có thẩm quyền ban hành; người mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm không thực hiện các nghĩa vụ thông báo sự kiện bảo hiểm và thực hiện các các biện pháp xử lý, hạn chế tổn thất theo hướng dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm; trường hợp khác do các bên thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.