Bảo vệ nguồn lợi cá bống mít tự nhiên

Nguồn lợi thủy sản tự nhiên là cá bống mít đang bị khai thác một cách tùy tiện.

Cá bống mít (tên khoa học: Stigmatogobius pleurostigma) là một trong 58 loài cá bống, phân bố chủ yếu ở các vùng cửa sông và ven biển vùng Tây Nam Bộ. Đây là một nguồn lợi thủy sản ngày càng có giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, do hiện nay nguồn lợi thủy sản này vẫn chưa được đánh giá đúng tiềm năng kinh tế nên cá bống mít vẫn phát triển chủ yếu ở môi trường tự nhiên, người dân khai thác tùy tiện. 

Điều này dẫn đến tài nguyên suy kiệt không phục hồi, giá trị kinh tế không cao, trong khi thị trường thế giới rất ưa chuộng nên cá bống mít dễ dàng được xuất khẩu với giá cao.

Nhìn ra sự bất cập ấy, nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Cần Thơ đã bắt tay vào nghiên cứu các đặc điểm hình thái, sinh học, tương quan chiều dài trọng lượng, hình thức tăng trưởng… của cá bống mít nhằm bước đầu đề xuất kích cỡ đánh bắt phù hợp, đảm bảo cho sự khai thác bền vững nguồn lợi của loài này.

Tiến tới phát triển trong môi trường nuôi ao hồ, trở thành mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Tiến sĩ Đinh Minh Quang, Trưởng nhóm nghiên cứu, Đại học Cần Thơ cho biết: Nhóm đã thực hiện nghiên cứu về cá bống mít ở vùng ven biển Trần Đề (Sóc Trăng) và Nhà Mát (Bạc Liêu), từ tháng 11/2015 đến tháng 10/2016.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Hiện nay số lượng ngoài tự nhiên đang giảm mạnh. Nguyên nhân được nhận định là do các nhà quản lý không có cảnh báo, hướng dẫn về phương cách và dụng cụ đánh bắt, cộng với người dân mang tư duy đây là nguồn lợi “chim trời, cá nước” nên đánh bắt thả sức, sử dụng lưới mắt dày và te đẩy để tận thu cả những con cá quá nhỏ, khiến nguồn cá không kịp tái tạo. 

“Cá bống mít khi trưởng thành có thể dài tới 7,5 cm, thời điểm khai thác phù hợp nhất là khi cá đạt độ dài 4 cm. Vì vậy cần có quy định độ thưa mắt lưới để cá dưới 4 cm không bị đánh bắt. Điều này sẽ giúp khai thác một cách bền vững, khai thác đi đôi với bảo tồn, thay vì tận diệt như hiện nay” - Tiến sĩ Quang nhấn mạnh. 

Trên thị trường nội địa, cá bống mít đang được bán với giá từ 40.000 -60.000 đồng/kg tùy thời điểm, trong khi giá xuất khẩu hơn 200.000 đồng/kg.

Có thể nói chúng ta đang lãng phí nguồn tài nguyên này khi không thể xuất khẩu nếu khai thác bằng hình thức đánh bắt tự nhiên, bởi hình thức này không đảm bảo về số lượng cung ứng, cũng như độ đồng đều giữa các cá thể cá. Trong khi đó, hình thức nuôi thả trong ao, lồng… sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều, vì cá bống mít dễ nuôi, tạp ăn, ít bệnh và sinh đẻ quanh năm. 

Quan trọng hơn nữa, dù một lần sinh sản, cá bống mít có thể đẻ từ 3.000 đến gần 6.000 trứng, nhưng trong tự nhiên, tỷ lệ nở thành con chỉ được 10%, do bị trở thành mồi của các loài khác, nhưng nếu nuôi, tỷ lệ này sẽ lên tới 60%. 

Hơn nữa, do chúng ta đang khai thác cá dưới chuẩn khuyến cáo nên tỷ lệ cá trưởng thành, có khả năng sinh sản ngày càng giảm với cấp độ số nhân.

Từ kết quả thực địa và nghiên cứu, Tiến sĩ Đinh Minh Quang và các cộng sự đã đề xuất mô hình nuôi cá bống mít trong ao, đầm để bảo tồn nguồn lợi thủy sản này, tạo thêm việc làm cho lao động vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như có nguồn hàng ổn định phục vụ xuất khẩu, gia tăng giá trị hàng thủy sản Việt Nam. 

Theo đó, cá bống kèo có tính ăn tạp, nên ngoài thức ăn tự nhiên có trong ao như phù du động thực vật, sinh vật đáy, rong tảo sống bám, mùn bã hữu cơ… người nuôi có thể cho cá ăn thêm thức ăn chế biến và thức ăn viên công nghiệp có kích cỡ phù hợp với độ lớn và kích thước miệng, để cá có khả năng sử dụng thức ăn hiệu quả nhất.

Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều mát, với khẩu phần ăn từ 4 đến 6% trọng lượng thân/ngày. Mỗi tuần một lần, bổ sung thêm một số loại men tiêu hoá nhằm kích thích cho cá ăn ngon và tiêu hoá thức ăn tốt hơn tránh hiện tượng cá bị chướng bụng, đầy hơi. 

Về chất lượng nước ao nuôi, cần có máy sục khí để tăng lượng oxy cho cá, do đây là loại cá ưa hoạt động ở tầng đáy. Bên cạnh đó mực nước cũng cần điều chỉnh theo hướng tăng dần, phù hợp với các giai đoạn phát triển của cá. 

Hiện nay, chúng ta đã dần quen với khái niệm nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có quản lý chất lượng nước ao nuôi bằng các thiết bị cảm biến tự động. Các yếu tố thuỷ lý, thuỷ hoá của nước ao như nhiệt độ nước, pH, độ trong, độ mặn sẽ được máy thu thập thường xuyên và gửi về máy chủ, từ đó đề xuất phương thức điều chỉnh phù hợp. Người quản lý chỉ cần bấm nút ra lệnh ngay trên điện thoại smartphone của mình. 

Ngoài ra, do cá bống mít có kích thước khá nhỏ, nên việc làm lưới bao quanh ao nuôi, cũng như kiểm soát không có cá tạp, cá dữ vào ao là rất quan trọng. Có nhiều loài địch hại săn bắt và ăn thịt cá bống mít như chim cồng cộc, rắn, cá rô phi, …nên người nuôi phải chắn lọc kỹ càng, nhất là ở những công đoạn thay nước. 

Phó Giáo sư Lê Nguyễn Đoan Khôi, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học, Đại học Cần Thơ cho biết: Công trình nghiên cứu về cá bống mít của nhóm tác giả Đinh Minh Quang đã đạt giải cao trong cuộc thi “Nghiên cứu khoa học trẻ Trường Đại học Cần Thơ năm 2017” vừa qua.

Đây cũng là đề tài được trường chọn để tham dự cuộc thi Nghiên cứu khoa học trẻ toàn quốc năm 2017. 

Do đề tài mang tính ứng dụng và tính kinh tế cao, nên trong thời gian tới, nhà trường sẽ có phương án phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cần Thơ đưa vào ứng dụng rộng rãi hơn nữa, gia tăng việc làm và thu nhập cho nông dân địa phương./.