'Báu vật' chè hoa vàng giúp nông dân giàu lên
- Chủ nhật - 02/07/2017 21:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Năm 2012, đoàn nghiên cứu về sinh học của Nhật Bản đã phát hiện cây chè hoa vàng ở H.Quế Phong và công bố những thông tin, giá trị khoa học của loại cây này. Tại H.Quế Phong, cây chè hoa vàng chỉ mọc ở một số ít địa bàn, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã Thông Thụ và Đồng Văn.
Thương lái ngay sau đó tìm đến các bản, thu mua thân, rễ, lá chè hoa vàng với giá cao để bán sang Trung Quốc. Nhiều người dân đã vào rừng săn lùng cây này mang về bán.
Ông Lang Văn Minh, Phó chủ tịch UBND H.Quế Phong cho biết, huyện đã yêu cầu UBND các xã, các chủ rừng và đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không vào rừng đào gốc, chặt phá cây chè hoa vàng để bán.
UBND huyện giao các xã tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, kịp thời ngăn chặn, nhắc nhở và xử lý nghiêm những người mua bán bán gốc, cây chè hoa vàng, đồng thời vận động, khuyến khích và hỗ trợ người dân trồng, chăm sóc cây này để phát triển kinh tế gia đình.
Cơ hội làm giàu
Năm 2016, UBND H.Quế Phong xây dựng đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có cây chè hoa vàng. Mục tiêu của huyện là đến năm 2020 trồng được 5 ha cây chè hoa vàng. Theo ông Minh, lãnh đạo huyện đang kỳ vọng đây sẽ là cây xóa nghèo cho dân bản và tạo cơ hội cho nhiều người làm giàu.
Tại xã Đồng Văn, Sở KH-CN Nghệ An đã xây dựng vườn ươm cây chè hoa vàng ở khu vực lòng hồ Thủy điện Hủa Na, với kỳ vọng sẽ tạo nguồn cây giống cung cấp cho người dân.
Trong khi đó, ông Lô Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND xã Thông Thụ cho biết, việc phát triển cây chè hoa vàng đã trở thành nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xã cũng đã cho người dân ký cam kết không phá hoại cây chè hoa vàng ngoài tự nhiên, coi đây là cây đặc sản quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng cho địa phương, phải giữ gìn để phát triển.
Ông Lô Văn Sinh (ngụ tại bản Hủa Na 1, xã thông Thụ) là người đang sở hữu vườn chè hoa vàng với hơn 1.000 cây. Theo ông Sinh, năm 2012 gia đình ông cùng 46 hộ trong bản được đưa đi tái định cư để nhường đất cho thủy điện Hủa Na. Thời điểm đó, thông tin về cây chè hoa vàng được công bố rộng rãi. Ông không ngờ thứ cây thấp lè tè, có hoa vàng ánh kim hay gặp khi đi rừng, lâu nay dân bản chỉ biết lấy lá non về nấu canh đắng lại có giá trị đến thế.
Ông Sinh liên tục vào rừng tìm những cây chè con đem về trồng và sau 5 năm đã có được vườn chè hoa vàng lớn nhất huyện. Từ năm 2016, vườn chè hoa vàng của ông đã bắt đầu cho thu hoạch.
Theo ông Sầm Văn Hưng, Phó phòng Nông nghiệp H.Quế Phong, trên thị trường, 1 kg chè hoa vàng khô hiện có giá từ 2 - 3 triệu đồng, chè đã qua chế biến có thể lên tới 12 triệu đồng/1 kg. Nhiều hộ dân địa phương đang học theo mô hình trồng chè hoa vàng của ông Sinh.
Theo các tài liệu khoa học, chè hoa vàng là cây thân gỗ nhỏ, cao 2 - 5 m, ra hoa màu vàng từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Đây là dược liệu chứa hơn 400 thành phần dinh dưỡng trong tự nhiên, nổi bật là Vitamin B1, B2 và Vitamin C. Chè hoa vàng có tác dụng trong phòng chống ung thư, ức chế sinh trưởng của các tế bào ung thư, tăng số lượng các tế bào chống ung thư và các tác dụng trong chữa cao huyết áp, mỡ và đường trong máu cao, điều tiết lưu lượng máu ngăn ngừa xơ vữa động mạch; chống viêm, giải độc gan và làm đẹp. |
K.HOAN-T.ĐÔNG/ Thanh niên