Bến Tre: Thực trạng và một số giải pháp thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản

Bến Tre: Thực trạng và một số giải pháp thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản
Bến Tre với đặc điểm tự nhiên hình thành nên 3 vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn; với đa dạng các sản phẩm đặc thù như dừa, cây ăn trái, bò, heo (lợn), tôm biển,…

Diện tích dừa 71.460 ha, đang cho trái 64.647 ha, cho sản lượng 569.725.000 trái/năm, với khoảng 10% diện tích là dừa uống nước. Diện tích cây ăn trái 28.283 ha, đang cho trái 21.282 ha, cho sản lượng 292.337 tấn/năm (số liệu thống kê 2017). Trong đó, có 4 loại cây ăn trái chủ lực gồm bưởi Da xanh chiếm 29,3% diện tích, chôm chôm 19,3%, nhãn 9,5% và sầu riêng 7,3%.

Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung tuyên truyền, vận động thành lập các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), tạo điều kiện liên kết nông dân với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 840 THT và 95 HTX theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP; chuỗi giá trị sản phẩm dừa, bưởi da xanh, nhãn được hình thành và có chiều hướng phát triển tốt.

Để chuỗi các sản phẩm này được hoàn thiện, việc truy xuất nguồn gốc nông sản đã và đang được triển khai nhanh chóng và được xem là xu thế tất yếu để phát triển chuỗi giá trị bền vững. Bởi những giải pháp và tiện ích mà nó mang lại là rất lớn không chỉ đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất mà còn là một trong những giải pháp giúp nông sản Việt khẳng định được tên tuổi, chất lượng sản phẩm trước sức ép hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay.

Đứng từ góc độ người tiêu dùng, ủng hộ sản phẩm dán tem truy xuất nguồn gốc là cách bảo vệ quyền lợi của chính mình. Bởi khi người tiêu dùng đòi hỏi và sẵn sàng chi nhiều hơn cho những sản phẩm an toàn, chất lượng thì doanh nghiệp sẽ chủ động sản xuất “an toàn, sạch” để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nắm bắt được xu thế này, đã có những doanh nghiệp chuỗi giá trị dừa bước đầu xây dựng cho mình bộ truy xuất hàng hóa, đặc biệt là các hàng hóa nông sản theo một số các tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm như Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới; Công ty CP chế biến dừa Á Châu; Công ty CP XNK Bến Tre; Công ty XNK Toàn Cầu trái cây tươi; Công ty TNHH Nga Phú Thịnh và công ty TNHH Hào Quang; đối với cây ăn trái có công ty XNK trái cây Chánh Thu... Các doanh nghiệp này hướng đến không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn nỗ lực để có thể chinh phục thị trường quốc tế vốn có đòi hỏi cao và nghiêm ngặt về các chuẩn mực chất lượng.

Thêm vào đó, Tập đoàn bưu chính viễn thông VNPT Bến Tre được sự phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện đề tài: Xây dựng và ứng dụng các giải pháp quản lý truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre như bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, chôm chôm, nhãn và hoa kiểng. Mục tiêu đề tài là xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử sử dụng mã QR cho các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh và thử nghiệm ứng dụng hệ thống tem truy xuất nguồn gốc điện tử. Trong đó, có các doanh nghiệp đăng ký tham gia đề tài về truy xuất nguồn gốc sản phẩm bưởi da xanh: Cơ sở Hương Miền Tây, HTX bưởi da xanh Bến Tre, Mỹ Thành An, Lương Phú và Giồng Trôm; các doanh nghiệp về sản phẩm dừa xiêm xanh: Công ty TNHH XNK MêKong, Cơ sở chế biến dừa Ba Đốt và Công ty TNHH Thuận Thành; Doanh nghiệp về sản phẩm trái cây có Hợp tác xã DVTM Nông sản an toàn Bến Tre.

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo "Nâng cao chất lượng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP và kết nối cung cầu hàng hóa giữa Bến Tre và các tỉnh, thành phố"

 

Từ thực tế nêu trên, để tạo sự chuyển biến cho truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông sản chủ lực của Bến Tre trong xu thế hội nhập và cạnh tranh, tỉnh đã có những sách lược riêng. Trong đó yếu tố sản xuất an toàn, bền vững, xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị chủ lực hướng tới xây dựng thương hiệu, truy xuất được nguồn gốc nông sản đã được Ngành Nông nghiệp tỉnh quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức như:

-Tổ chức nông dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nâng cao năng lực, trình độ tổ chức, phát triển sản xuất các sản phẩm đặt trưng tại địa phương; 

- Liên kết nông dân từ những nông hộ sản xuất nhỏ lẻ, tự phát thành các nhóm sản xuất tương đối đồng nhất (câu lạc bộ, tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã…). Sự liên kết này giúp nông dân có cơ hội tốt trong việc chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cũng như tiếp cận thị trường. Nông dân trở nên gắn bó, đồng cảm, có trách nhiệm với nhau hơn trong sản xuất, từ đó tạo nên sức mạnh cộng đồng, nâng cao năng lực ứng phó với những bất lợi trong sản xuất; 

- Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi trong việc chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là việc ứng dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) hữu cơ cho từng loại nông sản; 

- Tạo vùng sản xuất hàng hóa ổn định, đồng nhất, qua đó thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp thu mua, chế biến. Sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản là điều kiện tiên quyết trong việc hình thành và nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị; từ đó giúp sản xuất được bền vững, thu nhập nông dân được ổn định và không ngừng cải thiện.

Thời gian tới, việc xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản của Bến Tre chắc chắn sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Để đạt được thành công đòi hỏi sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp, các ngành, sự vào cuộc quyết tâm, mạnh mẽ của toàn xã hội./.

Lê Đình Tấn Tài

Trung tâm Khuyến nông Bến Tre/ Khuyến nông VN