Bệnh khảm lá sắn đang hoành hành và lan rộng
- Thứ ba - 16/10/2018 22:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong số khoảng 12.000ha sắn trên toàn tỉnh, đã có khoảng 1.200ha bị nhiễm bệnh khảm lá và có chiều hướng lan rộng khiến người trồng mì lo lắng, nhiều diện tích phải nhổ bỏ.
Nhiều hộ mất trắng
Gặp ông Nguyễn Thành Bích, ở xã Long Hà, huyện Phú Riềng, Bình Phước, ông cho biết, năm nay năng suất rẫy sắn của gia đình ông chỉ bằng khoảng 1/3 năm trước, tức khoảng 4 tấn/ha, vì sắn bị nhiễm bệnh khảm lá nặng. Nhưng may là ông không mất trắng, vì sắn đã vào giai đoạn trưởng thành, nên vớt vát được. Với diện tích 10ha sắn trồng xen trong cao su mới trồng, vụ năm nay, gia đình ông Bích dự kiến chỉ thu về tầm 40 tấn củ. Sản lượng trên theo tính toán của gia đình ông Bích không đủ bù chi phí.
Ông Nguyễn Thành Bích bên rẫy khoai mì bị bệnh khảm lá |
Đầu năm nay, chị Thị Kim Thủy, ngụ xã An Khương, huyện Hớn Quản, mua giống về trồng 1ha mì. Dày công chăm bón nên vườn mì phát triển tốt hứa hẹn năng suất cao. Tuy nhiên, đùng một cái lá cây mì ngả màu vàng, khô héo, chị chạy đôn chạy đáo tìm cách cứu chữa nhưng đâu lại vào đó. “Gần tới vụ thu nhưng bệnh khảm lá không thuyên giảm nên chắc vụ này tôi lỗ nặng, thu không đủ bù chi rồi”, chị Thủy nói.
Với phương châm còn nước còn tát, ông Trần Ngọc Ký, ở xã An Khương, Hớn Quản, cũng đang loay hoay đủ đường để cứu vãn vườn mì 4ha của gia đình và đây là năm đầu tiên vườn mì bị bệnh này. Ông Ký đang khoanh vùng diện tích bị bệnh để tập trung xịt thuốc trừ bọ phấn trắng truyền bệnh. “Mì trồng ở vùng đất này cho năng suất cao, mắc bệnh khảm lá lần đầu tiên. Do bệnh bất ngờ và lây lan nhanh nên gia đình không kịp trở tay. Cũng không loại trừ việc bệnh lây lan từ mua hom mì ở các địa phương bùng phát bệnh này trước đó”, ông Ký nhận định.
Còn anh Đỗ Chí Công, ở thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, thuê 10ha với giá 5 triệu đồng/ha để trồng mì, ngoài ra, chi phí cày ủi, mua giống và trồng hết 16 triệu đồng nữa. Hai tháng trở lại đây, cây mì xoăn lá và có nhiều đốm vàng, chậm phát triển. Được khuyến cáo, anh mua thuốc xịt tốn gần 15 triệu nữa nhưng vẫn không cải thiện bao nhiêu. “Hiện bệnh khảm lá đã lan gần hết vườn mì rồi. Có lẽ năm nay tôi trắng tay. Cái khó là không xác định được bệnh lây lan qua con đường nào”, anh than.
Với hơn 3ha mì khảm lá, anh Lê Thành Kiên (ngụ xã Bình Tân, huyện Phú Riềng) đang hối hả phun thuốc nhằm hạn chế diện tích lây lan và đang suy tính sẽ chuyển đổi sang trồng loại cây mới. “Hiện bệnh này chưa có thuốc trị nên các hộ dân chúng tôi gặp khó khăn trong trị bệnh. Vườn mì nhiễm bệnh đã gần hết nên vụ này không có ăn. Do đất đã nhiễm bệnh nên sau vụ này, gia đình sẽ tìm loại cây mới phù hợp để trồng thay thế”, anh Kiên nói.
Người dân ở xã An Khương, huyện Hớn Quản cho biết, do đầu mùa khan giống mì tại chỗ, giá tăng gấp hơn 2 lần, từ 20.000 - 30.000 đồng/bó lên 50.000 - 70.000 đồng/bó, nên thương lái nhập hom giống từ nơi khác về bán giá thấp hơn. Và có thể hom nhập từ nơi khác mang theo mầm bệnh.
Rẫy sắn của gia đình chị Thị Kim Thủy, ngụ xã An Khương, huyện Hớn Quản |
Nhiều giải pháp quyết liệt
Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, bệnh khảm lá sắn có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV), bệnh lan truyền qua môi giới là bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) và qua hom giống lấy từ cây bị bệnh, đây là bệnh rất nguy hiểm và khó phòng trừ. Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá, mức độ hại nhẹ là không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng làm cho lá xoăn, cong queo, nhăn nhúm.
Hom giống lấy từ cây sắn bị bệnh khi mọc mầm sẽ biểu hiện bệnh ngay và không cho thu hoạch; khi cây sắn còn non bị nhiễm virus cũng không cho thu hoạch; cây sắn đã lớn mới nhiễm virus vẫn biểu hiện bệnh nhưng nhẹ hơn, làm năng suất, chất lượng giảm rất lớn. Bệnh khảm lá sắn đã gây hại nặng trên cây sắn tại Campuchia, lây lan sang Lào và Việt Nam. Bệnh gây hại nặng nhất cho giống HL-S11, là giống sắn cho lượng tinh bột cao nhất hiện nay.
“So với các địa phương khác thì diện tích khoai mì của Bình Phước không lớn, số diện tích bị bệnh khoảng 10%. Theo báo cáo, huyện Chơn Thành có 251ha thì 244ha nhiễm bệnh, chiếm 97,2%, trong đó nhiễm nặng là 223,5ha; huyện Phú Riềng có 90,5ha nhiễm 100%, trong đó 47,6ha nhiễm nặng, chiếm 53%. Còn các địa phương khác như Hớn Quản, Lộc Ninh, Đồng Phú… cũng bị bệnh khảm lá, nhưng chưa có báo cáo số liệu cụ thể. Tuy nhiên, đa số diện tích mì nhiễm bệnh đều đã trưởng thành, nghĩa là vẫn thu hoạch được, mặc dù năng suất không cao”, bà Tuyết nói.
Bà Tuyết cho biết, để hạn chế thấp nhất thiệt hại từ bệnh khảm lá sắn, Sở NN-PTNT đã có công văn chỉ đạo quyết liệt, khuyến cáo và hướng dẫn người dân, phòng, điều trị bệnh.
Những rẫy sắn bị bệnh khảm lá ở Bình Phước |
Cụ thể, yêu cầu các địa phương kịp thời hướng dẫn nông dân khoanh vùng, phun thuốc trừ bọ phấn trắng, tiêu hủy nguồn bệnh triệt để, chuyển đổi sang cây trồng khác. Các hộ nông dân phải sử dụng hom giống có nguồn gốc, phun thuốc để tránh bùng phát và lây lan.
Đối với những huyện, thị đã phát hiện bệnh khảm lá sắn, phải thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá sắn ở cấp huyện, thị. Các phòng chuyên môn, UBND cấp xã và các cơ quan, tổ chức liên quan chủ động áp dụng các biện phòng chống bệnh khảm lá sắn theo hướng dẫn trong quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá sắn Cục Bảo vệ Thực vật đã ban hành; tuyên truyền người dân không trồng các giống sắn đã xác định nhiễm bệnh, nghiêm cấm mua bán, trồng giống sắn HLS-11, HLS-11, HLS-12, KM 419, KM 140, khuyến cáo sử dụng thay thế giống kháng nhiễm như KM94. Hướng dẫn nông dân phun thuốc BVTV có hoạt chất Dinotefura, Pymetrozine có tên thương mại Brimgol 200WP, Sagometro 50WG, Ikuzu 20WP, Longanchess 750WP để trừ bọ phấn trắng.
“Cây sắn trưởng thành có thể thu hoạch được thì để và áp dụng các biện pháp điều trị, còn những vườn sắn mới trồng mà bị bệnh thì không nên giữ, mà phải nhổ bỏ, trồng cây khác thay thế”, bà Tuyết nhấn mạnh.
Theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ Thực vật, đến cuối tháng 8/2018, diện tích sắn gieo trồng của cả nước là 124.918ha, trong đó diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá là 36.136ha. Trong đó Tây Ninh là tỉnh có diện tích sắn bị nhiễm bệnh lớn nhất với 32.520 ha (96%), trong đó có 14.982ha nhiễm nặng. Bệnh lây sang tỉnh Bình Dương là 1.640 ha (nhiễm nặng 881,5 ha). Bệnh được xác định gây hại nặng trên giống sắn HL-S11, hầu hết các diện tích bị nhiễm bệnh nặng đều phát bệnh từ khi cây mới mọc mầm. Nguyên nhân chính là giống sắn HL-S11 nhiễm bệnh nặng nhưng nông dân lại trồng nhiều do giống này cho năng suất và tinh bột cao; không kiểm soát được hom giống có mầm bệnh được buôn bán, di chuyển từ vùng này sang vùng khác. |