Bình Phước: Tái sử dụng phôi nấm đùi gà làm giá thể trồng nấm rơm
- Thứ năm - 12/03/2020 06:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Gia đình anh Lê Văn Việt ở xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú có diện tích khoảng 2 ha điều đang vào vụ thu hoạch. Thông qua cán bộ nông nghiệp của xã, anh được biết đến mô hình sử dụng phôi nấm đùi gà đã qua sử dụng làm giá thể cho việc sản xuất nấm rơm, anh đã mạnh dạn đầu tư. Liên hệ với Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Sinh vật He Quan có nhà máy chế biến nấm đùi gà tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, anh được Công ty hỗ trợ 2.000 phôi nấm đùi gà đã qua sử dụng để làm giá thể trồng nấm rơm, và hướng dẫn quy trình chăm sóc nấm mà không phải trả bất kỳ chi phí nào.
Với 2.000 phôi được hỗ trợ, anh đã tiến hành làm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Công ty. Qua 1 tháng trồng, anh thu hoạch lứa đầu tiên với năng suất không cao như kỳ vọng, đạt 90kg nấm/2.000 phôi. Với giá bán 70.000 đồng/1kg nấm, anh có thu nhập 5,6 triệu/tháng. Sau khi trừ chi phí meo giống, rơm hết 700.000 đồng, anh còn lãi gần 5 triệu đồng. Anh hồ hởi cho biết, đây thực sự là mô hình rất hiệu quả vì chỉ tận dụng diện tích đất sẵn có, chi phí đầu tư thấp, mau thu hồi vốn, ít tốn nhân công.
Vườn nấm rơm của anh Việt tại xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đang cho hiệu quả kinh tế.
Cũng như anh Việt, gia đình ông Hồng Phấn ở xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú đã đầu tư trồng 2.000 phôi nấm vụ đầu tiên. Ông Phấn thu hoạch hơn 70 kg nấm, với giá bán trung bình 70.000-80.000 đồng/kg. Số tiền thu về của gia đình ông đã đạt hơn 4 triệu đồng/tháng/vụ, là một khoản thu nhập không nhỏ đối với người nông dân. Theo ông Phấn cho biết: “Nấm rơm cũng rất dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên rất an toàn đối với người sử dụng cũng như nông dân sản xuất như chúng tôi. Sắp tới, tôi sẽ liên hệ với Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Sinh vật He Quan tiếp tục xin phôi nấm về trồng với quy mô lớn hơn”. Ngoài ra, phần nguyên liệu sau khi thu hoạch nấm còn được ông tái sử dụng cho việc trồng hoa kiểng, rau mầm và bón cho cây ăn trái,...
Theo bà Trần Thu Hà – Cán bộ của Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Sinh vật He Quan cho biết: “Thành công bước đầu của 2 hộ trồng nấm rơm nói trên về năng suất, chất lượng là rất tốt. Tuy nhiên, về đầu ra, chủ yếu các hộ này bán lẻ cho các chợ địa phương, không có thương lái thu mua hay hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Công ty xác định ban đầu hỗ trợ cho người dân làm quen với mô hình để nắm bắt kỹ thuật, sau đó phát triển rộng quy mô lẫn số hộ. Khi mô hình phát triển có sản lượng lớn và ổn định về mặt năng suất, Công ty tiến hành ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm và chuyển giao kỹ thuật cho các nông hộ có nhu cầu”.
Nguyễn Duy Sử
Trung tâm DVNN tỉnh Bình Phước/ http://www.khuyennongvn.gov.vn/