Bỏ gieo sạ cấy máy, người trồng lúa tăng lợi nhuận 4,5 triệu/ha
- Chủ nhật - 20/10/2019 10:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (viết tắt là VnSat), do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) thực hiện.
Mô hình cánh đồng lớn thâm canh trồng lúa và áp dụng cơ giới hoá đồng bộ ở xã Thạnh Đông A, Tân Hiệp, Kiên Giang. (ảnh: Đỗ Tuấn)
Nghịch lý ở vựa lúa
Theo TS Phạm Văn Tấn - Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (SIAEP), ĐBSCL có gần 2,8 triệu hộ làm nông nghiệp, hàng năm sản xuất khoảng 23-25 triệu tấn lúa, cung cấp tới 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước... nhưng số hộ có máy kéo và máy nông nghiệp còn khá thấp, bình quân 62 hộ mới có 1 máy kéo. Mặc dù cao hơn cả nước (1,16 HP/ha), song mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp ở ĐBSCL chỉ khoảng 2 HP/ha, trong khi Thái Lan đã đạt 4 HP/ha, Hàn Quốc 4,2 HP/ha, Ấn Độ và Trung Quốc trên 6 HP/ha.
Mức độ cơ giới hóa (CGH) trong sản xuất lúa ở ĐBSCL còn không đồng đều giữa các khâu. Cụ thể, khâu làm đất đạt khoảng 95% so với nhu cầu, bơm nước 95-100%; gieo sạ bán cơ giới và thu hoạch 70-75%; trong đó sử dụng máy gặt đập liên hợp (GĐLH) đạt khoảng 55-60%; sấy lúa 60-65%; bảo quản đúng yêu cầu kỹ thuật chỉ đạt khoảng 20%; xay xát lúa gạo đạt trên 95%.
Các đại biểu và bà con nông dân thăm mô hình CGH trong trồng lúa ở xã Thạnh Đông A, Tân Hiệp, Kiên Giang. (ảnh: Đỗ Tuấn)
Theo ông Tấn, hiện các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp ở ĐBSCL còn rất ít và yếu cả về công nghệ, thiết bị và nguồn nhân lực, chưa được tiêu chuẩn hoá và kiểm định chất lượng chặt chẽ. Bên cạnh đó, đến nay ĐBSCL cũng chưa có một trung tâm đào tạo và tập huấn sử dụng máy móc, thiết bị nông nghiệp.
Trong khi đó, theo Cục Trồng trọt, thực hiện CGH trong sản xuất lúa vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp tiên tiến trong canh tác lúa nói chung và canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu. Khâu làm đất tốt và bằng phẳng, xẻ rãnh đều sẽ giúp giảm lượng giống gieo sạ, dễ sử dụng các thiết bị phun thuốc BVTV, bón phân, thu hoạch…
Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, việc CGH sản xuất lúa của tỉnh cũng gặp nhiều bất lợi do hệ thống kênh nội đồng chưa đồng bộ, trình độ canh tác của nông dân còn lạc hậu, mật độ sạ cao, có nơi sạ tới 200 - 250kg lúa giống/ha, làm tăng áp lực sâu bệnh, tăng chi phí đầu tư và giảm phẩm chất lúa gạo.
Trước tình hình đó, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã xây dựng nhiều mô hình giảm lượng giống gieo sạ như nhân giống lúa cấp xác nhận tại nông hộ, mô hình “1 phải 5 giảm” mật độ sạ từ 80 – 100kg/ha, dự án cánh đồng mẫu lớn với mật độ sạ 120kg/ha; phối hợp thực hiện dự án khuyến nông quốc gia Trung ương với các mô hình sạ 80kg/ha, cấy máy, qua đó góp phần giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho người dân trồng lúa, giảm những tác động xấu đến môi trường…
Bỏ dần gieo sạ
Chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn, nông dân Nguyễn Thanh Vững, ấp 6, xã Vĩnh Viễn A (Long Mỹ, Hậu Giang) cho biết: “Vụ hè thu năm 2019, tôi tham gia dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng CGH đồng bộ trong sản xuất lúa” với diện tích 5ha. Mặc dù được dự án hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV và 1 máy cấy lúa, song khi mới thực hiện tôi vẫn rất lo lắng vì trước đây, tôi gieo sạ tới 150kg giống lúa/ha, nay phải giảm chỉ còn 50kg giống/ha, phải tuân thủ cấy lúa, bón phân, giảm phun thuốc BVTV, có sổ nhật ký ghi chép…”.
Với những lợi thế của lúa cấy so với lúa sạ, các địa phương cần khuyến cáo nhân rộng mô hình này. Đặc biệt, trong điều kiện vụ đông xuân 2019-2020 hạn mặn có thể xảy ra vào cuối vụ, nên cần tạo điều kiện để mở rộng diện tích cấy/cấy máy nhằm rút ngắn được thời gian sinh trưởng của lúa”. Ông Lê Thanh Tùng |
Tuy nhiên, trải qua thực tế sản xuất, ông Vững cho rằng: “Giá giống lúa hiện khá cao nên chỉ riêng việc giảm lượng giống đã giúp nông dân giảm đáng kể chi phí. Nhất là áp dụng kỹ thuật cấy máy, năng suất lúa đạt 5,76 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng sạ 200kg là 0,76 tấn/ha, lúa ít dịch bệnh, ít đổ ngã.
Chưa kể dự án cũng xây dựng tổ liên kết tiêu thụ nên giá bán lúa cũng cao hơn bán cho thương lái bên ngoài 500 đồng/kg. Vụ hè thu này, gia đình tôi thu được 13 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với nông dân trong vùng canh tác theo tập quán cũ”.
Theo Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang, áp dụng sản xuất lúa bằng phương pháp cấy cho lợi nhuận trên 10 triệu đồng/ha, cao hơn so với mô hình bên ngoài khi chỉ đạt lợi nhuận trên 4 triệu đồng/ha. Hiện, mô hình đã nhân rộng được gần 45ha, chiếm tỉ lệ trên 62% so với đầu tư ban đầu và tổ liên kết tiêu thụ cũng đã đầu tư thêm 1 máy cấy.
Nông dân đặt câu hỏi tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề “Cơ giới hóa trong sản xuất lúa”.
Ban cố vấn Diễn đàn gồm các chuyên gia nông nghiệp, nhà quản lý...
Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, từ năm 2017-2019 Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã triển khai dự án xây dựng mô hình “Cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng CGH đồng bộ trong sản xuất lúa ở phía Nam”, thực hiện tại 7 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bình Thuận, Tây Ninh, Hậu Giang.
Trong 3 năm triển khai, dự án đã xây dựng 18 mô hình cánh đồng lớn, mỗi mô hình hỗ trợ 50ha lúa cấy (năm 2019 là 72ha); hỗ trợ 1 máy cấy 4 bánh hoặc 2 máy cấy 2 bánh và 10 bình phun động cơ. Lúa trong mô hình áp dụng quy trình canh tác SRI (3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm).
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, mô hình đã giảm 70% lượng giống gieo sạ. Nhờ cấy thưa nên cây lúa sinh trưởng khỏe, ruộng lúa thông thoáng, giảm áp lực sâu bệnh, giảm phân bón, thuốc BVTV so với ruộng lúa sạ. Mặt khác, nhờ ít sâu bệnh nên lúa cấy như là một yếu tố thuận lợi để sản xuất lúa an toàn, lúa hữu cơ. Việc sử dụng máy cấy đã góp phần giảm nhân công, đảm bảo lịch thời vụ. Trung bình lợi nhuận của mô hình cao hơn đối chứng hơn 4,5 triệu đồng/ha.