Bỏ phố lên núi làm trang trại

Bỏ phố lên núi làm trang trại
Đang có cuộc sống khá giả tại thị trấn Hương Khê (Hương Khê - Hà Tĩnh), bất ngờ ông Phạm Quang Hùng cùng vợ gác lại chuyện kinh doanh, bỏ phố trở về quê nhà nhận đất rừng làm trang trại. Mang tiếng là “lão khùng”, sau 15 năm về núi, ông Hùng đã có trong tay cơ ngơi khiến nhiều người mơ ước.

Bỏ phố lên núi làm trang trạiSau gần 15 năm không quản khó khăn, cải tạo đất cằn, ông Hùng đã có gần 70ha trồng cam và rừng nguyên liệu

Làm giàu cho bản thân

Quê ở Hương Thủy, cùng với gia đình sớm chuyển đến thị trấn Hương Khê để kinh doanh, buôn bán, sau một thời gian, gia đình ông Hùng đã có cuộc sống tương đối sung túc, đủ đầy nơi phố thị. Tuy nhiên, sâu thẳm trong lòng, ông vẫn mong muốn được trở về làm ăn trên chính mảnh đất quê hương. Năm 2004, ông cùng vợ khăn gói lên đường về quê nhận đất rừng để làm mô hình kinh tế.

“Tôi nhận gần 50 ha đất rừng, lúc đó nhìn còn hoang sơ, cằn cỗi lắm, hơn nữa, đường sá đi lại rất khó khăn. Để có thể cải tạo được diện tích đất rừng này đòi hỏi vốn liếng nhiều, chúng tôi đã phải cầm cố tài sản, vay mượn thêm anh em, họ hàng và nguồn hỗ trợ từ các chính sách của tỉnh, của huyện. Tôi còn khai khẩn đất hoang, trồng thêm keo, tràm tại các vùng biên chắn gió cho cao su, nhờ đó, diện tích đất rừng của gia đình nay đã tăng lên gần 70 ha” - ông Hùng kể.

Bỏ phố lên núi làm trang trạiNhững gốc cam chanh bắt đầu cho quả trong vụ mới

Sau hơn 15 năm không quản nắng mưa, gian khó, vợ chồng ông đã có một cơ ngơi trù phú với hơn 16 ha đất trồng hơn 8.000 gốc cam, bưởi Phúc Trạch, hơn 40 ha trồng keo nguyên liệu. Ngoài ra, ông còn thả nuôi trên 50 con hươu, trên 100 con lợn rừng. Ước tính, mỗi năm, trang trại tổng hợp của ông cho thu nhập trên 3 tỷ đồng.

Với tư duy phát triển kinh tế bền vững, ông Hùng rất chú trọng việc áp dụng các tiến bộ KHKT để chống chọi với sự biến đổi ngày càng khó lường của khí hậu. Hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới bằng béc đã được gia đình ông ứng dụng cho vườn cây ăn quả hơn 3 năm nay.

Đặc biệt, một trong những nguyên tắc sản xuất của gia đình ông Hùng là sản phẩm làm ra từ trang trại tới bàn ăn phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông rất hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt khi cây đến thời kỳ cho quả, ông chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học do dân gian truyền lại.

Góp sức cho quê hương

Theo Bí thư Đảng ủy xã Hương Thủy Nguyễn Văn Phú: Ông Hùng là một người táo bạo, nhanh nhạy với thị trường nên mô hình trang trại của ông đạt hiệu quả rất lớn, vừa giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, vừa khích lệ phong trào phát triển kinh tế trên địa bàn. Ngoài ra, ông Hùng còn rất quan tâm, tài trợ các phong trào chung của thôn, xóm.

Được biết, hiện nay, đối với diện tích trồng keo, trang trại của ông Hùng sử dụng trên 22 lao động địa phương với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/ người/tháng.

Ngoài ra, với kinh nghiệm nhiều năm trồng cây ăn quả và chăn nuôi, ông còn trực tiếp đến tận các hộ để tư vấn kỹ thuật, tạo điều kiện cho người dân tận dụng được diện tích đất rừng để phát triển kinh tế.

Bỏ phố lên núi làm trang trạiNgoài trồng cam, rừng nguyên liệu, ông Hùng còn nuôi hươu, lợn rừng mang lại thu nhập cao

Theo ông Phạm Quang Hùng, mục đích quan trọng nhất khi mình đến tư vấn cho họ chính là tạo động lực, khích lệ họ làm ăn. Bởi họ thấy mô hình của mình đang rất hiệu quả, người thật, việc thật, khi mình đến tư vấn, hỗ trợ, họ sẽ quyết tâm hơn.

Khi đã có của ăn của để, ông Hùng lại không quên những phận đời khó khăn trong làng, trong xã. Được biết, trung bình mỗi năm, ông đều trích trên 10 triệu đồng để làm quà hỗ trợ một số gia đình khó khăn, người già neo đơn, nhất là vào những dịp tết đến, xuân về.

“Sau 15 năm vật lộn với đất rừng, dù đã có được những quả ngọt, song tôi vẫn chưa khép kín mô hình như mong muốn. Điều này khiến cho mình chưa thể bằng lòng mà phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa” - ông Phạm Quang Hùng chia sẻ.

Tác giả bài viết: Phúc Quang

Nguồn tin: baohatinh.vn