Bộ trưởng Bộ NNPTNT đối thoại với gần 70 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
- Chủ nhật - 04/12/2016 21:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Buổi đối thoại được thực hiện với sự phối hợp của Bộ NNPTNT và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Tham dự buổi đối thoại có đại diện nhiều tên tuổi lớn trong ngành như TH true Milk, Dabaco, Ba Huân, Minh Phú, VinEco, Việt - Úc, Intermex, PAN Group, Doverco, Nafoods, Hòa Phát…
Đối thoại tìm hướng đi cho nông nghiệp
Tuy gọi là đối thoại, song những người có mặt tại buổi gặp gỡ này như cảm nhận thấy đó là một cuộc trò chuyện cởi mở, cùng nhau tìm ra giải pháp tháo gỡ cho câu chuyện đầu tư vào nông nghiệp hiện nay giữa vị tư lệnh của ngành nông nghiệp là Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và các DN đầu tư vào nông nghiệp. Theo đó, dưới (DN) hiến kế cho trên (nhà nước), trên lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của dưới để có những giải pháp điều chỉnh cụ thể.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc ký kết thoả thuận hợp tác về việc hợp tác để cùng thúc đẩy hoạt động đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đỗ Thường
Là DN chuyên sản xuất, chế biến nông sản, ông Đinh Cao Khuê – Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) kiến nghị: “Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho các DN chế biến nông sản khi đầu tư xây dựng nhà máy, mua sắm máy móc, thiết bị hoặc phát triển giống cây trồng nguồn vốn vay với lãi suất thấp khoảng 5% và thời gian cho vay đầu tư tối thiểu khoảng 12 năm, đồng thời mở ra và tạo điều kiện cho các DN chế biến nông sản cơ chế vay vốn tín chấp”.
Đến đây, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cắt ngang hỏi: “Hiện công ty của anh Khuê đang phải vay với lãi suất bao nhiêu?”. “8-10% thưa Bộ trưởng”- ông Khuê trả lời. “Vậy đó là cao hay thấp?”- Bộ trưởng Cường hỏi tiếp. Nghe đến đây tất cả các DN có mặt tại buổi đối thoại đều đồng thành nói: Đó là mức lãi suất quá cao.
Trước kiến nghị trên, Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường ghi nhận ý kiến của các DN và cho biết sẽ làm việc cụ thể với các bộ, ngành liên quan.
Được chia sẻ với Bộ trưởng NNPTNT về câu chuyện đầu tư vào nông nghiệp, bà Phạm Thị Huân - Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân chia sẻ: “Có thời điểm công ty chúng tôi đối mặt với rất nhiều khó khăn, đến nỗi nhiều người tưởng công ty sẽ phá sản. Có lúc tôi cũng thoáng nghĩ đến việc bỏ cuộc. Tuy nhiên, khi nghĩ tới nông dân, tôi có thêm sức mạnh và động lực để vượt qua khó khăn, tiến lên phía trước. Nếu để nông dân làm cho các tập đoàn đầu tư nước ngoài, họ sẽ rất vất vả. Vậy nên, bên cạnh các chính sách hỗ trợ DN phát triển, các bộ, ngành cần có những chính sách hỗ trợ nông dân hiệu quả hơn nữa để họ phát triển bền vững”.
Bà Huân cũng chia sẻ thật: “Nhiều người hỏi tôi có tuổi rồi, vì sao vẫn còn ham làm đến thế?. Tôi chỉ nghĩ rằng, mình xuất thân là nông dân, việc của mình là cùng giúp nông dân làm giàu, tăng thu nhập, nên tôi mới làm. Tôi mong Bộ trưởng có nhiều kế sách giúp nông dân làm giàu, chứ nói thực giờ họ làm ra nhiều, mà thu nhập chẳng được bao nhiêu?”.
Sau khi nghe bà Huân chia sẻ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hoan nghênh đóng góp của bà cho ngành nông nghiệp và vì nông dân, đồng thời ông khẳng định, chính vì những vướng mắc trên, Bộ NNPTNT và VCCI mới tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp để lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Tăng cơ hội hợp tác, đầu tư
Không chỉ đơn thuần giới hạn của một cuộc hội thảo hay diễn đàn như thường lệ, buổi đối thoại của Bộ trưởng NNPTNT với 70 ND, còn là dịp để chính các DN được trao đổi với nhau, được chia sẻ cùng nhau những khao khát, những câu chuyện đầu tư vào nông nghiệp. Bởi thế, giờ giải lao của buổi đối thoại cũng được “thiết kế” dài hơn, để các DN thực hiện điều đó.
Trong thời gian giải lao, chúng tôi luôn bắt gặp hình ảnh các doanh nhân “tả xung hữu đột” trao cho nhau những tấm “card” (danh thiếp), rồi xin nhau số điện thoại, giới thiệu về những dự án mà mình đang triển khai. Bà Thái Hương- Chủ tịch Tập đoàn TH với nhãn sữa TH true Milk luôn xuất hiện với hình ảnh như thế. Vốn đam mê với nông nghiệp, nên hễ nghe ai nói đến câu chuyện về đất đai, trồng trọt, là bà “lao” tới để trò chuyện và hẹn sẽ gặp riêng để trao đổi sâu hơn.
Tuy là một tập đoàn đa ngành, nhưng nếu nói về làm nông nghiệp, Vingroup vẫn còn đi sau rất nhiều tên tuổi. Cũng bởi thế, mặc dù đã đầu tư công nghệ siêu hiện đại vào sản xuất rau an toàn, nhưng tranh thủ giờ giải lao, bà Vũ Tuyết Hằng - Giám đốc Công ty VinEco, đại diện cho Tập đoàn Vingroup cũng tranh thủ gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, cũng như các DN khác để giải bài toán phòng trừ dịch bệnh an toàn cho rau.
Đến với buổi đối thoại này còn có nhiều DN… xây dựng như trường hợp của Tập đoàn GFS. Vốn là một DN xây dựng, nhưng lãnh đạo GFS đang có ý định triển khai 3 dự án đầu tư vào nông nghiệp, đó là dự án thực phẩm cao cấp; dự án trồng cây dược liệu và dự án sản xuất phân bón vi sinh, hữu cơ. “Tập đoàn đang xúc tiến tìm đất tại Ba Vì, Đan Phượng, Mê Linh của Hà Nội cũng như các địa phương khác để thực hiện các dự án nông nghiệp”- ông Nguyễn Hữu Điệp - Phó Chủ tịch Tập đoàn GFS tiết lộ.
Còn rất, rất nhiều câu chuyện được các doanh nhân chia sẻ về câu chuyện đầu tư vào nông nghiệp hiện nay như việc nâng cao giá trị, thương hiệu của cây cà phê Việt, là câu chuyện về đầu tư vào con tôm, cá tra hay tìm cơ hội ở ngành chăn nuôi lợn, gia cầm, sản xuất giống lúa, cây trồng, mà nói như ông Trần Mạnh Báo - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình: “Những doanh nhân đầu tư vào nông nghiệp là những người yêu nước nhất, bởi mục đích của chúng tôi không đơn thuần là lợi nhuận, mà mong muốn được cùng người nông dân vươn lên thoát nghèo, tăng thu nhập, làm giàu!”.
Sau trọn một ngày lắng nghe, trò chuyện cùng các DN, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang nền sản xuất hàng hóa tập trung đã có những kết quả bước đầu. Nhiều ngành như: Sữa, thủy sản, chăn nuôi đã “tiệm cận” công nghệ hàng đầu thế giới. Đặc biệt, vài năm gần đây, số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp gia tăng, trong đó có nhiều DN, Tập đoàn lớn như: TH, Dabaco, Vingroup, Hòa Phát… Riêng năm 2016, có gần 1.500 DN đầu tư vào nông nghiệp.
“Chính phủ luôn quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư và khuyến khích các DN đầu tư vào nông nghiệp một cách bài bản, hình thành các chuỗi giá trị. Trong đó, các chính sách ưu đãi đầu tư thời gian tới sẽ mang tính đột phá và sát với thực tiễn để thu hút DN” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Sẽ có đột phá về chính sách đầu tư vào nông nghiệp “Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các ngành tập trung trong thời gian ngắn nghiên cứu, chỉnh sửa Nghị định 210 về thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, tập trung vào chính sách ưu tiên DN đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ sạch. Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ NNPTNT đang phối hợp các bộ, ngành liên quan trong một thời gian ngắn sẽ chỉnh sửa, tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định mới. Bên cạnh đó, những “nút thắt” khác như: Đất đai, tín dụng và ngân hàng, ngành nông nghiệp cũng đang phối hợp với các bộ ngành liên quan để ban hành những chính sách mang tính đột phá, tích cực và sát với thực tiễn để thu hút doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp”. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường |