Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp giải thích điều giúp người dân thu 6.000 tỷ đồng sau một vụ vải

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp giải thích điều giúp người dân thu 6.000 tỷ đồng sau một vụ vải
Ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, 30-40% trong số các hợp tác xã chuyển đổi từ mô hình cũ đang hoạt động tốt. Ở Bắc Giang, HTX Đông Xuân bội thu đến 6.000 tỷ đồng.

Sáng 18/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 98 của Chính phủ về chính sách liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và quyết định số 461 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp có hiệu quả. 

Mục tiêu thành lập 15.000 hợp tác xã là khả thi

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, con số 15.000 HTX hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 là mục tiêu khả thi. Hiện tại, cả nước đã có 12.000 HTX. Chương trình tổ chức, phối hợp hành động để hình thành các HTX mới cũng đã có và đang được triển khai.

"Một là phải củng cố 6.400 HTX vừa có, nhưng còn yếu, cần nâng cấp để mạnh lên. Chỉ tiêu thứ hai là thành lập 5.200 HTX đúng nghĩa kiểu mới đưa ra đầu năm 2018. Tốc độ triển khai của các tỉnh cũng rất nhanh, từ đầu năm đến nay đã thành lập 1.400 HTX. Do đó, mục tiêu thành lập thêm 5.200 HTX đến năm 2020 có thể thành hiện thực" – ông Nguyễn Xuân Cường nói.

Điều quan trọng được nhấn mạnh là phải nâng cao chất lượng của các HTX. 15.000 HTX phải trở thành hạt nhân để liên kết với các doanh nghiệp, tạo thành hệ thống, chuỗi khép kín. Chuỗi này bao gồm cả khu vực tổ chức sản xuất, vùng nguyên liệu… để nâng cao chuối giá trị ngành hàng nông nghiệp, tạo điều kiện tham gia hội nhập quốc tế, đưa nông sản Việt Nam đi quốc tế và phục vụ tốt cho thị trường gần 100 triệu dân trong nước.

Tuy nhiên, 70-80% trong tổng số 12.000 HTX hiện nay được chuyển đổi từ mô hình cũ. Quá nửa số HTX hiện nay cũng đang không hoạt động hiệu quả. Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, việc xây dựng HTX đi cùng với thay đổi tư duy quản trị. Do đó, sẽ không thể kỳ vọng vào kết quả nhanh "trong một sớm, một chiều". Mặc dù vậy, sự thay đổi là có và đáng ghi nhận. "30-40% HTX chuyển đổi từ mô hình cũ hoạt động khá và được" – ông Nguyễn Xuân Cường nói.

Dẫn chứng cho nhận định này, Bộ trưởng nêu lên 2 ví dụ tại Bắc Giang và Hưng Yên. HTX  Đồng Xuân (Bắc Giang) vừa có một vụ vải bội thu với tổng giá trị hàng hóa lên đến 6.000 tỷ đồng. Giá vải cao gấp đôi trung bình và tiêu thụ rất nhanh. Ở Hưng Yên, HTX Lê Châu, quy mô trồng nhãn là 20ha và không đủ hàng bán, giá cao gấp rưỡi.

Tránh chạy theo thành tích

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ NNPTNT ban hành thêm chính sách, kế hoạch về đào tạo nghề cho nông dân. Nếu phát triển đồng bộ các HTX thì sẽ nâng cao được chuỗi giá trị xuất khẩu lên 50-60 tỷ USD trong những năm tới. Mặt khác, Bộ cần hoàn thiện chính sách tạo điều kiện cho hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi hơn. Vấn đề tiếp cận vốn cũng là nội dung được đại diện các tỉnh nêu lên. 

Trình bày về vấn đề này, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, cam kết ưu tiên của cơ quan này đối với vốn vay dành cho lĩnh vực nông nghiệp. Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được Ngân hàng Nhà nước nhiều lần xin ý kiến nhằm hoàn thiện những vấn đề liên qua tới nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đưa ra những khái niệm về liên kết , theo chuỗi giá trị... Đơn vị này đã trình lên Chính phủ để xem xét sớm ban hành.

Hiện nay, một kế hoạch phát triển HTX công nghệ cao đến 2020 đã được Bộ NNPTNT đưa ra. 1.500 HTX công nghệ cao, chiếm 10% tổng số HTX là mục tiêu thực hiện.

 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp giải thích điều giúp người dân thu 6.000 tỷ đồng sau một vụ vải - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vương Định Huệ phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, không xây dựng HTX theo kiểu "chạy theo thành tích". Khi đưa tiêu chí có HTX hoạt động hiệu quả vào chương trình nông thôn mới đã có những lo ngại đối với hoạt động của địa phương.

"Ở đâu quan tâm, HTX phát triển. Chỗ nào lơ là, không chăm lo, HTX không thể phát triển. Một mặt tránh chuyện hành chính cưỡng ép, một mặt phải khắc phục chuyện chạy theo thành tích. Tiêu chí xét nông thôn mới bây giờ là phải có 1 HTX đang hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, nên phải khắc phục tình trạng đưa vào cho được xét nông thôn mới. Vấn đề quan trọng không phải là có hay không có, mà phải là hoạt động hiệu quả. Không chạy theo thành tích, không đưa vào để lấy thành tích" – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Theo Trí thức trẻ