Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Kiểm soát chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Kiểm soát chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Mỗi năm, Việt Nam sử dụng khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, trong đó, thuốc trừ cỏ đang chiếm một tỷ lệ lớn. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chia sẻ với phóng viên báo Tin tức về các giải pháp để giảm nhanh việc sử dụng các nhóm thuốc bảo vệ thực vật gốc độc trong nông nghiệp.
Xin Bộ trưởng cho biết về tình trạng buôn lậu cũng như sử dụng thuộc bảo vệ thực vật (BTVT) hiện nay đang diễn ra như thế nào?
 
Mỗi năm, Việt Nam sử dụng khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, việc kiểm soát các loại thuốc BVTV cũng như sử dụng thuốc BVTV đúng cách là một trong những nhóm giải pháp quan trọng.
 
Bởi, nếu không chú trọng về quản lý thuốc BVTV  sẽ có nhiều mặt tác hại.
 
Thứ nhất, gây mất uy tín với nông sản, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Thứ hai, ảnh hưởng đến sức khỏe của đối tượng tham gia sản xuất chính là người nông dân. Thứ 3 là gây suy thoái môi trường, suy giảm hệ sinh thái. 

Trách nhiệm của ngành nông nghiệp là tạo ra sản phẩm nông sản xuất khẩu an toàn phục vụ cho 93 triệu dân và hướng đến xuất khẩu. Do đó, công tác quản lý thuốc BVTV cần được coi trọng. 
 
Hiện mỗi năm, Việt Nam sử dụng khoảng 100.000 tấn thuốc BVTV trong nông nghiệp. Vừa qua, ngành nông nghiệp đã rà soát và loại bỏ được hơn 1.000 sản phẩm thuốc BVTV, nhưng vẫn cần phải giảm tiếp.

Theo đó, cần phải giảm các nhóm thuốc gốc độc. Đặc biệt, phải tiếp tục rà soát, giảm nhanh thuốc trừ cỏ, vì thuốc này đang chiếm một tỷ lệ lớn trong cơ cấu 100.000 tấn thuốc BVTV sử dụng hàng năm. Đây cũng là nhóm thuốc gây độc hại cho sản phẩm và môi trường.  Những nhóm thuốc độc cao phải giảm nhanh. 

Thứ hai, trong nhóm thuốc trừ sâu bệnh cần loại bỏ các loại có tính độc hại cao, không thân thiện với môi trường. 

Thứ ba là nhóm thuốc sử dụng rất nhiều trên một đối tượng cây trồng. Ví dụ  có tới 30% thuốc BVTV tập trung cho 1 đối tượng là cây lúa, cần phải giảm.

Bên cạnh đó, hiện nay, thuốc BVTV tại Việt Nam chủ yếu là từ nguồn nhập khẩu.  Do vậy, chúng ta phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ thuốc tự do lưu hành, tự do nhập khẩu. Các cơ quan chuyên ngành sẽ phối hợp với cơ quan chống buôn lậu hàng giả để hạn chế những thuốc ngoài luồng, thuốc độc hại.

Nông dân phun thuốc trừ cỏ và sâu bệnh cho lúa. Ảnh: Đoàn Hữu Trung-TTXVN.

Ngoài ra, phải chấn chỉnh mạng lưới thuốc BVTV thông qua các chi cục BVTV địa phương. Đồng thời, cần tăng cường truyền thông, để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dùng thuốc BVTV trong quá trình tổ chức sản xuất. Truyền thông tăng cường các chuỗi sản xuất tiên tiến. Ví dụ, tại Hà Nội có xã không sử dụng thuốc BVTV nhưng vẫn đảm bảo năng suất. 

Năm nay, Việt Nam phấn đấu xuất khẩu nông sản hướng đến mốc 40 tỷ USD. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có những lô hàng bị trả về và bị cảnh báo về dư lượng thuốc BVTV. Cần có những biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này thưa ông?

Trên bình diện chung, chúng ta đã có rất nhiều cố gắng, nông sản Việt Nam đáp ứng được yêu cầu phục vụ trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, nền nông nghiệp hiện nay vẫn dựa trên quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Chính vì vậy, việc quản trị từng khâu, từng quy trình không thể đồng nhất 100% . Do đó, tình trạng nông sản chưa đảm bảo chất lượng vẫn xảy ra. 
 
Do đó, cần có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ để đảm bảo an toàn nông sản. Trong đó, đối với nhóm 10 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia xuất khẩu trên 1 tỷ USD  phải quy hoạch vùng và chú trọng quản trị chất lượng.  
 
Việt Nam cần đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với những đối tượng cây, con chủ lực. Cần lấy DN làm nòng cốt trên cơ sở liên kết chặt chẽ với HTX kiểu mới, bà con nông dân tham gia chuỗi đều phải có trách nhiệm ở đó. Cần sự phối hợp giữa người sản xuất và người thu mua chế biến, tổ chức thương mại tạo thành một chuỗi khép kín, an toàn. Chúng ta vẫn đang đi theo lộ trình này.  

Xin cảm ơn ông!

 

H.V/Báo Tin tức