Bước phát triển mới kết cấu hạ tầng nông thôn

Bước phát triển mới kết cấu hạ tầng nông thôn
Thực tế cho thấy, việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nhiều vùng nông thôn, nổi bật là đầu tư phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi, điện. Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội nông thôn có bước phát triển mới.
Về cơ bản, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn được tăng cường đã tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Nhiều địa phương đã chủ động ban hành cơ chế hỗ trợ linh hoạt, phù hợp điều kiện cụ thể của từng vùng để huy động nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này. Phát triển giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, đáp ứng yêu cầu bức xúc của người dân nên được chú trọng đầu tư, người dân đồng tình và tự nguyện thực hiện. Nhiều địa phương đã có chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực phù hợp nên đã huy động được sự tham gia của người dân và toàn xã hội. Phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển rất cao. Cả nước đã và đang triển khai xây dựng trên 5 ngàn công trình với khoảng 70.000 km đường giao thông nông thôn. Đến hết năm 2014 đã có 23,3% số xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông. Dự kiến, đến hết năm 2015, tỷ lệ đạt là 35,3%. 
 
 
 Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H)

Lĩnh vực thủy lợi cũng được đẩy mạnh. Tiêu chí này được coi là đòn bẩy, thúc đẩy phát triển sản xuất. Cả nước đã xây dựng tu bổ sửa chữa, nâng cấp hơn 3.000 công trình thủy lợi gồm bờ bao, cống, trạm bơm phục vụ tưới tiêu, trong đó nạo vét, tu sửa gần 7 ngàn km kênh mương; điển hình như tỉnh Thái Bình đã tập trung nguồn lực để hỗ trợ cứng hoá toàn bộ hệ thống kênh mương thuỷ lợi nội đồng cho các xã điểm; tỉnh Nghệ an đã xây dựng mới được 1.173 km kênh, mương đưa tỷ lệ kiên cố hóa lên 72% toàn tỉnh. Đến hết năm 2014 có 44,5% số xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi.
 
 
Điện nông thôn tiếp tục được nâng cấp và mở rộng. Từ năm 2010 - 2013, nguồn vốn huy động đầu tư cải tạo và xây dựng mới hệ thống điện nông thôn khoảng 15.205 tỷ đồng, chủ yếu là vốn của ngành điện và các các dự án vay vốn nước ngoài. Người dân đóng góp đất xây dựng hành lang an toàn lưới điện. Tỷ lệ xã có điện đạt 98,6% và tỷ lệ hộ dân nông thôn có điện đạt 96,6% (tăng 1,3% so với năm 2010), trong đó có 16 tỉnh, thành phố đạt 100% số hộ nông thôn có điện. Đến hết năm 2014 có 75,6% số xã đạt tiêu chí số 4 về điện.
 
 
Điểm đáng chú ý, hạ tầng xã hội cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng. Trường học các cấp từng bước xây dựng theo chuẩn và xã hội hoá. Đã xây mới thêm 198 trường Trung học phổ thông; xây dựng bổ sung 25.794 phòng học mầm non, 39.480 phòng học cho tiểu học, 21.899 phòng học cho THCS, 5.018 phòng học cho THPT; trẻ em đi nhà trẻ tăng 15,8% so với năm 2008; trẻ em đi mẫu giáo tăng 11,4% so với năm 2008. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú ngày càng được hoàn thiện, giải quyết được 07 - 12% học sinh dân tộc vào học. Chính sách hỗ trợ học phí cho con em đồng bào dân tộc, miền núi, chính sách cho vay vốn để học tập được điều chỉnh tạo thuận lợi cho học sinh, sinh viên từ các vùng nông thôn. Đến hết năm 2014 có 30,8% số xã đạt tiêu chí số 5 về trường học.
 
 
Hạ tầng công nghệ thông tin đã phát triển đến các xã vùng sâu, vùng xa. Internet tốc độ cao đã đến được hầu hết các điểm bưu điện văn hóa xã, khoảng 55% số xã có điểm truy cập Internet công cộng, vùng phủ sóng 3G đã đạt trên 80% dân số, tỷ lệ xã có điện thoại công cộng là 97%. Hầu hết người dân khu vực nông thôn được sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông phổ cập. Đến hết năm 2014 có 86,2% số xã đạt tiêu chí số 8 về bưu điện. Đồng thời, cơ sở vật chất văn hóa được chú trọng xây dựng và nâng cấp. Đã có 44,8% số xã có Trung tâm văn hoá - thể thao xã, 46% số thôn có nhà văn hoá/nhà sinh hoạt cộng đồng, 48,65% thôn được công nhận là làng văn hoá, có 36.141 sân vận động và sân bóng đá do cấp xã quản lý, 1.593 nhà thi đấu và nhà tập luyện, 348 bể bơi và hồ bơi tự tạo, 38.371 câu lạc bộ TDTT cơ sở được thành lập. Tổng diện tích đất dành cho thể thao được quy hoạch tại các xã hơn 2.552.285 ha, trong đó đang sử dụng thường xuyên là 9.727 ha đã được cấp sổ đỏ. Đến hết năm 2014 có 17,9% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa.
 
 
Hệ thống chợ nông thôn cũng được nâng cấp và cải tạo. Tổng số vốn đầu tư cải tạo, xây dựng chợ nông thôn các năm 2010-2013 đạt 2.783 tỷ đồng, chủ yếu là vốn xã hội hóa và các nguồn vốn khác (gần 80%). Một số địa phương đã đầu tư kinh phí lớn để thực hiện như: Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Xây dựng chợ nông thôn đạt chuẩn nông thôn mới từng bước xóa bỏ các chợ tạm, nền đất, mái tranh, tập trung nâng cấp, cải tạo theo hướng kiên cố và bán kiên cố... Tới nay đã có 57,6% số xã có chợ; trong đó, có 84 chợ đầu mối nông sản cấp vùng và cấp tỉnh. Về mô hình quản lý chợ, bên cạnh hình thức ban quản lý chợ truyền thống, đã có 194 hợp tác xã , 401 doanh nghiệp tham gia kinh doanh, quản lý chợ. Đến hết năm 2014 có 45% số xã đạt tiêu chí số 7 về chợ nông thôn.
 
 
Nhìn chung, hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn từng bước được hiện đại hoá, tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định. Tuy có mức độ tăng trưởng nhanh nhưng mức độ đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thấp, nhất là một số hạ tầng thiết yếu như giao thông đạt 21,6% số xã, tương tự về cơ sở vật chất văn hóa 15,8%, trường học 28,7%. Các địa phương miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long có tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng chậm.
 
 
Để khắc phục những tồn tại trên nhằm đẩy mạnh hơn nữa Chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2015 sẽ tập trung phát triển các cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn thôn. Theo đó, phấn đấu cơ bản hoàn thành 6 loại công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu trên cơ sở ưu tiên cho các xã vùng 3, gồm: giao thông, điện, nước sạch, trường học các cấp, trạm xá xã, nhà văn hóa và khu thể thao thôn nhằm tạo sự đột phá diện mạo nông thôn, cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn.
 
 
Hoàn thiện hệ thống đường giao thông đến trung tâm xã và đường trục thôn, đường trục chính nội đồng (ở các vùng sản xuất hàng hóa tập trung). Cơ bản hoàn thành hệ thống đường xóm (trừ các vùng đặc thù thuộc miền núi cao, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bằng sông Cửu Long). Đến năm 2020 có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn. Hoàn thiện hệ thống các công trình đảm bảo cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn xã đáp ứng yêu cầu tiêu chí số 4 của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Đến năm 2020 có khoảng 95% số xã đạt chuẩn.
 
 
Hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ việc chuẩn hóa về giáo dục trên địa bàn xã đáp ứng yêu cầu tiêu chí số 5 của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Đến năm 2020 có khoảng 70% số xã đạt chuẩn. Hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ việc chuẩn hóa về y tế trên địa bàn xã đáp ứng yêu cầu tiêu chí số 15 về y tế. Đến năm 2020 có 70% số xã đạt chuẩn. Hoàn thiện hệ thống các công trình cấp nước sinh hoạt để đảm bảo cho 100% dân số được sử dụng nước sạch.
 
Cơ bản hoàn thành cơ sở vật chất nhà văn hóa, khu thể thao thôn đáp ứng, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa thể thao trên địa bàn thôn; nhà văn hóa, thể thao xã (ưu tiên cho số xã đăng ký về đích 2020). Đến năm 2020 có ít nhất 50% xã đạt chuẩn tiêu chí này (trong đó có 80% nhà văn hóa, khu thể thao thôn đạt chuẩn). Phấn đấu cơ bản hoàn thành các cơ sở hạ tầng (thủy lợi, chợ, trụ sở xã) đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 60% số xã đạt chuẩn (ưu tiên xã phấn đấu đạt chuẩn 2020.
Theo dangcongsan.vn