Bưởi Phúc Trạch kết trái, hứa hẹn được mùa
- Thứ ba - 20/06/2017 20:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Về thăm vườn bưởi Phúc Trạch của chị Nguyễn Thị Thắng ở thôn 6, xã Hương Thủy gần đây, chúng tôi được đi dưới những tán lá xanh tươi đang vươn mình trong nắng sớm. Những quả bưởi to tròn, nặng trĩu, lủng lẳng trên cành chờ ngày thu hoạch.
Nhiều diện tích bưởi Phúc Trạch ở Hương Khê đơm hoa, kết trái, hứa hẹn được mùa
Chị Thắng chia sẻ: “Mấy trận lụt năm 2016, nước dâng cao làm ngập cả trăm gốc bưởi. Sau lũ, những gốc bưởi ngập trong bùn đất, đa số rụng gần hết lá. Nhiều gốc bưởi bị sâu bệnh dẫn đến vàng úa chờ chết mà nóng hết ruột gan. Tôi cứ nghĩ là mất trắng cả mấy năm bỏ công chăm sóc, vun trồng, mất đi nguồn thu nhập chính của gia đình”.
Vậy mà, những cây bưởi của chị Thắng giờ sinh trưởng tốt, đơm hoa, kết trái. Chính điều này cũng khiến chị bất ngờ sau khi thực hiện đề tài nghiên cứu “Khôi phục sinh trưởng, phát triển, tăng cường ra hoa, đậu quả các vườn bưởi Phúc Trạch sau lũ” của Trung tâm Khuyến nông tỉnh.
Cùng chung niềm vui, anh Phan Văn Thúy ở xã Hương Trạch phấn khởi: Sau khi được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật và các cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh trực tiếp “cầm tay chỉ việc” nên vườn bưởi của anh cơ bản được phục hồi. Nhiều cây mới trồng bị ngập lụt tưởng chết, giờ đã xanh tươi trở lại. Những cây bưởi lâu năm đang sinh trưởng tốt, cho năng suất cao hơn năm trước. Ước tính năm nay, cây bưởi Phúc Trạch sẽ mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập cả trăm triệu đồng.
Do phải hứng chịu 6 trận lụt liên tiếp vào cuối năm 2016, toàn huyện Hương Khê có khoảng 1.400 ha bưởi Phúc Trạch bị ảnh hưởng, trong đó, người dân mới phục hồi được khoảng 30% diện tích. Số diện tích còn lại bộ rễ vẫn đang tổn thương, cần đầu tư phục hồi nếu không sẽ thoái hóa và chết.
Được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn kỹ thuật, vườn bưởi ngập lụt của gia đình anh Phan Thanh Nhàn (thôn 6, xã Hương Thủy) hồi sinh và cho quả.
Theo ông Võ Tá Phong - cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, để giảm thiểu thiệt hại đối với cây bưởi Phúc Trạch khi bị lũ lụt gây ngập úng, cần đầu tư cải tạo môi trường, vườn cây, tác động kỹ thuật, vật tư để tăng cường khả năng chống chịu, làm giảm các tác nhân xâm nhập gây hại cây trồng, nhất là sâu, bệnh hại… Đây chính là những giải pháp kỹ thuật cần thiết gần như chưa thực hiện trong sản xuất cam, bưởi ở Hà Tĩnh.
Sau một thời gian khảo sát, nghiên cứu, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thử nghiệm tại 9 hộ có quy mô trồng từ 50 cây bưởi trở lên, bị ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt thuộc 4 xã: Hương Thủy, Hương Giang, Gia Phố, Hương Trạch với diện tích 2,3 ha và sau đó nhân rộng hơn 200 ha tại 16 xã vùng bưởi. Thành công bước đầu là hơn 760 gốc bưởi Phúc Trạch ngập lụt, sâu bệnh giờ đã ra hoa, đậu quả, bình quân mỗi cây cho 90-130 quả.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Nguyễn Văn Việt cho biết: Bưởi Phúc Trạch là cây ăn quả đặc sản bản địa, cây trồng chủ lực góp phần xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho các nông hộ. Sau lũ, được sự quan tâm của Sở NN&PTNT, đặc biệt là Trung tâm Khuyến nông tỉnh trong việc tìm hiểu, xác định nguyên nhân, mầm mống gây bệnh, đồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật cắt lá, tỉa cành nên các vườn bưởi được khôi phục nhanh chóng. Đây chính là bài học kinh nghiệm, khuyến cáo người dân trong việc chăm sóc cây bưởi Phúc Trạch bị ngập lụt. Từ những mô hình thành công, huyện sẽ tiếp tục tổ chức cho các hộ trồng bưởi trên địa bàn đến tham quan, học hỏi.
Kết quả bước đầu từ đề tài nghiên cứu cho thấy, sinh trưởng của cây bưởi Phúc Trạch cũng như quá trình ra hoa, đậu quả sau khi được chuyển giao kỹ thuật và thực hành sản xuất của nông hộ không sai khác nhiều năm 2016. Những nông hộ khác thực hiện đúng quy trình này thì toàn bộ diện tích bưởi Phúc Trạch dần sẽ được phục hồi, cho hoa thơm, quả ngọt!
Hoàng Long/ Báo hà Tĩnh