Cà Mau: Phát triển nuôi tôm siêu thâm canh
- Thứ bảy - 27/04/2019 05:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong thời gian qua nuôi tôm siêu thâm canh trên ao lót bạt ở Cà Mau đã có những bước phát triển vượt bậc. Nhiều mô hình nuôi đạt được năng suất cao đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Tỷ lệ nuôi thành công đạt khoảng 80-90%, năng suất nuôi đạt từ 40-50 tấn/ha/vụ (quy đổi), mỗi năm có thể nuôi 3-4 vụ, năng suất có thể đạt tới 120-150 tấn/ha/năm.
Qua kết quả điều tra, khảo sát tại Cà Mau phục vụ cho điều chỉnh quy hoạch ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh Cà Mau đến năm 2020, TS Nguyễn Văn Hảo - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS II cho rằng đây là mô hình đột phá, rất có triển vọng để phát triển trong tương lai. Vì thế, nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt hiện nay được đánh giá là nghề có nhiều tiềm năng và là mũi nhọn trong chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh.
Nuôi tôm siêu thâm canh ở Cà Mau được áp dụng theo nhiều quy trình kỹ thuật nuôi như: nuôi tôm theo công nghệ Biofloc, công nghệ CP, công nghệ Biofloc kết hợp tuần hoàn nước, nuôi tôm 02 giai đoạn, 03 giai đoạn… Mật độ nuôi từ 200 – 300 con/m2, ao nuôi chủ yếu được thiết kế theo 02 dạng (trong nhà kính và ngoài trời) và được lót bạt toàn bộ hệ thống ao nuôi.
Để nuôi tôm siêu thâm canh trong thời gian tới phát triển bền vững, tỉnh Cà Mau cần thực hiện một số giải pháp như sau:
- Quy hoạch các vùng nuôi tôm chuyên canh theo các loại hình dựa trên các luận chứng khoa học, đặc điểm điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế - xã hội từng vùng và phù hợp với xu thế chung của thị trường tiêu thụ.
- Cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới phát triển mô hình sản xuất công nghệ cao, tạo bước đột phá trong nuôi tôm.
- Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách của tỉnh, lồng ghép với cơ chế, chính sách của Trung ương để hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nuôi và chế biến xuất khẩu ngành hàng tôm; cơ chế chính sách cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư phát triển nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.
- Nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các quy trình công nghệ mới, công nghệ vi sinh, thân thiện môi trường vào trong sản xuất tôm giống và nuôi thương phẩm, nhất là quy trình nuôi tiết kiệm nước, ít thay nước; đảm bảo cung cấp đủ nguồn giống tôm chất lượng cao, kháng bệnh đáp ứng cho nhu cầu phát triển nuôi.
- Tăng cường công tác tập huấn, phổ biến, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới cho nông dân bằng nhiều hình thức; chú trọng đến mô hình lớp học tại hiện trường, nhằm phát triển, nhân rộng các mô hình nuôi tôm có hiệu quả và bền vững.
- Củng cố và thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất để làm cơ sở thực hiện mới liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, gắn kết các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu với các vùng nuôi thông qua các hợp đồng kinh tế.
- Tăng cường quản lý vùng nuôi, giám sát thực hiện khung lịch thời vụ; kiểm tra, đánh giá, thống kê, phân loại các cơ sở nuôi, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn, vật tư; giám sát chất lượng theo quy định; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động nuôi tôm.
Trần Thanh Hải - Trung tâm Khuyến nông Cà Mau
Nguồn tin: http://www.khuyennongvn.gov.vn/