Các chi, tổ hội nghề nghiệp là chỗ dựa cho hội viên nông dân
- Thứ năm - 20/06/2019 05:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thành tựu bước đầu
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng cho biết: Trong 3 năm qua, thực hiện Đề án số 24-ĐA/HNDTW các cấp Hội NDVN đã tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập được 683 chi hội nghề nghiệp và 14.812 tổ hội nghề nghiệp với 195.455 hội viên nông dân tham gia; các chi, tổ hội đã kết nạp mới được 25.263 hội viên; xây dựng được 206 hợp tác xã, 1.690 tổ hợp tác.
Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Đề án số 24 của Ban Thường vụ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Kết quả xây dựng các chi, tổ hội nghề nghiệp góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội NDVN, đa dạng hóa mô hình tập hợp nông dân, tạo sự gắn kết giữa các hội viên nông dân với nhau, tăng cường mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng gia trại, trang trại có quy mô phù hợp, sản xuất hàng hóa lớn...
Thông qua các chi, tổ hội, các cấp Hội đã tập trung được nguồn lực đầu tư, tiếp cận được khoa học kỹ thuật, tiết kiệm chi phí đầu vào và kiểm soát chất lượng, giá cả đầu ra cho hội viên nông dân; thực hiện liên kết 6 nhà (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân phối, nhà nông) giúp cho hội viên liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản...
Mạng lưới chi, tổ hội nghề nghiệp đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, giúp hội viên nông dân chủ động hơn trong môi trường cạnh tranh; thúc đẩy việc xây dựng các Tổ hợp tác, Hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn.
Hướng về cơ sở, vì nông dân
Trong buổi sáng, đại biểu chia thành 5 tổ thảo luận. Tại các tổ thảo luận, nhiều đại biểu thẳng thắn nêu ra những tồn tại, hạn chế trong xây dựng và hoạt động của các chi, tổ Hội; bày tỏ mong muốn được các cấp Hội tạo điều kiện hơn nữa để đẩy mạnh việc xây dựng các chi, tổ hội, đặc biệt là vấn đề tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nông nghiệp với lãi suất thấp để mở rộng quy mô sản xuất.
Các đại biểu cũng thống nhất những vấn đề đặt ra trong thời gian tới khi tình hình kinh tế, xã hội nước ta dự báo sẽ phát triển nhanh và có hướng đi bền vững, từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết theo chuỗi. Nông nghiệp nước ta ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh và tiếp tục thu hút sự quan tâm đầu tư trong và ngoài nước; nhu cầu của xã hội về sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao ngày càng tăng.
Hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn với vai trò tích cực, chủ động của người nông dân.
Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng thăm trang trại VAC của anh Ngô Đức Thắng thuộc chi hội chăn nuôi xã Phạm Ngũ Lão,huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Tình hình trên đòi hỏi tổ chức Hội Nông dân các cấp phải vươn lên ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về chính trị tư tưởng, tổ chức và hoạt động, đáp ứng yêu cầu mới từ thực tiễn đặt ra về nâng cao nhận thức, trình độ sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất...
Đổi mới nội dung, phương thức để để nâng cao ý thức của cán bộ, hội viên, nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, nông dân.
Việc xây dựng mô hình tổ chức chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp là vấn đề cấp thiết trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội NDVN trong tình hình hiện nay theo phương châm hướng về cơ sở, vì nông dân.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng khẳng định: Những kết quả đạt được về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp của 3 năm qua là quan trọng, đáng mừng, tuy nhiên, mục tiêu, yêu cầu còn lại trong những năm tiếp theo của Đề án còn rất nặng nề; khó khăn, thách thức còn nhiều...
Vì vậy, Chủ tịch Thào Xuân Sùng yêu cầu, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp Hội, cần phải được tăng cường quyết liệt và phối hợp đồng bộ hơn nữa; cán bộ, hội viên, nông dân cần tích cực, chủ động chung tay góp sức để Đề án thực hiện hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII.
Theo Quỳnh Nguyễn/ Dân việt
Xem bài viết gốc tại đây