Cách mạng nông nghiệp 4.0: Chúng ta cần phải hành động gì?
- Thứ năm - 12/10/2017 09:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bên cạnh những hiệu quả và cơ hội mà NNUDCNC đưa lại, lĩnh vực này cũng đang tồn tại không ít yếu kém, bất cập. Vậy trong xu hướng áp dụng cách mạng nông nghiệp 4.0, cần phải hành động gì với NNUDCNC?
Xây dựng cơ chế và chiến lược
Về nhận thức cần phải coi phát triển NNUDCNC là khâu then chốt, là giải pháp xuyên suốt, là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, theo hướng hiện đại.
Công nghệ cao ứng dụng trong ngành nông nghiệp ở giai đoạn thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần chú trọng phát triển công nghệ thông tin gắn với công nghệ sinh học, công nghệ Nano, công nghệ vật liệu mới, tự động hoá, công nghệ cảm biến, in 3D… trong nông nghiệp nhằm kết nối vận vật, theo dõi, giám sát quy trình sản xuất, chế biến, thương mại, phát triển sản phẩm mới có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao.
Công nhân VinEco chăm sóc rau mầm trên dây chuyền tự động khép kín. Ảnh: TTV
Cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 vào sản xuất nông nghiệp. Áp dụng tin học hóa, công nghệ sinh học, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ Nano... trong toàn bộ quá trình sản xuất, đặc biệt là các khâu sản xuất, chế biến nhằm giảm giá thành sản xuất.
Tùy theo thực tiễn, điều kiện tự nhiên, lợi thế cây trồng vật nuôi, sự phát triển của lực lượng sản xuất, sự sẵn sàng và năng động của doanh nghiệp và nông dân của từng địa phương cần chỉ đạo phát triển khu, vùng NNUDCNC, coi đây là cuộc cách mạng vừa trước mắt và lâu dài đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.
Có cơ chế đột phá về thể chế, chính sách khuyến khích các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, doanh nghiệp nghiên cứu chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Cần thiết phải xây dựng Chiến lược phát triển NNUDCNC phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, địa phương. Lựa chọn, xây dựng các dự án NNUDCNC đối với các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản phù hợp với từng vùng sinh thái. Xây dựng các mô hình trình diễn, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Cùng với đó, hướng dẫn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, công nghệ sau thu hoạch, dịch vụ hỗ trợ, giá cả thị trường, xúc tiến thương mại, tổ chức quản lý, hợp lý hóa sản xuất,..., nhằm nâng cao sức cạnh trạnh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền sản xuất hàng hóa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Hỗ trợ cho nông, lâm, ngư nghiệp thông qua các chính sách đầu tư công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, nhu cầu của người sản xuất và thị trường.
Dây chuyền sản xuất chuối tại Công ty TNHH Huy Long An. Ảnh: T.L
Đào tạo nhân lực, tổ chức lại sản xuất
Một điều kiện tiên quyết để phát triển NNUDCNC trong bối cảnh cách mạng nông nghiệp 4.0 là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để thực hiện việc này, phải đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo lao động nông nghiệp theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gắn đào tạo nghề với thúc đẩy chuyển giao công nghệ mới, chuyển giao các kỹ thuật và quy trình sản xuất mới cho các hộ nông dân.
Khuyến khích các tổ chức khoa học trong và ngoài nước đầu tư các cơ sở nghiên cứu ứng dụng, trình diễn, chuyển giao cũng như tổ chức sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Tạo điều kiện để công nghệ được thương mại hóa, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp nhận được công nghệ, quảng bá sản phẩm sản xuất và sản phẩm công nghệ. |
Bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách cho công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp, trong đó tập trung cho đào tạo dài hạn các lĩnh vực then chốt là công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin và khoa học quản lý.
Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở dạy nghề, thực hiện chương trình hợp tác đào tạo tại khu, vùng NNUDCNC để đào tạo, huấn luyện công nhân, kỹ thuật viên.
Các cơ sở đào tạo thành lập tại các khu NNUDCNC được thuê cơ sở hạ tầng, các dịch vụ. Hình thành đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật cao về công nghệ sinh học, kỹ thuật nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chế tạo máy móc phục vụ cho sản xuất, sơ chế, chế biến các sản phẩm nông lâm thủy sản đáp ứng yêu cầu phát triển NNUDCNC.
Cùng với chăm lo nguồn nhân lực, phải chú trọng phát triển trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã trong nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn tập trung ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ nông dân nâng cao trình độ, năng lực tổ chức sản xuất, kỹ năng quản trị giỏi, ứng dụng khoa học và công nghệ, tiếp cận các công nghệ mới có chuyên môn sâu, am hiểu thông lệ quốc tế và có khả năng phân tích, dự báo, chủ động tham gia thị trường...