Cách nào 'nắm dây cương' bùng nổ chăn nuôi lợn?
- Thứ ba - 01/08/2017 03:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Người ta ví người chăn nuôi bây giờ như đi trong rừng rậm, bởi ngay cả những chuyên gia uy tín cũng chẳng thể tự tin đích xác cả nước đang có bao nhiêu con lợn để đưa ra được nhận định, dự báo chính xác về cung cầu.
Dư luận thời gian qua nghi ngờ về việc có bàn tay can thiệp, “làm giá” của một số “ông lớn” trong ngành chăn nuôi. Nhưng chẳng thể có căn cứ, bởi người ta không thể biết cụ thể những doanh nghiệp FDI ấy hiện nay đang có quy mô bao nhiêu con nái, bao nhiêu đầu lợn thịt… Không nắm được chính xác về quy mô cũng như biến động đàn lợn, nên cơ quan chức năng không thể đưa ra được dự báo về cung cầu một cách tin cậy bằng những con số định lượng cụ thể giúp người chăn nuôi dự liệu, quyết định trong đầu tư.
Trao đổi với NNVN, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) thừa nhận: Hiện nay, việc thống kê đàn lợn cả nước được thực hiện thông qua báo cáo của Sở NN-PTNT các tỉnh định kỳ trước ngày 25 hàng tháng. Có tỉnh báo cáo con số khá tin cậy về số lượng, nhưng cũng có tỉnh… chẳng biết đâu mà lần! Trong khi đó, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi cũng không có nghĩa vụ bắt buộc phải thông tin cho nhà chức trách về số lượng đàn lợn của mình.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) |
Ông có thể lí giải thế nào về hiện tượng giá lợn liên tục “sốc nhiệt” trong thời gian ngắn vừa qua?
Giá lợn từ chỗ giảm rất sâu đã có lúc tăng lên 45 nghìn đồng/kg. Đây là mức giá chưa phải là quá cao, nhưng tốc độ tăng chỉ trong một thời gian ngắn khoảng 1 tuần đã tăng giá gấp đôi, rồi sau đó lại tụt xuống hiện chỉ còn 35 - 36 nghìn đồng/kg thì rõ ràng là có vấn đề.
Qua nắm bắt ở cơ sở, chúng tôi chỉ có thể đưa ra một số nhận định về tình trạng này. Một là sau thời gian chịu lỗ quá dài tới 7 - 8 tháng, người chăn nuôi ai cũng chờ cơ hội giá lên, nhân lúc thị trường có dấu hiệu ấm lên thì họ càng hi vọng, và yêu cầu thương lái trả cao hơn nữa mới chấp nhận bán còn không tiếp tục găm hàng, chờ giá lên cao hơn nữa.
Thứ hai, mặc dù về tổng quan thì nguồn cung thịt lợn hiện vẫn đang rất dồi dào, tuy nhiên cũng có hiện tượng sau một thời gian dài lỗ và không tái đàn nên ở một số nơi có xảy ra hiện tượng thiếu nguồn cung cục bộ, khiến thương lái phải tìm tới địa bàn mới để mua lợn. Điều này càng đẩy thêm hiệu ứng tăng giá. Ví dụ ở Hà Nội ít khi thấy thương lái từ Hòa Bình xuống mua lợn, thời gian qua lại xuất hiện, nên các trang trại cho rằng nguồn cung đang thiếu nên càng đẩy giá lên.
Tóm lại, việc tăng giá vừa qua chỉ là theo hiệu ứng số đông, kiểu đồn thổi, truyền tai nhau chứ không theo cân đối cung cầu thực sự ổn định. Khoảng 1 tuần trở lại đây, giá lợn đã giảm xuống và duy trì ở mức 35 - 36 nghìn đồng/kg, và khả năng sẽ khó giảm xuống nữa do cung cầu đang dần đi về giá trị thực. Vì vậy, người chăn nuôi tuyệt đối không nên nghe theo tâm lý đám đông, đồn thổi chỗ này nhu cầu tăng mạnh, chỗ kia nhu cầu đang khát… để vội vàng quyết định trong đầu tư.
Rõ ràng, người chăn nuôi thiếu những thông tin về tình hình biến động cung cầu một cách đáng tin cậy, mà nguyên nhân là do chúng ta không nắm được chính xác về quy mô và biến động tổng đàn lợn cả nước. Có cách nào để có dự báo về cung cầu một cách khoa học cho người chăn nuôi không thưa ông?
Đây đúng là những bất cập mà ngành chăn nuôi đã và đang khẩn trương có những giải pháp nhằm nắm bắt để định kỳ có những dự báo về cung cầu cho người chăn nuôi. Cục cũng đang đề nghị các địa phương rà soát đánh giá lại thực trạng cụ thể của đàn lợn để có điều chỉnh. Nhất là số lượng cụ thể, chính xác về đàn lợn và thông tin chính thống cho người chăn nuôi từ đó khuyến cáo có nuôi nữa không, mở rộng hay thu hẹp quy mô lại…?
Bên cạnh đó, Cục Chăn nuôi đang gấp rút phối hợp với một đơn vị về công nghệ thông tin tại TP.HCM để làm một phần mềm về lí lịch trang trại, trước mắt sẽ thí điểm triển khai quản lí quy mô và biến động đàn lợn tại 23 tỉnh thành trọng điểm chăn nuôi lợn, trong đó phía Nam là 21 tỉnh và phía Bắc 2 tỉnh. Chúng tôi đang quyết liệt phối hợp và đề nghị sự vào cuộc của các địa phương trong việc triển khai chương trình thí điểm này.
Theo đó, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi sẽ được cấp các địa chỉ IP và phần mềm khai báo. Việc thực hiện khai báo và cập nhật biến động đàn lợn sẽ rất đơn giản. Ví dụ phần mềm sẽ có sẵn các mục như quy mô tổng đàn, số lượng nái, số lượng lợn thịt, số lượng xuất chuồng… Khi có thay đổi về số lượng, trang trại sẽ chủ động cập nhật vào phần mềm đó để cơ quan quản lí ngành chăn nuôi tổng hợp. Đây sẽ là cơ sở để đưa ra được những sự thay đổi và dự báo chính xác về sản lượng theo những chu kỳ nhất định.
Cũng phải nói rằng, cái khó nhất để triển khai việc này là chúng ta hiện chưa có những quy định mang tính bắt buộc. Vì vậy về lâu dài, sẽ phải luật hóa, đưa những quy định này thành một trong những nội dung của chăn nuôi có điều kiện. Cục Chăn nuôi cũng đang hình thành bộ khung Dự thảo Luật Chăn nuôi để trình Quốc hội vào năm 2018, trong đó chăn nuôi có điều kiện sẽ là nội dung cốt lõi nhất mà chúng tôi hướng tới khi triển khai Dự thảo Luật.
Luật Chăn nuôi sẽ là “cây gậy” quan trọng để quản lí ngành chăn nuôi nói chung, trong đó có chăn nuôi lợn |
Vậy nội dung và tinh thần cơ bản nào sẽ được Cục đưa ra trong quá trình triển khai Dự thảo Luật Chăn nuôi thưa ông?
Như đã nói, chăn nuôi có điều kiện sẽ là tinh thần cơ bản nhất. Quan điểm của chúng tôi là vừa phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân, nhưng chăn nuôi phải có kiểm soát, không phải muốn nuôi là nuôi, mà phải nằm trong quy hoạch của địa phương, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, có đăng ký, thậm chí phải có mã số định danh, có điều kiện về đánh giá tác động môi trường, có sự giám sát số lượng của cơ quan quản lí nhà nước…
Cái này tất cả các nước chăn nuôi phát triển hiện nay đều đã làm. Việc thực thi quy hoạch chăn nuôi sẽ có chế tài cụ thể, chẳng hạn vùng này chỉ nuôi chừng đó con lợn là chỉ được cấp phép chừng đó con. Thái Lan hiện nay cũng vậy, chăn nuôi phải có giấy phép, có giám sát về tổng đàn, nếu sai quy định có khi còn bị đóng cửa.
Nhóm nội dung quan trọng nữa, đó là ngành chăn nuôi sẽ phải tiếp cận theo hướng quốc tế hóa, phải phù hợp với các quy định của quốc tế, như tiêu chuẩn quy chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo thông lệ quốc tế, được giám sát bởi hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn chất lượng quốc tế, chứ không phải thích nuôi theo tiêu chuẩn nào cũng được, đặc biệt là nhóm sản phẩm SX để thương mại… Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng phân cấp, phân trách nhiệm rất rõ việc thực thi pháp luật tới địa phương, người chăn nuôi, cơ quan quản lí…
Xin cảm ơn ông!