Cải thiện chất lượng nước tưới công trình thủy lợi
- Thứ năm - 05/12/2019 19:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chất lượng nước tưới tại một số hệ thống thủy lợi đã suy giảm đến mức không thể sử dụng do bị ô nhiễm. Ảnh: Kế Toại. |
Do đó, ngành thủy lợi và các địa phương cần phải có chiến lược bài bản, dài hạn cho vấn đề này.
Thực trạng báo động
Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), nước mặt ở các hệ thống công trình thủy lợi đoạn chảy qua nội thành, nội thị hiện nay hầu hết đã bị ô nhiễm do tiếp nhận nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất của các khu đô thị. Ô nhiễm nước mặt tại các khu vực làng nghề cũng đang là vấn đề nóng tại một số vùng nông thôn hiện nay, đặc biệt là tại đồng bằng sông Hồng.
Theo kết quả khảo sát thực tế tại 52 làng nghề do Bộ NN-PTNT công bố năm 2011, 100% số mẫu phân tích nước ở cả 6 loại hình làng nghề đặc trưng là chế biến lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, dệt nhuộm, tái chế giấy và tái chế kim loại đều cho thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn cho phép.
Cục bộ tại một số nơi, mức độ ô nhiễm đã ở mức nghiêm trọng, số liệu đo đạc năm 2018 trên hệ thống Bắc Hưng Hải, các vị trí ô nhiễm nước nghiêm trọng là các vị trí chịu ảnh hưởng của nguồn thải công nghiệp và dân cư tập trung, như cống Xuân Thụy, cầu Như Quỳnh, cống Kênh Cầu, Cầu Lương Bằng, cống Ngọc Đà, cống Ngọc Lâm, cống Phần Hà, cống Bình Lâu. Các chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn cho phép chủ yếu gồm DO, BOD5, COD, NH4+, PO43- và Coliform.
Trên hệ thống Bắc Nam Hà, chỉ số DO, COD, BOD5 của 14 đợt quan trắc hầu hết đều không đạt tiêu chuẩn cho phép dùng cho tưới tiêu (gấp 3-5 lần). Chỉ số NH4+ tại Trạm bơm Triệu Xá vượt 10 lần, chỉ số coliform Cầu Chủ - sông Châu Giang vượt 2,4 lần. So với năm 2017, các chỉ số ô nhiễm DO, COD, BOD5 năm 2018 tăng hơn nhiều.
Việc bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ tác động của quá trình phát triển. Đó là xu hướng chuyển đổi mô hình sản xuất, đô thị hóa và công nghiệp hóa, phát triển cơ sở hạ tầng,... trong khi đó chưa đủ nguồn lực để xử lý nước thải và chất thải, rác thải, hệ thống thủy lợi chung đường cấp và thoát nước, ý thức chấp hành pháp luật thủy lợi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chưa cao... nên việc thực thi pháp luật thủy lợi còn nhiều hạn chế.
Tình hình vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp. Qua khảo sát thực tế và kết quả kiểm tra tại một số công trình thủy lợi cho thấy các hành vi vi phạm về xả nước thải vào công trình thủy lợi diễn ra khá phổ biến, có xu hướng ngày một gia tăng cả về số lượng và mức độ vi phạm, nhất là tại các khu vực dân cư, đô thị và khu công nghiệp.
Theo thống kê của 57/63 tỉnh, thành phố đến hết năm 2018, trong tổng số gần 15.000 vụ vi phạm quy định về xả thải vào công trình thủy lợi có trên 14.000 vụ vi phạm về xả nước thải vào công trình thủy lợi.
Những vi phạm này là nguyên nhân chính gây suy giảm nghiêm trọng chất lượng nước trong công trình thủy lợi, làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và đời sống của nhân dân.
Những kết quả đạt được
Theo Tổng cục Thủy lợi, để thực hiện thành công Đề án tăng cường bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi, thuận lợi nhất là hiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến việc bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi đã được xây dựng và đang từng bước hoàn thiện.
Đồng bộ tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả thực hiện, điển hình nhất là Luật Thủy lợi số và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn đi kèm cùng các quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Cùng với việc đôn đốc, hướng dẫn Sở NN-PTNT và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Luật Thủy lợi và tăng cường bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi đã phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương tổ chức phổ biến, tuyên truyền hệ thống văn bản pháp luật về Thủy lợi dưới các hình thức hội nghị, hội thảo, tập huấn, phát tài liệu.
Tổng cục Thủy lợi và Sở NN-PTNT Bắc Ninh kiểm tra xả thải vào hệ thống thủy lợi tại KCN Tiên Sơn, Bắc Ninh. Ảnh: Nguyên Huân. |
Thực hiện Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 26/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủy lợi, Quyết định số 1609/QĐ-BNN-TCTL ngày 09/5/2018 của Bộ NN-PTNT ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủy lợi để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm sức khỏe của người dân, theo tinh thần của Luật Thủy lợi, Tổng cục Thủy lời xây dựng “Đề án tăng cường bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi do Bộ NN-PTNT quản lý” nhằm giải quyết căn cơ, bài bản vấn đề bức thiết và cấp bách này. |
Theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy lợi đã triển khai các hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm tăng cường bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi, như hướng dẫn, đôn đốc các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Luật Thủy lợi, trong đó chú trọng vấn đề bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi.
Xây dựng kế hoạch xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đặc biệt là vi phạm xả thải, rà soát, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền về cấp phép xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi.
Tổ chức các hội nghị, hội thảo tuyên truyền, phổ biến kết quả thực hiện theo dõi, giám sát chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi, bàn giải pháp tăng cường bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi.
Cùng với việc chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, Tổng cục Thủy lợi đã trực tiếp phối hợp với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an và các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm xả nước thải vào hệ thống thủy lợi đối với 23 trường hợp tại các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Tây Ninh.
Ở địa phương, các cơ quan chức năng, các đơn vị trực tiếp quản lý công trình thủy lợi đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về xả nước thải vào công trình thủy lợi.
Trong đó, tổ chức, phân công người quản lý, kiểm tra, rà soát, thống kê, lập biên bản và kịp thời kiến nghị với chính quyền địa phương xử lý các vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mới phát sinh và đôn đốc xử lý triệt để các vụ vi phạm còn tồn đọng.
Phối hợp với các ngành, các cấp và chính quyền địa phương nơi công trình đi qua ký cam kết không vi phạm và xây dựng quy chế phối hợp trong phòng ngừa và xử lý hiệu quả, triệt để các vụ vi phạm. Thực hiện nạo vét lòng kênh, khơi thông dòng chảy, xây dựng quy trình vận hành các cống xả vào kênh trục, tăng cường lấy nước sông … nhằm giảm thiểu ô nhiễm.
Đặc biệt, với lĩnh vực cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến nay Tổng cục Thuỷ lợi và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cấp hàng trăm giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi.
Tuy nhiên, dù có nhiều nỗ lực của cả trung ương và địa phương, qua thực tế và kết quả kiểm tra tại một số công trình thủy lợi cho thấy các hành vi vi phạm qui định về đổ rác thải, chất thải, xả nước thải vào công trình thủy lợi còn khá phổ biến, có xu hướng ngày một gia tăng cả về số lượng và mức độ vi phạm, nhất là tại các khu vực dân cư, đô thị và khu công nghiệp.
Các hình thức xử lý vi phạm chủ yếu là lập biên bản, nhắc nhở, vận động người dân tự giải tỏa, thiếu biện pháp xử lý mạnh (phạt tiền, cưỡng chế, thu hồi) khiến các đối tượng vi phạm chưa tôn trọng pháp luật.
Tổng cục Thủy lợi đã tổ chức giao các đơn vị chuyên sâu trong ngành: Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam... thực hiện nhiệm vụ thường xuyên hàng năm về giám sát, dự báo chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi phục vụ lấy nước sản xuất nông nghiệp. Đã tiến hành giám sát, dự báo chất lượng nước cho nhiều hệ thống trên cả nước: Bắc Hưng Hải, Bắc Nam Hà, Sông Cầu, Cầu Sơn - Cấm Sơn, Sông Nhuệ, Bắc Đuống, An Kim Hải, Tứ Giác Long Xuyên… |