Cải thiện môi trường nông thôn: Dấu ấn của nông thôn mới

Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, môi trường khu vực nông thôn đã được cải thiện, đặc biệt là vấn đề rác thải khu dân cư được quan tâm xử lý. Nhiều cách làm hay, nhiều mô hình điểm về xử lý môi trường đã được các địa phương áp dụng hiệu quả.
Lò đốt rác thải Losiho 500 ở xã Khánh Thiện (Yên Khánh)
Điểm sáng từ những mô hìnhCách đây khoảng 2-3 năm, vấn đề thu gom và xử lý rác thải tại xã Khánh Dương (Yên Mô) vẫn còn là bài toán khó, nhất là việc xử lý rác thải sau thu gom. Hầu hết rác thải tập kết tại bãi rác của xã được xử lý bằng biện pháp thủ công (phơi đốt), tồn đọng tích tụ lâu ngày gây ô nhiễm môi trường. 

Bên cạnh đó, các bãi rác thường được quy hoạch gần sông, ngòi và ruộng nên mỗi lần mưa bão, rác bay khắp nơi, trôi nổi trên mặt nước, làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Nhưng từ khi xã ký hợp đồng vận chuyển rác thải đi xử lý với Trung tâm Vệ sinh môi trường đô thị Yên Mô, vấn nạn rác thải sinh hoạt của địa phương đã được giải quyết, người dân rất phấn khởi, yên tâm sinh hoạt và sản xuất. 

Bà Nguyễn Thị Bùi, xóm Cầu, xã Khánh Dương cho biết: “Hiện nay rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý gần như triệt để. Mỗi tuần tổ thu gom rác thải của Hội phụ nữ xóm đi thu rác của các hộ dân, tập kết ra các điểm đã được quy định để xe chở rác chuyên dụng của huyện chở đi xử lý. Những bãi rác tự phát trước đây bây giờ không còn, sông, ngòi kênh mương cũng trở nên sạch sẽ”. 

Việc phối hợp với Trung tâm Vệ sinh môi trường đô thị Yên Mô tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải đi xử lý đã giúp Khánh Dương nhanh chóng giải quyết vấn đề rác thải, góp phần thực hiện thành công tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Ngô Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Vệ sinh môi trường đô thị Yên Mô cho biết: Hiện nay, ngoài việc tiếp nhận, quản lý, trực tiếp thu gom, vận chuyển xử lý rác thải trên địa bàn thị trấn Yên Thịnh, khu trung tâm huyện, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn theo đúng chức năng, nhiệm vụ, Trung tâm còn ký hợp đồng tổ chức vận chuyển rác thải cho 100% số xã trên địa bàn huyện. 

Kết quả thu gom, vận chuyển rác đi xử lý tăng nhanh qua các năm, nếu như năm 2011 mới thu gom, vận chuyển được 420 tấn thì đến năm 2015 đã thu gom 5.160 tấn. Nhìn chung việc vận chuyển rác đi xử lý ở Tam Điệp đã giúp cho các xã trong huyện giảm được áp lực vấn đề môi trường nông thôn, giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm rác thải sinh hoạt vẫn tồn tại bấy lâu nay.
Khác với Yên Mô, huyện Yên Khánh đã và đang chọn cách làm mới trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt rác công nghệ tiên tiến theo cụm xã. Vừa qua, với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, xã Khánh Thiện được chọn làm điểm xây dựng mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt rác Losiho 500 phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới để xử lý rác thải của 2 xã Khánh Thiện và Khánh Tiên. 

Ông Phạm Văn Xanh, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thiện phấn khởi cho biết: Khánh Thiện là địa phương đông dân cư, hoạt động thương mại dịch vụ phát triển mạnh, do vậy lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn rất lớn. Để xử lý rác thải, thực hiện tiêu chí số 17 trong xây dựng nông thôn mới, nhiều năm nay, xã đã thành lập tổ thu gom rác thải sinh hoạt, tổ chức thu gom 3 lần/tuần, mỗi tháng thu được khoảng 50 tấn rác thải các loại. Địa phương cũng đã xây dựng khu tập kết và xử lý rác theo hình thức chôn lấp và đốt lộ thiên. 

Tuy nhiên chưa đầy 4 năm, bãi rác gần như đã quá sức chứa, mùa mưa bão nước ngập, rác thải, nước thải tràn ra các cánh đồng, kênh, mương gây ô nhiễm môi trường. Từ khi có lò đốt rác Losiho 500, rác được xử lý triệt để ngay trong ngày nên không gây mùi, không ảnh hưởng nguồn nước ngầm cũng như môi trường không khí, lượng tro thải ra không đáng kể.
Theo đại diện lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Khánh: Tại huyện phần lớn các xã xử lý rác thải sinh hoạt theo hình thức chôn lấp. Trong suốt thời gian vận hành bãi chôn lấp, không thể tránh khỏi mùi hôi thối, độc hại và phát sinh một lượng nước rò rỉ từ bãi có khả năng gây ảnh hưởng xấu cho môi trường. 

Mặc dù chi phí chôn lấp thấp nhưng tốn nhiều diện tích đất và chi phí xử lý môi trường sau khi chôn lấp cũng rất cao, do đó đây không còn là giải pháp hữu hiệu nhất đối với rác thải nông thôn.
Kết quả chạy thử nghiệm cho thấy lựa chọn mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt rác Losiho 500 phù hợp với điều kiện của địa phương và là một yêu cầu cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, xây dựng nông thôn mới hiện nay. 

Do đó, Yên Khánh đưa ra mục tiêu trong những năm tới đầu tư xây dựng từ 2 - 3 lò đốt rác thải Losiho 500 ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến theo cụm xã để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Dự kiến thời gian gần nhất có 2 cụm sẽ triển khai là cụm xã Khánh Nhạc - Khánh Hồng, Khánh Hải - Khánh Lợi.
Giải pháp lâu dài
Hiện nay, tỉnh ta đang tập trung cao cho công tác chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, trong đó tiêu chí môi trường bắt buộc phải hoàn thành nên việc xử lý rác thải là yêu cầu được các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm. Phần lớn các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã xây dựng khu tập kết rác tập trung của xã, thị trấn thường ở ngoài cánh đồng, gần nghĩa địa hoặc ở ven đê, bãi sông... Việc xử lý rác cũng rất đa dạng, có nơi chôn lấp rác, có nơi đốt hủy rác, có nơi chuyển tiếp đến cơ sở xử lý tập trung. 

Bên cạnh đó, bằng nguồn vốn lồng ghép của các chương trình khác nhau để đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta đã có một số mô hình thu gom rác thải ở khu vực nông thôn hiệu quả như thu gom chở đi xử lý ở Tam Điệp hay áp dụng lò đốt rác theo công nghệ tiên tiến. 

Điều đó đã góp phần cải thiện môi trường nông thôn một cách đáng kể, đường sá trở nên sạch đẹp hơn, không khí cũng thoáng đãng, trong lành.
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh lượng rác thải sinh hoạt ước tính lên đến trên 450 tấn/ngày, trong đó rác thải ở các địa bàn nông thôn chiếm trên 65%. Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt, vận chuyển đi xử lý tại thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp đã đạt tỷ lệ gần 100% nhưng tại các khu vực nông thôn mới đạt 5 - 10%. 

Dự báo tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong toàn tỉnh đến năm 2020 là 982 tấn/ngày và giai đoạn 2020-2030 là 1.426 tấn/ngày. Vì vậy để thực hiện triệt để môi trường nông thôn, góp phần thực hiện thành công tiêu chí số 17 trong nông thôn mới rất cần có những giải pháp mang tính chất lâu dài.
Với tính cấp bách về xử lý rác thải, UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2030 (Quyết định số 245 ngày 9-4-2013). Theo đó, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2030, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhất. 

Trong đó vấn đề rác thải nông thôn cũng được xác định là nội dung quan trọng với mục tiêu đến năm 2020 có 70% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 80% tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường; đến năm 2030 có 90% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 100% tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
Theo ông Lê Khắc Khoa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh ta có diện tích đất tự nhiên hẹp nên công tác thu gom, xử lý rác thải khu vực nông thôn có thể thực hiện đồng bộ, thống nhất bằng biện pháp thu gom, vận chuyển đến bãi rác tập trung xử lý hoặc có thể lựa chọn mô hình xử lý rác theo cụm xã. 

Đặc biệt, mô hình thu gom, vận chuyển đến bãi rác tập trung xử lý đã có những hiệu quả nhất định, phù hợp với địa phương và đang được tỉnh khuyến khích nhân rộng. Công tác thu gom rác thải bảo vệ môi trường đã được tỉnh quy hoạch những bãi xử lý rác tập trung ở Tam Điệp và Kim Sơn có khả năng xử lý được phần lớn rác thải sinh hoạt nông thôn.
Mặc dù mang lại hiệu quả cao, nhưng mô hình thu gom, vận chuyển đến bãi rác tập trung xử lý đang gặp phải một số khó khăn như: Các địa phương thiếu kinh phí hoạt động, trang thiết bị máy móc và nhân lực; hiện nay bãi xử lý rác ở Tam Điệp không đủ công suất để xử lý tất cả rác thải của các địa phương. 

Bên cạnh đó, người dân chưa có ý thức bảo vệ, chưa tự phân loại và xử lý chôn lấp rác hữu cơ nên lượng rác thải sinh hoạt thải ra mỗi ngày còn rất lớn. Mức thu nhập và mức sống của người dân nông thôn còn thấp nên gây khó khăn cho công tác vận động tham gia mô hình và thu nộp phí xử lý rác thải.
Để triển khai tốt mục tiêu thu gom, xử lý rác thải bảo vệ môi trường nông thôn theo Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2030 của UBND tỉnh, ngoài sự nỗ lực của tỉnh rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ về kinh phí, cơ chế, nhân lực hoạt động. 

Đồng thời các địa phương cũng cần đánh giá tình hình, lựa chọn mô hình xử lý rác thải sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, tự giác thu gom, tự phân loại rác, vận chuyển đến nơi quy định và tích cực tham gia các hoạt động, chương trình về bảo vệ môi trường ở địa phương.
Nguồn: http://baoninhbinh.org.vn/