California sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam về biến đổi khí hậu
- Chủ nhật - 01/03/2020 19:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bộ trưởng Nông nghiệp California Karen Ross tiếp đoàn, hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề cần hợp tác.
Nụ cười dễ mến thường trực trên môi, bà Karen chia sẻ với đoàn Bộ NN-PTNT bà từng đến Việt Nam và ấn tượng với con người, phong cảnh và đặc biệt là ẩm thực.
Theo Karen Ross, với vai trò người đứng đầu ngành nông nghiệp của bang, nhiệm vụ lớn nhất của bà là quan tâm, giúp nông dân phát triển, cả về trồng trọt lẫn chăn nuôi, mở rộng, kết nối thị trường cho họ.
Nông dân là những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu như hạn hán, nhiễm mặn… gây ra thiệt hại không nhỏ cho nông nghiệp. Bà Karen Ross mong muốn hai bên hợp tác hơn nữa về vấn đề khoa học công nghệ, chính sách, quản lý để cùng nhau giải quyết các thách thức trên.
Trong buổi làm việc với Việt Nam, phía California sẽ chia sẻ về những gì đang phát triển, đặc biệt là ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đối phó biến đổi khí hậu.
California là bang có nền nông nghiệp phát triển, rộng lớn, với khoảng 25% diện tích dành cho nông nghiệp. Với khí hậu kiểu Địa Trung Hải, bang có thể trồng nhiều loại hoa quả đặc sản, trong đó có nho ăn, nho làm rượu, quả hạch.
Giá trị của các sản phẩm nông nghiệp của California năm 2019 vào khoảng 50 tỷ USD, trong đó bang xuất khẩu được 20 tỷ USD nông sản và có nhiều sản phẩm đứng đầu nước Mỹ như sữa, sản phẩm sữa và bò thịt. California đang xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm như hạt hạnh nhân, hạt óc chó và nho.
Khó khăn trong nông nghiệp của bang là thiếu nước và thiếu lao động, bà Karen Ross cho biết thêm. Do đó, California rất quan tâm đến nghiên cứu công nghệ nông nghiệp và đưa ra ứng dụng trên thực tế với mục tiêu làm ra các nông sản sạch, chất lượng.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đồng ý với bà Karen Ross về quan hệ Việt - Mỹ đang ngày càng phát triển, trong đó nông nghiệp là vấn đề được cả hai nhà nước quan tâm và tăng cường hợp tác.
Ông chia sẻ với bà Karen về những cuộc làm việc với các bộ, ngành và hiệp hội ngành hàng ở Washington DC, Iowa và Nebraska, từ đó đã có được hàng loạt thỏa thuận giữa doanh nghiệp hai bên, tăng cường xuất khẩu nông sản Mỹ vào Việt Nam.
Thứ trưởng Doanh đánh giá cao các loại hoa quả nổi bật của California, trong đó có cam mới được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Việt Nam. Bên cạnh đó, bang cũng có nhiều cơ quan nghiên cứu, đại học chuyên về đào tạo nông nghiệp.
Đại diện Bộ NN-PTNT đưa ra 4 kiến nghị với Bộ Nông nghiệp California, đầu tiên là về vấn đề thương mại khi mà các sản phẩm của Việt Nam và Mỹ rất ít cạnh tranh mà thường là bổ trợ cho nhau. Ví dụ như các sản phẩm rượu vang, sữa, hạnh nhân và cam Mỹ rất được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng.
Thứ hai là hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là nghiên cứu về giống, thú y, bảo vệ thực vật và dây chuyền chế biến, bảo quản nông sản, các thế mạnh của California.
Tiếp theo là vấn đề an toàn thực phẩm, Việt Nam không chỉ quan tâm đến thị trường trong nước mà còn là quốc gia mạnh về xuất khẩu và yêu cầu về chất lượng ngày càng cao.
Cuối cùng là vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu do Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của nguy cơ này. Do đó, ngoài hợp tác, phía California có thể chia sẻ kinh nghiệm đối phó biến đổi khí hậu với Việt Nam.
Chia sẻ về các vấn đề này, bà Natalia, phụ trách về thanh tra chất lượng, an toàn thực phẩm và hoạt động nông nghiệp hữu cơ của California cho biết phòng của mình có kinh phí hoạt động hàng năm là 61 triệu USD với khoảng 200 nhân sự.
Chức năng chính của cơ quan này là kiểm tra, tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là về nông nghiệp hữu cơ, ngành có giá trị lên đến 15 tỷ USD.
Ngoài ra, cơ quan còn có các phòng cấp phép cho các loại nông sản xuất nhập khẩu và kiểm tra về dinh dưỡng của các loại thực phẩm từ trang tại đến bàn ăn.
Cơ quan của bà Natalia cũng liên kết rất chặt chẽ với các phòng nghiên cứu, trường đại học để tìm kiếm cơ hội đưa các nghiên cứu vào áp dụng cho kiểm soát an toàn thực phẩm, chất lượng thực phẩm.
Tiếp theo, chuyên gia về nông nghiệp thông minh và biến đổi khí hậu của California cũng có những chia sẻ với đoàn Việt Nam, tập trung vào ứng dụng công nghệ thông minh trong nông nghiệp để đối phó biến đổi khí hậu.
Ông đề cập đến việc áp dụng khoa học để giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác cũng như tìm ra giải pháp thích ứng với môi trường trong điều kiện mới.
California đã phải chịu những tác động của biến đổi khí hậu rất rõ ràng như hạn hán năm 2014, 2015, do đó, cơ quan này đã có chương trình nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng nước.
Ngoài ra, họ còn có hình thức khuyến khích, hỗ trợ cho các trang trại sử dụng công nghệ tưới tiêu tiết kiệm. Bên cạnh đó là thúc đẩy, khuyến khích nông dân khai thác, sử dụng đất một cách hiệu quả.
California là một bang ven biển phía tây của Hoa Kỳ, dân số là 39,56 triệu (năm 2018) và diện tích 410.000 km2. California là bang đông dân nhất Hoa Kỳ và lớn thứ ba theo diện tích. Thủ phủ bang là thành phố Sacramento.
GDP của California đạt 3.137 tỷ USD trong năm 2019 (tăng 4,3% so với 2018). Diện tích đất nông nghiệp chiếm 25%, California có 77.100 trang trại với diện tích trung bình 132 ha/trang trại. Trong nông nghiệp, ngành trồng trọt chiếm tỷ trọng 77% trong khi ngành chăn nuôi chỉ ở mức 23%.
So với các tiểu bang khác, California có một ngành công nông nghiệp lớn (bao gồm trái cây, rau, sữa, sản xuất rượu vang và thịt bò). California dẫn đầu Hoa Kỳ về sản xuất dâu tây; do khí hậu tối ưu và đất sản xuất, tiểu bang này là nguồn cung cấp hơn 80% thu hoạch dâu tây của quốc gia. California cũng là một trong những vùng nông nghiệp năng suất cao nhất trên thế giới, trồng hơn một nửa các loại trái cây, rau và các loại hạt của Hoa Kỳ.
Các sản phẩm xuất khẩu hàng đầu trong năm 2018 là các loại hạnh nhân (7,13 tỷ USD), sản phầm trồng trọt ngoài rau quả (3,69 tỷ USD), quả tươi (2,64 tỷ USD), quả chế biến (2,5 tỷ USD), rau (1,8 tỷ USD), sữa và sản phẩm sữa (1,42 tỷ USD).
(từ Hoa Kỳ)/ Nông nghiệp