Cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi
- Thứ hai - 06/06/2016 09:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nguy hại rất lớn
Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, mấy tháng đầu năm, đơn vị này đã tiến hành 2 cuộc khảo sát độc lập, kết quả cho thấy tỷ lệ thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm nhóm beta-agonist (chủ yếu là Salbutamol, Clenburetol - thuốc được dùng chữa hen suyễn cho người) là 10% và 33% trong thịt heo. Kết quả này đã gây rúng động dư luận. Vấn nạn kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi đã có từ lâu, tuy nhiên sau nhiều năm vào cuộc, tình trạng này không những được cải thiện mà còn trở nên trầm trọng.
Nhiều nước trên thế giới đã nói không với kháng sinh trong chăn nuôi - Nguồn:modernfarmer
Trước đó đầu năm 2014, trong đợt lấy mẫu giám sát chất lượng thịt lợn do Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh thực hiện đã phát hiện 13/30 mẫu (chiếm hơn 43%) có hàm lượng kháng sinh Sulfadimidin vượt quy định. Không chỉ vậy, một số kháng sinh khác như Enrofloxacine và Flofennicol cũng bị phát hiện tồn dư trên thịt gà.
Theo nhiều chuyên gia, kháng sinh tồn dư trong thực phẩm rất lớn và rất nguy hại. Người dân ăn thực phẩm mỗi ngày là “ăn” cả kháng sinh, lâu dần dẫn đến đề kháng thuốc, vô cùng nguy hại với sức khỏe của cả quốc gia. Cái khó hiện nay là người tiêu dùng không thể nhận biết được những sản phẩm thực phẩm có tồn dư kháng sinh, chỉ trong chờ vào các nhà khoa học và kết quả phân tích của ngành chức năng. Giải quyết vấn đề này liệu bắt đầu từ người chăn nuôi gia súc, gia cầm đã đủ? Trả lời cho câu hỏi này, xin trích dẫn phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Phải ngăn chặn tận gốc tình trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi; thủy sản; truy xuất từ lò mổ tới cơ sở chăn nuôi, tới nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, các cơ sở nhập khẩu kháng sinh. Như vậy mới cải thiện được vấn đề.
Chặn từ gốc
Theo Cục Thú y, từ ngày 15/4/2016, Cục này sẽ tạm dừng nhập khẩu 3 tháng đối với nguyên liệu kháng sinh Enrofloxacine để kinh doanh, sản xuất thuốc thú y cho mục đích sử dụng trong nước.
Cục Thú y nhận định, trong thời gian qua, việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản để phòng, trị bệnh dẫn đến sản phẩm động vật, thủy sản bị tồn dư kháng sinh, chất độc hại đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, Enrofloxacine là hóa chất bị cấm sử dụng trong phòng, trị bệnh thủy sản theo quy định của Bộ NN&PTNT.
Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ ban hành thông tư sửa đổi hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Theo đó, hướng dẫn mới sẽ giảm liều lượng kháng sinh cho phép trong thức ăn chăn nuôi từ 8 - 10 ppm/tấn xuống còn 5 ppm/tấn, đồng thời dừng cho phép dùng kháng sinh trộn sẵn trong thức ăn nhằm phòng bệnh cho vật nuôi. “Tại Mỹ, việc ngừng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi sẽ từ năm 2017, Thái Lan cũng vậy, còn EU đã ngừng sử dụng từ năm 2006. Chúng tôi đã đi khảo sát các nước xung quanh, có thể năm 2018 sẽ ngừng cho phép sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi”, ông Vân cho biết thêm.
>> Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi sẽ chính thức áp dụng từ ngày 1/7/2016, những tổ chức, cá nhân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt tù đến 10, thậm chí 20 năm, phạt tiền tới 1 tỷ đồng và cấm sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, sẽ tiêu hủy toàn bộ đàn lợn nếu bị phát hiện sử dụng.