Cán bộ cần “biết lãnh đạo” để làm “đầy tớ” nhân dân

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền… Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Ý nghĩa sâu xa của lời căn dặn đó chính là, để hoàn thành sứ mệnh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng con người, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải “biết lãnh đạo” để đi tới mục tiêu cao cả đó, để xứng đáng là “Người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Người đã chỉ dẫn: “muốn cho mọi người làm tròn nhiệm vụ, cán bộ Đảng và chính quyền cần biết lãnh đạo”(1). Theo Hồ Chí Minh, các cán bộ biết lãnh đạo tức là họ phải đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản sau:
Bác Hồ về thăm xã Tân Phong (Vĩnh Phúc) năm 1956.

Thứ nhất, cán bộ cần phải nắm vững mục đích (mục tiêu) và phương thức (phương pháp) trong lãnh đạo. Đây là vấn đề đặc biệt cần thiết đối với mỗi cán bộ trong lãnh đạo, bởi mục tiêu và phương pháp là các vấn đề cơ bản của lãnh đạo. Không nắm vững lý luận khoa học sẽ không thể đề ra được phương pháp lãnh đạo khoa học và hiệu quả. Ngược lại, không có phương pháp đúng sẽ không đạt được mục tiêu trong lãnh đạo. Lâu nay, trong lãnh đạo, nhiều cán bộ đã chỉ chú ý đề ra các mục tiêu (nói thì “nhiều” “hay”), mà không quan tâm đến đề ra các phương pháp thực hiện (làm thì “ít”, “dở”). Thực tế nhiều năm qua cho thấy, cán bộ ta còn nhiều khuyết điểm trong lãnh đạo, nhưng không muốn sửa chữa, không dám nhận trách nhiệm, là do họ đã không biết lãnh đạo. Cán bộ biết lãnh đạo rất cần phải nói ít, làm nhiều, tức cần phải nắm vững, đề ra các mục tiêu, phương pháp đúng đắn, hiệu quả trong lãnh đạo. 

Thứ hai, cán bộ cần phải nắm vững “dân là chủ” (dân chủ) và “dân làm chủ” (thực hành dân chủ) trong lãnh đạo. Đây là phương châm rất quan trọng đối với mỗi cán bộ trong lãnh đạo, bởi dân là chủ (với ý nghĩa là mục tiêu) và dân làm chủ (với ý nghĩa là phương pháp) là các vấn đề cơ bản nhất trong lãnh đạo để xây dựng một xã hội dân chủ như Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ. Không xây dựng được các mục tiêu dân chủ sẽ không đề ra được các phương pháp dân chủ. Ngược lại, không thực hiện các phương pháp dân chủ sẽ không đạt được các mục tiêu dân chủ. Lãnh đạo dân chủ tức là cán bộ phải kết hợp giữa đạo đức và pháp luật, đặc biệt coi trọng tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục, biến quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước thành hành động tự giác của nhân dân. Ví như đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân cần phải được hiểu là chống lại các quan điểm có đặc tính cá nhân vị kỷ (vụ lợi), các hành vi có biểu hiện đặc điểm cá nhân ích kỷ (tư lợi), chứ không phải chống lại các quan điểm, hành vi vì quyền lợi chính đáng, có quan điểm nhân văn của cá nhân. Hồ Chí Minh phân tích rằng: “Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu”(2). 

Thứ ba, cán bộ cần phải biết đi đầu, gương mẫu (tiên phong) trong lãnh đạo. Theo Hồ Chí Minh: “Lãnh đạo được hay không, là do đặc tính cách mạng, chứ không phải do số người nhiều ít của giai cấp”(3). Nghĩa là, hoạt động lãnh đạo là không phụ thuộc vào nhiều người hay ít người lãnh đạo, mà phụ thuộc vào tính gương mẫu (chất lượng) của các cán bộ lãnh đạo. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “nói giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, thì cụ thể là phải gương mẫu trong sản xuất, gương mẫu trong đời sống”(4). Một người lãnh đạo mà không gương mẫu, không tiên phong về tư tưởng, đạo đức, lối sống thì người đó không biết lãnh đạo. Những người có tư tưởng, quan điểm “bảo thủ”, “kiêu ngạo”, “lệch lạc”, những người có hành vi “giả dối”, thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đều là những người không biết lãnh đạo. 

Thứ tư, cán bộ cần phải có tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo. Mỗi cán bộ cần phải nhận thức đúng đắn cách làm việc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong nguyên tắc tập trung dân chủ. Hồ Chí Minh cho rằng, lãnh đạo theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thì tập thể lãnh đạo (cơ quan lãnh đạo) là muốn nói tới các đại hội Đảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân (5); còn cá nhân phụ trách hay cá nhân lãnh đạo (người lãnh đạo) là muốn nói tới các thành viên, ủy viên trong các cơ quan Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp. Tập thể hay cá nhân lãnh đạo đều phải tuân thủ nguyên tắc: “quyền hạn gắn với trách nhiệm” trước Tổ quốc và nhân dân. Tinh thần trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong lãnh đạo cần phải gắn chặt với ba nội dung cơ bản: nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng và làm tròn nhiệm vụ (6). Trong ba nội dung này thì việc nắm vững chính sách được coi như nắm vững phương pháp lãnh đạo dân chủ; việc làm đúng đường lối quần chúng được coi như việc xác định rõ mục tiêu lãnh đạo dân chủ; còn làm tròn nhiệm vụ được coi như vừa xác định rõ mục tiêu (tiêu chí) lãnh đạo dân chủ, vừa đề ra phương pháp (phương thức) lãnh đạo dân chủ của tập thể, mỗi cán bộ. Quyền hạn cần phải gắn với trách nhiệm; cương vị lãnh đạo càng cao thì trách nhiệm trước Tổ quốc, nhân dân càng nặng nề. Cán bộ cần phải nhận thức rõ rằng, làm lãnh đạo là để “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, chứ không phải để “làm quan phát tài”. 

Thứ năm, cán bộ cần phải có nghệ thuật lãnh đạo. Cán bộ phải biết lãnh đạo một cách mềm dẻo, linh hoạt, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Phương pháp lãnh đạo này đối lập với phương pháp lãnh đạo theo kiểu “mệnh lệnh” trong thời kỳ nền kinh tế chỉ huy, bao cấp, hoặc trong chiến tranh. Theo Người, lãnh đạo theo phương pháp mệnh lệnh, là “làm việc theo cách quan liêu”, tức sử dụng quyền lực “cứng”, khó thuyết phục đối tượng lãnh đạo, mặc dù cán bộ vẫn có thể “làm tròn nhiệm vụ”, nhưng nhìn về tổng thể, thực chất thì lại thất bại. “Làm theo cách quan liêu đó, thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời nay có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại”(7). Nếu cán bộ sử dụng phương pháp lãnh đạo khéo léo sẽ mang lại nhiều hiệu quả, mang tính “hai chiều”, tức có tính phản biện. Hồ Chí Minh coi phương pháp lãnh đạo khéo léo tương tự như “làm việc theo cách dân chủ”, sử dụng quyền lực “mềm”. Người nói: “Khi tuyên truyền chính sách của Đảng, cán bộ phải dùng cách thuyết phục chứ không được dùng mệnh lệnh”(8). Một tập thể lãnh đạo khéo thể hiện ở sự sáng suốt, tôn trọng các quan điểm, chính kiến khác nhau nhằm tạo sự đồng thuận, đoàn kết. Cá nhân lãnh đạo khéo thể hiện ở việc khéo tổ chức, khéo thuyết phục, khéo sử dụng cán bộ, khéo kiểm tra, kiểm soát trong thực hiện các công việc. Khéo lãnh đạo là đối lập với “thủ đoạn chính trị”(9). 

Việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện để cán bộ biết lãnh đạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là cách thiết thực để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ở Việt Nam.

 …………….. 
1, 6. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995, t. 6, tr. 304, 346. 
2. Hồ Chí Minh Sđd, t. 9, tr. 291.
3, 9. Hồ Chí Minh Sđd, t. 7, tr. 212, 438.
4. Hồ Chí Minh Sđd, t. 12, tr. 666.
5. Hồ Chí Minh Sđd, t. 5, tr. 504. 
7.Hồ Chí Minh Sđd, t. 7, tr. 204.
8. Hồ Chí Minh Sđd, t. 3, tr. 566.

Theo PGS, TS. Nguyễn Hữu ĐổngViện Chính trị học - Học viện CTQG Hồ Chí Minh/xaydungdang.org.vn