Cần chính sách riêng cho liên kết nông dân và doanh nghiệp

Cần chính sách riêng cho liên kết nông dân và doanh nghiệp
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) cho thấy, 4 năm qua, doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ NTM chỉ đạt 3,7% tổng nguồn vốn. Đây là con số khá thấp, ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện một số tiêu chí cơ bản như: giao thông, môi trường, tổ chức sản xuất...

Nông thôn đang chuyển biến mạnh mẽ

Năm 2014, mặc dù nguồn vốn Trung ương đầu tư trực tiếp cho Chương trình XDNTM chỉ có 5.255 tỷ đồng nhưng các địa phương đã huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện với số vốn đạt tới 157.814,170 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, với những cách làm chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương, kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống, người dân đã được quan tâm xây dựng, nâng cấp; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, thu nhập của cư dân nông thôn tăng nhanh.

Thực tế ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai là một ví dụ. Bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh, thu nhập của người dân trên địa bàn xã đã tăng lên rõ rệt, đạt 22,42 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 7,97%.

Với tỉnh Điện Biên, từ việc XDNTM năm 2014, đã triển khai được 25 mô hình chăn nuôi, trồng trọt và hỗ trợ thiết bị máy móc, dụng cụ sản xuất. 85 công trình giao thông thôn bản, 13 công trình xây dựng, nâng cấp kênh mương nội đồng, 10 công trình nước sinh hoạt, 6 nhà văn hóa thôn bản, 25 trụ sở xã, 2 khu xử lý rác thải và hệ thống nước thải… đã được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Các công trình này không chỉ mang lại diện mạo mới cho nông thôn Điện Biên mà còn góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Linh hoạt trong huy động nguồn lực      

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trần Thanh Nam, quá trình thực hiện XDNTM, bên cạnh những cơ chế, chính sách, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, nhiều tỉnh cũng đã chủ động vận dụng, ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ XDNTM trên địa bàn các xã như: hỗ trợ lãi suất, nâng mức cho vay; hỗ trợ lãi suất để đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, hiện tại việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất hạn chế. Thực tế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện các tiêu chí NTM, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế trên địa bàn nông thôn. Trong khi đó, báo cáo của các địa phương đều thống nhất coi việc tổ chức sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân là yếu tố quyết định của NTM. Chính vì vậy, để nông dân không sản xuất tự phát, không có hợp đồng, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa... bắt buộc phải đẩy mạnh thực hiện liên kết với doanh nghiệp.

Trước thực tế này, để chương trình XDNTM tiếp tục lan tỏa và phát huy hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, đưa nội dung XDNTM vào chương trình nghị sự Đại hội Đảng của các địa phương. Đồng thời nhấn mạnh, “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” tiếp tục là vấn đề chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh việc làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong XDNTM, Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM rà soát cụ thể các chính sách ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; khuyến khích cho vay ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, các bộ, ngành cần nghiên cứu chính sách riêng cho liên kết nông dân và doanh nghiệp; ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và đóng trên địa bàn nông thôn... để các doanh nghiệp có quyết tâm đầu tư vào khu vực này.

“Năm 2015, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp và rút lao động ra khỏi nông nghiệp chuyển sang công nghiệp, dịch vụ sẽ là trọng tâm. Tuy nhiên, để người dân “ly nông, không ly hương” cần có chính sách đặc thù và thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng nông thôn...” -  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.   

Hết năm 2014, cả nước có 785 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 8,8%), 1.285 xã (14,5%) đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 2.836 xã (32,1 %) đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 2.964 xã (33,6 %) đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, 945 xã (11%) đạt dưới 5 tiêu chí, không còn “xã trắng tiêu chí”. Đặc biệt, có 2 đơn vị cấp huyện (Xuân Lộc, Long Khánh) của tỉnh Đồng Nai được công nhận đạt chuẩn NTM.
 
Theo baocongthuong.com.vn