Cần có hành lang pháp lý để kỷ luật “quan” về hưu
- Thứ ba - 03/10/2017 00:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mới đây, trả lời báo chí về kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những sai phạm của chính mình khi còn đương chức, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng nói: “Tôi về hưu rồi, xử sao thì xử".
Câu nói không nhận được sự đồng tình của dư luận đối với vấn đề kỷ luật Đảng khi đảng viên vi phạm. Nhất là trong bối cảnh cán bộ, đảng viên cả nước đang rất kỳ vọng vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng và nỗ lực xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tập thể Ban Chấp hành Trung ương đang quyết tâm thực hiện. Đồng thời, qua một trường hợp thực tế này cho thấy, việc kỷ luật quan chức về hưu rất cần có hành lang pháp lý để giải quyết.
Cương quyết xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm thời gian qua đã khẳng định một thực tế, không có "vùng cấm" trong kiểm tra, kỷ luật Đảng, kể cả đối với cán bộ đã về hưu hay đương chức.
Dư luận đã chứng kiến và đồng tình với việc kỷ luật cán bộ đã về hưu, hủy bỏ tư cách cán bộ đối với nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Hà Tĩnh Võ Kim Cự; nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng… và nhiều quan chức khác với những sai phạm khi từng đảm nhiệm các chức vụ trong quá khứ.
Điều này cho thấy, tinh thần kiên quyết làm trong sạch đội ngũ, gìn giữ thanh danh, làm cho Đảng ngày một trong sạch vững mạnh hơn. Thế nhưng nỗ lực phòng chống tham nhũng của Đảng gặp không ít khó khăn do còn thiếu hành lang pháp lý đối với việc xử lý các cán bộ đã nghỉ hưu.
Với nguyên Chủ tịch tỉnh Gia Lai, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận khi còn đương chức có những “sai phạm nghiêm trọng” đến mức “phải kỷ luật” như: Chỉ đạo làm đường nhập khẩu gỗ từ Lào trái quy định; vi phạm trong chỉ đạo quản lý đất đai; chỉ đạo bổ nhiệm người thân không đủ điều kiện... Đặc biệt là sai phạm nghiêm trọng trong việc chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo sang trồng cao su, dẫn đến rừng mất, dân nghèo, gây hệ lụy lâu dài về kinh tế - xã hội và môi trường.
Thế nhưng, trả lời báo chí về những sai phạm của mình, ông Phạm Thế Dũng, nguyên Chủ tịch tỉnh này đã buông một câu như chẳng có chuyện gì, rằng: “Tôi về hưu rồi, xử sao thì xử!”. Nhiều ý kiến của cán bộ, đảng viên không đồng tình với câu nói này, coi như là đã “đùa cợt” với kỷ luật Đảng khi đảng viên vi phạm.
Bà Đặng Thùy Dung, cán bộ hưu trí ở 60 Hàng Trống, Hà Nội cho rằng: “Trong thời gian làm việc, cán bộ phải có trách nhiệm, khi về hưu mới thoải mái được. Cán bộ làm không tốt, khi về hưu lại chối trách nhiệm trong thời gian công tác là không đúng. Nhà nước mình nên nghiêm khắc hơn nữa đối với người vi phạm kỷ luật thì mới răn đe thế hệ về sau làm tốt hơn được”.
Thời gian gần đây, dư luận hay sử dụng cụm từ “hạ cánh an toàn” để ám chỉ việc các quan chức sau khi về hưu là chối hết trách nhiệm với tổ chức và nhân dân, bất kể lúc đương chức có vi phạm thế nào. Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, về hưu rồi vẫn phải có trách nhiệm đối với việc mình đã làm sai trong thời gian còn đương chức.
Với tinh thần thượng tôn pháp luật, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nếu có sai phạm thì bất luận người đó ở vị trí nào, dù đương chức hay đã nghỉ hưu thì đều phải chịu trách nhiệm.
“Dù anh nghỉ nhưng trước đó anh vi phạm thì vẫn xử lý. Phải đặt câu hỏi là: Tại sao lúc đương chức không phát hiện được mà để về hưu mới phát hiện? Tôi nghĩ, có thể lúc đang đương chức do nể nang, thiếu đấu tranh, dẫn đến tình trạng “biết không nói”. Đến khi về rồi mới nói, tố cáo. Cũng có thể cơ chế kiểm soát quyền lực đối với cán bộ đang đương chức chưa tốt nên không phát hiện được, đến khi nghỉ mới phát hiện, xử lý” – TS Trần Ngọc Đường nói.
Vấn đề đặt ra cần phải có hướng dẫn cụ thể chi tiết để thực hiện, xác định trách nhiệm của cán bộ về hưu. Bởi vì, thời gian qua, việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ về hưu còn nhiều lúng túng do chưa có quy định cụ thể. Dư luận vẫn cảm thấy chưa thỏa đáng với một số hình thức đưa ra để xử lý trách nhiệm của cán bộ về hưu thời gian qua: như phê bình, kỷ luật, xóa tư cách của cán bộ khi đương chức...
Khó khăn của việc làm này là do cán bộ nghỉ hưu không thuộc đối tượng điều chỉnh của luật Cán bộ, công chức, luật Viên chức và các quy định khác có liên quan, vì vậy, cán bộ nghỉ hưu nếu không bị xử lý hình sự thì cũng không thể xử lý trách nhiệm hành chính hoặc bị kỷ luật.
Xuất phát từ thực tế này, Bộ Nội vụ đang chuẩn bị Tổng kết 10 năm thực hiện Luật cán bộ, công chức, theo đó thể hiện tinh thần trách nhiệm của cán bộ kể cả khi đương chức và khi về hưu đều phải có trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, cán bộ đang đương chức cần nghiêm chỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, chứ không phải đã nghỉ hưu coi như hết trách nhiệm với Nhà nước. Đây là vấn đề khó, mới nhưng cần tạo hành lang pháp lý để giải quyết những trường hợp sau này.
“Để chỉnh sửa pháp lý lâu dài, trên cơ sở Luật Cán bộ, công chức hiện nay sửa đổi để điều chỉnh Luật cán bộ, công chức, thể hiện cao tinh thần trách nhiệm kể cả đương chức và nghỉ hưu đều có trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân" – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.
Xem xét trách nhiệm của cán bộ, công chức khi về hưu mà có hành vi vi phạm khi còn đương chức cần phải được quy định cụ thể trong Luật Cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đang được lấy ý kiến cũng cần bổ sung quy định đối với người về hưu nếu sau này phát hiện sai phạm để xử lý./.
Theo Lại Hoa/VOV