Cần cù bù… tiền tỷ

Từ một người nông dân, đã từng vật vã với cơm áo, gạo tiền, đói no nhưng bằng sự cần cù và mạnh dạn tìm hướng trong làm ăn, anh đã nhanh chóng nổi danh trên mảnh đất được mệnh danh là nghèo khó như Bắc Kạn. Chuyện kể về anh nông dân có tên Hà Văn Mạn, thôn Lủng Coóc (Quân Bình, Bạch Thông).


Anh Hà Văn Mạn (phải) và giống lợn đen địa phương nổi tiếng của mình.

Đến Quân Bạch, thậm trí ngay cả huyện Bạch Thông mà đem cái tên anh nông dân Mạn ra hỏi không ít người là không biết. Cái tên Mạn “tỷ phú”, Mạn “đại gia” hiện nay đã được không ít người dân nơi đây thay cho cái tên Mạn nghèo khó một thời. Trong ngôi nhà bề thế giữa thôn nghèo Lủng Coóc, ngược về quá khứ, anh Mạn chia sẻ: Ở nông thôn làm giàu rất khó, nông thôn miền núi, vùng cao như ở Bạch Thông lại càng khó khăn hơn.

Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, anh Mạn cho hay, đó là nhờ sự cần cù, chịu khó và biết tính toán căn cơ trong sản xuất, đời sống. Anh Mạn kể, ban đầu vợ chồng anh chỉ nuôi dăm ba con lợn/lứa. Có chút tiền, anh mua sắm máy xay xát và nấu rượu. Chính những phụ phẩm từ xay xát và bã rượu, cộng với vườn rau quanh nhà đã giúp vợ chồng anh nâng đầu lợn nuôi/lứa. Năm 2012, khi nguồn tín dụng bên ngoài rất khó khăn do khủng hoảng kinh tế, lãi suất rất cao, vợ chồng anh may mắn được vay 20 triệu đồng hỗ trợ. Đây là nguồn vốn rất quý lúc đó để vợ chồng anh không chỉ mở rộng quy mô chăn nuôi mà còn mở thêm các nghề khác như trồng nấm, sản xuất bún, làm bánh cuốn…

Để cókiến thức, anh Mạn tích cực luôn tham gia các lớp tập chuyển giao khoa học kĩ thuật, dạy nghề ngắn hạn. Không cam chịu nghèo khó, anh Mạn tiếp tục mạnh dạn chuyển đổi các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Hiện, anh Mạn đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn thịt và lợn nái với tổng diện tích chuồng trại là 800m2. Số lợn nái tăng từ 10- 50 con. Lợn nái đẻ ra anh đều giữ lại nuôi và duy trì đàn lợn thịt từ 200-300 con/lứa, mỗi năm nuôi 3 lứa đạt sản lượng 40 tấn/năm. Ngoài chăn nuôi lợn, anh Mạn còn chăn nuôi gà, vịt thương phẩm mỗi năm trên 1.000 con, đạt sản lượng khoảng 2 tấn…

Ngoài chăn nuôi, anh Mạn còn trồng 150m2 nấm sò, đạt sản lượng 3 tấn/năm và có thêm nghề sản xuất bún, bánh cuốn theo dây truyền công nghiệp để tăng thêm thu nhập. Mỗi năm gia đình anh Mạn đạt doanh thu từ chăn nuôi, trồng nấm sò và làm dịch vụ đạt khoảng 1,3 tỷ đồng. Gia đình anh tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động và tạo việc làm theo thời vụ trên 20 lao động địa phương.

Những nỗ lực vươn lên không ngừng của anh Hà Văn Mạn trong phát triển kinh tế đã được ghi nhận. Giờ đây, anh Mạn đã có kinh tế vững vàng, một cuộc sống gia đình sung túc. Hơn hết là những kinh nghiệm quý báu trong sản xuất được anh Mạn chia sẻ cho bà con cùng phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống.

Từ kinh nghiệm của mình, anh Mạn còn chia sẻ cách làm ăn cho bà con. Kinh tế gia đình ổn định, anh Mạn tích cực đóng góp công lao động và hiến 500m2 đất để mở đường liên thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương; ủng hộ 1 tấn xi măng làm nhà họp thôn và 1 triệu đồng để mua vật liệu khác. Hằng năm gia đình anh Hà Văn Mạn còn hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm cho trên 30 hộ trong thôn; cho 25 lượt hộ khó khăn về vốn vay 100 triệu đồng không tính lãi và cho vay 40 con lợn giống đến lúc bán mới trả tiền…    

Hồng Phương/ Đại đoàn kết