Cần lắm một nền nông nghiệp “thực chất”
- Thứ tư - 18/10/2017 08:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngân hàng Thế giới (WB) từng đưa ra lời khuyến nghị cho nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai, đó là phải đảm bảo “tăng giá trị, giảm đầu vào”. Tức là phải tạo ra nhiều giá trị kinh tế hơn, mang lại hiệu quả cao hơn cho nông dân và người tiêu dùng, đồng thời sử dụng ít hơn về tài nguyên, nhân công và hóa chất độc hại. Tăng trưởng sẽ dựa chủ yếu trên hiệu quả, đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa và tạo thêm giá trị mới.
Làm thực chất
Điều này đồng nghĩa với việc cần có hành động của những người làm nông nghiệp và sự hỗ trợ, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong toàn ngành kinh doanh nông nghiệp. Một nền nông nghiệp thông minh, “nông nghiệp 4.0”, là điều mà nông nghiệp Việt Nam cần hướng tới, để gắn nông nghiệp hiện đại với ứng dụng công nghệ thông tin và các thiết bị hiện đại.
Đây cũng chính là vấn đề được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại Diễn đàn Nông dân Việt Nam lần thứ hai với chủ đề “Nông dân sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức ở Hà Nội vào cuối tuần qua.
Phó Thủ tướng lưu ý, phải coi phát triển nông nghiệp công nghệ cao là khâu then chốt, giải pháp xuyên suốt, là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp.
“Các nước họ không nói nhiều tới cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 đâu mà chỉ làm thực chất. Ta cũng phải ít nói đi và hãy bắt tay vào thực hiện sáng tạo thông minh vì mục tiêu thương mại, sức khỏe của người tiêu dùng”, Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các nông dân liệu có biết, có hiểu gì về “nông nghiệp 4.0”? Như băn khoăn của Chủ nhiệm HTX Anh Đào (Lâm Đồng) Nguyễn Công Thừa và nhiều nông dân tại diễn đàn: “Tôi cũng đã nghe nói đến nông nghiệp 4.0, nhưng chưa thực sự hiểu đó là gì. Nó có gì khác so với nông nghiệp công nghệ cao mà chúng tôi đang áp dụng. Nếu áp dụng vào, nông nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những bước đột phá như thế nào”.
Để trả lời những câu hỏi này, trong hai năm 2016 – 2017, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức một số đoàn công tác đi nghiên cứu về sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung và “nông nghiệp 4.0” nói riêng ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel…
Qua các chuyến nghiên cứu như vậy, theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn, có thể thấy “nông nghiệp 4.0” là sự kết hợp đồng bộ giữa công nghệ về giống; công nghệ chăm sóc gieo trồng, chăn nuôi; công nghệ tưới tiêu; công nghệ thu hoạch và bảo quản; công nghệ chế biến; công nghệ tự động hóa; công nghệ quản lý… Tất cả công nghệ nêu trên được tích hợp và điều khiển bởi công nghệ thông tin bằng các ứng dụng trên mạng Internet…
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), cho biết ở Việt Nam, cụ thể hơn là ở Lâm Đồng, có thể thấy rất nhiều nông dân đã nhạy cảm, bắt nhịp được với xu thế ứng dụng nhiều công nghệ vào nông nghiệp như cảm biến, tự động điều chỉnh xử lý nhiệt độ, cho nên việc ứng dụng “nông nghiệp 4.0” là hoàn toàn có thể.
Hài hòa và phù hợp
Theo giới chuyên gia, “nông nghiệp 4.0” ở nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới được hiểu là các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi được kết nối mạng bên trong và bên ngoài đơn vị (có thể hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp).
Nghĩa là thông tin ở dạng số hóa về tất cả các đối tác và mọi quá trình sản xuất, giao dịch với đối tác bên ngoài đơn vị như các nhà cung cấp và khách hàng tiêu thụ được truyền dữ liệu, xử lý, phân tích dữ liệu phần lớn tự động qua mạng Internet.
Sử dụng các thiết bị có kết nối mạng Internet có thể tạo điều kiện quản lý được lượng lớn dữ liệu và kết nối nội bộ với các đối tác bên ngoài đơn vị. Một số thuật ngữ khác thường được sử dụng như “nông nghiệp thông minh” và “canh tác số hóa”, đều dựa trên sự ra đời của các thiết bị thông minh trong nông nghiệp.
Như khuyến nghị của WB với nông nghiệp Việt Nam, quá trình dịch chuyển từ tăng trưởng dựa trên tài nguyên sang tăng trưởng dựa trên tri thức đòi hỏi thay đổi cơ bản cách thức học tập và tiếp cận thông tin kỹ thuật, thông tin thị trường của nông dân và các tác nhân khác trong ngành.
Tuy Chính phủ đã bắt đầu từ bỏ cách tiếp cận từ trên xuống sang hỗ trợ nghiên cứu và khuyến nông nhưng vẫn cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn khi xác định mục tiêu, cách tiếp cận và vai trò của cơ quan nhà nước.
Ví dụ, dịch vụ khuyến nông của Nhà nước có thể vẫn giữ vai trò quan trọng nhưng Nhà nước sẽ không còn giữ vai trò nhà cung cấp dịch vụ chính nữa mà dần chuyển sang chức năng môi giới, huy động và cấp vốn cho các nhà cung cấp dịch vụ khác.
Đồng thời, việc đặt trọng tâm vào nâng cao năng suất và sản lượng hiện nay cho thấy có nhiều dư địa trong điều chỉnh đầu tư theo kịp thực tế và yêu cầu của hệ thống ngành kinh doanh nông nghiệp hiện đại trong tương lai.
Cũng theo các chuyên gia WB, Việt Nam cần đổi mới chính sách và thể chế nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo
và nâng cao hiệu quả. Theo đó, cần tạo đột phá trong lĩnh vực đất nông nghiệp, thủy lợi, nghiên cứu nông nghiệp, khuyến nông và an toàn thực phẩm.
Trong những lĩnh vực này, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm thành công của các nước khác về nâng cao năng lực cạnh tranh ngành, tiểu ngành, hoặc tăng cường mức độ bền vững.
Gs. Ts. Nguyễn Văn Bộ, nguyên Viện trưởng Viện Nông nghiệp Việt Nam, lưu ý, không nên tiếp cận kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 4.0 của các nước theo kiểu phong trào, cũng như không nhất thiết phải áp dụng tất cả công nghệ của cách mạng “nông nghiệp 4.0”, mà phải hài hòa và phù hợp với đặc thù riêng của Việt Nam.
Theo ông Bộ, có ba điều kiện cần cho “nông nghiệp 4.0”. Thứ nhất, cần có hành lang pháp lý phục vụ cho người sản xuất, mà không phải dành cho người quản lý. Hành lang pháp lý này phải minh bạch và dễ dàng tiếp cận. Thứ hai, cơ sở hạ tầng phải tương thích với trình độ người sản xuất.
Thứ ba, cần có cơ sở dữ liệu phù hợp với ngành hàng và thị trường. Một điều kiện đủ quyết định thành công là người sản xuất và doanh nghiệp phải dũng cảm, tâm huyết với nông nghiệp.
Tóm lại chúng ta cần là một nền nông nghiệp đồng bộ, thực chất và hợp lý.
Ts.Trần Mạnh Báo – Chủ tịch HĐQT công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Thái Bình
“Điều mà cá nhân tôi và Hội Nông dân Việt Nam đặc biệt quan tâm chính là vị trí, vai trò của người nông dân Việt Nam trong xu hướng phát triển nông nghiệp thông minh. Trong xu hướng đó, nông dân Việt Nam có khả năng thích ứng, ứng dụng các công nghệ của nông nghiệp thông minh hay không. Chính phủ, các bộ, ngành, trong đó có Hội Nông dân Việt Nam và các địa phương cần làm gì, hỗ trợ, định hướng, hướng dẫn, đào tạo như thế nào để nông dân chủ động nắm bắt những cơ hội to lớn, đồng thời vượt qua những rủi ro, thách thức không nhỏ mà cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang tới”. Ông Lại Xuân Môn – Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phát triển nông nghiệp 4.0 phải phát huy hiệu quả của các nhà nông nghiệp, doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học… Chúng ta không thể thờ ơ nhưng cũng không thể nóng vội, triển khai tràn lan. Các ngành, doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực vận hành, phát triển nông nghiệp 4.0. Trong đó, nên tập trung nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, quản trị công nghệ và quản lý, quản trị doanh nghiệp… Đồng thời, cần chủ động tăng cường hội nhập quốc tế, nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia khác…”. Ông Vương Đình Huệ – Phó Thủ tướng Chính phủ Khoa học công nghệ là giải pháp bắt buộc nông dân phải ứng dụng, trong đó rất cần kết nối với doanh nghiệp, liên kết, gắn với thị trường để làm nông nghiệp 4.0. Chúng ta không nên quá tham vọng vào việc ứng dụng ngay nông nghiệp 4.0 mà trước hết hãy bắt đầu từ cơ giới hóa rộng rãi nông nghiệp, thay đổi nhận thức của nông dân, ứng dụng khoa học công nghệ và |